Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Hưng Yên xây dựng và phát triển các khu công nghiệp

Tỉnh Hưng Yên thuộc trung tâm đồng bằng sông Hồng, trong khu vực kinh tế trọng điểm, giao thông thuận lợi. Những năm qua, tỉnh đã tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh, thu hút  hàng tỷ USD của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tỉnh đang nỗ lực phấn đấu phát triển công nghiệp trên địa bàn, thích ứng và hội nhập kinh tế thế giới.

Những năm qua, ngành công nghiệp của tỉnh phát triển nhanh, hình thành một số nhóm ngành mang tính động lực có kỹ thuật tiên tiến, sản phẩm đa dạng, có thương hiệu và sức cạnh tranh cao trên thị trường. Công nghiệp phát triển đã tác động, làm thay đổi nhanh chóng cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ; tạo nên mức tăng trưởng cao của nền kinh tế. Ðạt được những thành tựu trên là do tỉnh đã khai thác hiệu quả lợi thế về vị trí địa lý, triển khai nhiều chính sách khuyến khích thu hút đầu tư, tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn.

Tổng Giám đốc Công ty TNHH Khu công nghiệp Thăng Long 2 A-ki-tô Si-rai-si, cho biết: Hưng Yên gần cảng biển, sân bay và các đô thị lớn, giao thông thuận lợi, nguồn lao động dồi dào, thủ tục tiếp nhận đầu tư đơn giản. Nhiều doanh nghiệp của nước ngoài có năng lực quản lý tốt, vốn đầu tư lớn, công nghệ tiên tiến, sản phẩm chất lượng cao đã về đầu tư tại đây. Khu công nghiệp Thăng Long 2 đã hoàn thiện cơ sở hạ tầng  giai đoạn một, tiếp nhận 17 dự án của các doanh nghiệp Nhật Bản, có tổng số vốn đầu tư 430 triệu USD, trở thành điểm hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài, với hàng chục dự án đang chuẩn bị thủ tục đầu tư.

Năm năm qua, tỉnh Hưng Yên đã thu hút được 487 dự án đầu tư, trong đó có 143 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 1 tỷ 123 triệu USD và 344 dự án vốn đầu tư trong nước, tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 27 nghìn tỷ đồng. Tính đến ngày 31-12-2010, tổng dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh là 869 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 70 nghìn tỷ đồng; trong đó doanh nghiệp có vốn FDI có 193 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 1,5 tỷ USD. Hiện nay có 570 dự án đi vào hoạt động, tạo việc làm cho gần 100 nghìn lao động; tốc độ tăng trưởng công nghiệp bình quân trong năm năm qua đạt 21%/năm, năm 2010 giá trị sản xuất công nghiệp đạt gần 20 nghìn tỷ đồng; đóng góp tích cực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, tăng nguồn thu cho ngân sách  tỉnh.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư Ðặng Ngọc Quỳnh cho biết: Ðể thu hút đầu tư, thúc đẩy công nghiệp phát triển nhanh, Hưng Yên thực hiện chủ trương 'Quy hoạch khu công nghiệp phải đi trước một bước'; bởi có làm tốt công tác quy hoạch thì mới có nhà đầu tư cơ sở hạ tầng, có mặt bằng, sẵn sàng tiếp nhận dự án, nhất là những dự án lớn, dự án có công nghệ tiên tiến.  Hưng Yên đã quy hoạch được 14 khu công nghiệp, trong đó có sáu khu công nghiệp đã được Chính phủ phê duyệt. Hiện có năm khu đi vào hoạt động; hai khu công nghiệp đã được 'lấp đầy', đó là Khu công nghiệp Phố Nối A và Phố Nối B. Công tác cải cách hành chính được tiến hành nghiêm túc. Sở Kế hoạch và Ðầu tư đã rà soát 201 thủ tục hành chính, kiến nghị đơn giản hóa 162 thủ tục, kiến nghị loại bỏ  bốn thủ tục. Ban Quản lý các khu công nghiệp rà soát 59 thủ tục, kiến nghị sửa đổi, bổ sung, đơn giản hóa 39 thủ tục; kiến nghị bãi bỏ đối với bảy thủ tục..., giúp thời gian làm thủ tục đầu tư  được rút ngắn, tạo cơ hội thuận lợi cho nhà đầu tư triển khai dự án. Nhờ thực hiện đồng bộ các chính sách, môi trường đầu tư được cải thiện, số dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh tăng nhanh, các khu công nghiệp có cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hệ thống đường, điện, nước, nhà máy xử lý chất thải được xây dựng tương đối hoàn thiện tiếp nhận ngày càng nhiều dự án có vốn đầu tư lớn, có công nghệ tiên tiến. Ðiển hình là Dự án Nhà máy sản xuất và lắp ráp thiết bị điện tử của Công ty TNHH Canon Việt Nam (Nhật Bản), có vốn đầu tư đăng ký hơn 128 triệu USD đầu tư vào Khu công nghiệp Phố Nối A; Dự án Nhà máy Hoya Glass Disk Việt Nam 2 của Công ty TNHH Hoya Glass Disk Việt Nam 2 (Nhật Bản) sản xuất, lắp ráp, gia công máy tính, các thiết bị, sản phẩm in-tơ-nét, viễn thông, thông tin, phụ tùng, linh kiện, có vốn đầu tư đăng ký 200 triệu USD, đầu tư vào Khu công nghiệp Thăng Long 2...

Tuy nhiên, trong quá trình tiếp nhận đầu tư ở Hưng Yên vẫn còn một số hạn chế, đang từng bước khắc phục. Ðối với các dự án đầu tư có tiến độ triển khai chậm, kê khai vốn đăng ký cao nhưng không thực hiện dự án đúng với quy mô đăng ký vốn, mục tiêu không đúng quy định tại giấy chứng nhận đầu tư, Sở Kế hoạch và Ðầu tư đã chấn chỉnh, đôn đốc doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ dự án, thực hiện đúng mục tiêu, quy mô đầu tư của dự án; phối hợp với các sở, ngành trong tỉnh rà soát các dự án chậm triển khai, trong trường hợp cần thiết sẽ kiến nghị thanh, kiểm tra để xử lý những vi phạm kịp thời. Thông qua công tác thanh tra, kiểm tra, tỉnh đã quyết định thu hồi giấy phép đầu tư của một số dự án do chủ đầu tư không có năng lực, không tiến hành triển khai dự án theo quy định. Một số dự án công tác giải phóng mặt bằng đang gặp khó khăn, có dự án nhân dân chưa thông, có dự án do mới thay đổi về giá đền bù đất. Ðể giải quyết, tỉnh đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nông dân thực hiện chủ trương dành đất cho công nghiệp, phát triển kinh tế; phối hợp với chủ đầu tư đền bù thỏa đáng, tổ chức đào tạo nghề, tạo việc làm ổn định cho nông dân có đất bị thu hồi; đầu tư lớn cho khu vực nông thôn nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, tạo điều kiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động. Hằng năm, tỉnh đã tổ chức đào tạo cho từ 40 nghìn đến 55 nghìn lao động, giải quyết việc làm cho hơn 20 nghìn lao động, chủ yếu ở khu vực nông thôn.  

Trao đổi với chúng tôi về hướng phát triển những năm tới, đồng chí Nguyễn Văn Cường, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên cho biết: Tỉnh sẽ tập trung  quy hoạch, hoàn thiện kết cấu hạ tầng, phát triển có trọng tâm, trọng điểm, hoàn thành những công trình then chốt theo hướng hiện đại và đồng bộ, nhất là ở các vùng có động lực phát triển. Hoàn thiện mạng lưới giao thông thiết yếu, quốc lộ 38B, quốc lộ 39B và tỉnh lộ 200 theo tiêu chuẩn đường cấp ba đồng bằng. Phối hợp đẩy nhanh tiến độ  xây dựng tuyến đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, đường nối hai tuyến đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và Cầu Giẽ - Ninh Bình đoạn qua Hưng Yên; xây dựng các đường đấu nối với các trục vành đai Hà Nội và đường đối ngoại với các tỉnh lân cận. Quy hoạch, xây dựng cảng sông Hồng, cảng sông Luộc. Ðẩy nhanh xây dựng các khu đô thị, du lịch, dịch vụ tại huyện Văn Giang, huyện Văn Lâm, khu vực Phố Nối. Ðầu tư xây dựng cải tạo nâng cấp hệ thống lưới điện, trạm điện... Tạo bước đột phá về kết cấu hạ tầng, tác động lan tỏa trong nền kinh tế. Ðồng thời tỉnh chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực, đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 55% vào năm 2015. Ðẩy nhanh tiến độ xây dựng khu đại học Phố Hiến, ưu tiên thu hút những trường đại học lớn có uy tín, coi đây là một lợi thế trong thu hút đầu tư, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh và khu vực. Tiếp tục cải cách hành chính, tăng cường xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư. Tập trung phát triển công nghiệp theo hướng ưu tiên những ngành, sản phẩm có lợi thế, có ý nghĩa chiến lược, hiệu quả và bền vững, thân thiện môi trường... Ðặc biệt tỉnh quan tâm đến việc quy hoạch, xây dựng khu nhà ở, khu vui chơi giải trí cho người lao động và tỉnh đã tiếp nhận một số dự án đô thị, trong đó có quy hoạch khu nhà ở cho người lao động có thu nhập thấp như dự án đô thị của Công ty CPÐS Thăng Long, dự án đô thị của Tập đoàn Hòa Phát... Với các chính sách đồng bộ, Hưng Yên mong  tiếp tục nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của Chính phủ, các bộ, ngành để sớm trở thành tỉnh công nghiệp trước năm 2020.

(Nhân Dân)

  • Khu kinh tế Dung Quất: Động lực cho vùng kinh tế trọng điểm miền Trung
  • Toàn quốc có 276 khu công nghiệp và khu kinh tế
  • Thành lập và bổ sung KTT ven biển Thái Bình vào Quy hoạch
  • Thành lập khu kinh tế ven biển Thái Bình
  • Khu kinh tế mở Chu Lai: Những điều bạn chưa biết
  • Điều chỉnh quy hoạch Khu kinh tế Dung Quất đến năm 2025
  • Hoàn thiện thể chế để phát triển bền vững kinh tế
  • Khu kinh tế Nam Phú Yên: Hành lang kinh tế đông - tây mới
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Phân tích ngành than và điện năm 2010
  • Xuất khẩu Dệt May năm 2010 : Mục tiêu 10,5 tỷ USD
  • Năm 2010, xuất khẩu gỗ đạt 3 tỷ USD?
  • Phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD
  • Bàn về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020
  • "Đường đi" của giá vật liệu xây dựng sẽ ra sao?
  • Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ: Cơ hội đã đến
  • Phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam: Bài học đắt giá
  • Giải pháp hợp lý để phát triển khu kinh tế miền trung
  • Ngành gốm sứ: Công nghiệp phát triển, thủ công lu mờ
  • Còn chỗ cho đầu tư bia, nước giải khát
  • Top 15 hãng tàu container