Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Hấp lực mạnh từ lợi thế vùng

Nhà máy ô tô Trường Hải tại Khu kinh tế mở Chu Lai
Các khu kinh tế (KKT) Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đang tạo nên hấp lực mạnh đối với nhà đầu tư thông qua nhiều dự án quan trọng, với chính sách ưu đãi đầu tư thông thoáng.
 
Trước thềm Hội nghị xúc tiến đầu tư vào Vùng kinh tế trọng điểm (diễn ra vào ngày mai - 26/6, tại Hội An, Quảng Nam), các địa phương thuộc khu vực này liên tiếp đón nhận nhiều dự án đầu tư quan trọng. Trong đó, đáng chú ý là Tập đoàn ALT - Development cùng 2 nhà đầu tư khác của Nga góp vốn đầu tư Dự án du lịch cao cấp Hòn Ngọc Việt Nam, với tổng vốn đầu tư 125 triệu USD, xây dựng trên diện tích 125 ha tại Khu du lịch biển Nhơn Lý - Cát Tiến (KKT Nhơn Hội), tỉnh Bình Định. Trong khi đó, KKT mở Chu lai (Quảng Nam) cũng vừa tiếp Tập đoàn Sailun Tire (Trung Quốc) đến tìm cơ hội đầu tư Nhà máy Sản xuất lốp ô tô và sản xuất các loại máy móc phục vụ ngành công nghiệp cao su, với vốn đầu tư dự kiến lên đến 200 triệu USD…

Đây có thể xem là tín hiệu khả quan về tình hình thu hút đầu tư vào các KKT khu vực này. Thực tế, hầu hết các KKT tại miền Trung đang trong giai đoạn rà soát, điều chỉnh chiến lược thu hút đầu tư, cũng như định hướng phát triển sao cho phù hợp với điều kiện phát triển của từng địa phương. Trong đó, phần lớn các KKT, KCN đang đi vào giai đoạn hoàn thiện các dự án hạ tầng, nhưng các KKT vẫn tạo nên lực hút khá lớn đối với nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp.

Ông Hồ Sỹ Nguyên, Trưởng Ban Quản lý KKT Chân Mây - Lăng Cô (Thừa Thiên - Huế) cho biết, KKT đang định hướng phát triển theo phê duyệt quy hoạch của Chính phủ. Theo đó, KKT có tổng diện tích trên 27.108 ha, bao gồm 5 khu chức năng chính: khu phi thuế quan, khu đô thị, khu công nghiệp và khu công nghệ cao, khu du lịch và khu cảng. KKT Chân Mây - Lăng Cô sẽ là động lực để Thừa Thiên - Huế phát triển hướng ra biển. Tính chất của KKT Chân Mây - Lăng Cô sẽ là đô thị cảng, trung tâm giao thương quốc tế, trung tâm du lịch nghỉ dưỡng và phát triển các ngành công nghiệp sạch, công nghiệp kỹ thuật cao.

Theo ông Nguyên, đến nay, KKT đã có 33 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký 31.242,9 tỷ đồng (tương đương 1.954,9 triệu USD). Trong đó, có 10 dự án nước ngoài với tổng vốn đăng ký 1.406,8 triệu USD (chiếm 70% vốn FDI đăng ký của toàn tỉnh), 23 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký 8.770,3 tỷ đồng (tương đương 548,1 triệu USD).

Trong khi đó, KKT mở Chu Lai cũng vừa trao giấy chứng nhận đầu tư cho 3 nhà đầu tư vào KCN Bắc Chu Lai, với tổng vốn đầu tư 615 tỷ đồng, gồm Nhà máy sản xuất máy phát điện và máy nông ngư cơ Hữu Toàn (vốn đầu tư 200 tỷ đồng), Nhà máy sản xuất các sản phẩm sau kính (vốn đầu tư 228 tỷ đồng) và Nhà máy sản xuất viên nén tái sinh chất liệu gỗ xuất khẩu (vốn đầu tư 187 tỷ đồng). Đây có thể xem là tín hiệu tích cực đối với KKT mở Chu Lai.

Với 3 giấy chứng nhận đầu tư được trao lần này, từ đầu năm 2010 đến nay, Ban Quản lý KKT mở Chu Lai đã cấp phép cho 8 dự án đầu tư, với tổng vốn 5.202 tỷ đồng (tương đương 274 triệu USD), bằng 140% so với tổng vốn đầu tư được cấp phép cả năm 2009. Đặc biệt, trong 8 dự án này, đến nay, đã có 5 dự án triển khai xây dựng, trong có có Nhà máy chế biến gỗ xuất khẩu Minh Dương Chu Lai cấp phép tháng 1/2010 và chính thức được đưa vào hoạt động từ tháng 6/2010, là một trong những nhà máy có tốc độ triển khai đầu tư nhanh nhất tại KKT mở Chu Lai.

Gần đây nhất, Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải chính thức khởi công xây dựng công trình Cảng Tam Hiệp, Nhà máy xe buýt; khánh thành Nhà máy thép, Nhà máy cơ khí cơ bản và đón nhận quyết định thành lập Trường Cao đẳng nghề Chu Lai - Trường Hải. Trong đó, Cảng và khu hậu cần cảng Tam Hiệp được đánh giá là hạng mục hạ tầng quan trọng đối với KKT mở Chu Lai sau này, được xây dựng trên diện tích 70 ha, với tổng vốn đầu tư 2.556 tỷ đồng, thời gian hoàn thành đưa vào hoạt động 8 tháng kể từ ngày khởi công xây dựng. Khi được đưa vào hoạt động, Cảng Tam Hiệp không những giải quyết được vấn đề vận chuyển hàng hóa của Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải, mà còn trở thành trung tâm vận chuyển hàng hóa, đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư trong KKT mở Chu Lai.

Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng KKT Nhơn Hội (Bình Định) cũng đã thu hút 58 dự án đăng ký đầu tư, với tổng vốn 3,3 tỷ USD; trong đó có 19 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư, với vốn đăng ký 15.700 tỷ đồng (951 triệu USD), có 3 dự án nước ngoài với vốn đăng ký 314 triệu USD. Hiện đã có 5 dự án đi vào hoạt động.

Mới đây, Công ty cổ phần Xây dựng - Thương mại - Dịch vụ Khang Thông (TP.HCM) đã khởi công xây dựng khu phi thuế quan thuộc KKT Nhơn Hội. Với vốn đầu tư đăng ký khoảng 4.010 tỷ đồng, Dự án có tổng diện tích đất 600 ha, sẽ xây dựng 3 khu chính là khu phi thuế quan (490 ha), khu công nghiệp (70 ha), khu cảng nước sâu (40 ha).

So với các KKT trên, KKT Dung Quất (Quảng Ngãi) có nhiều thuận lợi hơn trong việc thu hút đầu tư. Thuận lợi lớn nhất của KKT này chính là tầm ảnh hưởng của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất quá lớn. Chính nhà máy đã tạo nên làn sóng đầu tư các ngành công nghiệp hỗ trợ ngành hoá dầu. Tính tới thời điểm hiện tại, KKT Dung Quất đã có 147 dự án đăng ký đầu tư với tổng vốn khoảng 10 tỷ USD (trong đó có 113 dự án đã cấp phép đầu tư).

(Theo Hoàng Thủy // Báo đầu tư)

 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Phân tích ngành than và điện năm 2010
  • Xuất khẩu Dệt May năm 2010 : Mục tiêu 10,5 tỷ USD
  • Năm 2010, xuất khẩu gỗ đạt 3 tỷ USD?
  • Phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD
  • Bàn về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020
  • "Đường đi" của giá vật liệu xây dựng sẽ ra sao?
  • Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ: Cơ hội đã đến
  • Phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam: Bài học đắt giá
  • Giải pháp hợp lý để phát triển khu kinh tế miền trung
  • Ngành gốm sứ: Công nghiệp phát triển, thủ công lu mờ
  • Còn chỗ cho đầu tư bia, nước giải khát
  • Top 15 hãng tàu container