Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Khi khu công nghiệp làm theo phong trào - Bài 1:Biến đất lúa thành đất hoang

Sau thời gian các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) rầm rộ quy hoạch KCN, bây giờ nhiều vùng đất nông nghiệp bỗng biến thành đất hoang, khiến cuộc sống người dân bất ổn, một số nơi gia tăng ô nhiễm.

Đất bỏ hoang 

KCN Khánh An (U Minh) bỏ hoang vì không sử dụng hết diện tích. Ảnh: Tiến Hưng.

Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Sóc Trăng ông Lâm Hùng Kiện cho biết, Sóc Trăng xin được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 6 Khu công nghiệp, hiện mới chỉ Khu công nghiệp An Nghiệp có nhà máy, còn lại đang kêu gọi đầu tư.

KCN An Nghiệp ở TP Sóc Trăng, nơi gọi là thành công, có tổng diện tích cho thuê 178 ha, mở ra trên vùng đất lúa hàng đầu của tỉnh. Từ những cánh đồng lúa xanh rì ngút mắt, ngân sách bỏ ra hơn 70 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng, hiện mới có 17 doanh nghiệp thuê 82,96 ha đất (46% tổng diện tích). Còn gần trăm ha bỏ hoang.

Năm khu công nghiệp khác trong tình trạng hoang vắng. Điển hình là KCN Cái Côn nằm trên địa bàn xã An Lạc Thôn (Kế Sách) với tổng diện tích quy hoạch là 135,2 ha, chưa giải phóng mặt bằng. Từ đây nhìn sang phía sông Hậu, thấy những bãi đất trống mênh mông, cỏ dại mọc um tùm.

Ông Nguyễn Văn Đây, nông dân xã An Lạc Thôn nói: “Đất đai vùng này rất màu mỡ. Tôi có 2 ha ruộng, mỗi năm làm ba vụ thu được 60 tấn lúa, nuôi con cái ăn học khỏe re. Nay bị thu hồi đất để xây dựng KCN, tôi chẳng biết phải bám víu vào đâu, hai vợ chồng vào tuổi già yếu cùng con cái lo lắng vô cùng!”.

Là tỉnh cực Nam tổ quốc, giao thông cách trở, Cà Mau quy hoạch 4 KCN gồm Khánh An (U Minh), Hòa Trung (Cái Nước), Sông Đốc (Trần Văn Thời) và Năm Căn (huyện Năm Căn). Ông Nguyễn Việt Lập, Phó trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Cà Mau cho biết: “Cơ sở hạ tầng KCN chưa thu hút doanh nghiệp”.

KCN Khánh An có diện tích quy hoạch giai đoạn 1 là 360 ha, dự kiến mở rộng giai đoạn 2 lên 750 ha, nằm trong tổng thể Cụm công trình Khí- Điện- Đạm Cà Mau. Năm 2007, Tổng Cty CP hạ tầng Sài Gòn- Cà Mau cam kết đầu tư một nghìn tỷ đồng để xây dựng kết cấu hạ tầng, mời gọi đầu tư nhưng đến nay chưa thấy hình dáng KCN. Một số nhà đầu tư đến tìm hiểu thuê đất triển khai các dự án đều ngao ngán ra đi, không hẹn ngày trở lại.

Ông Trần Phú Hữu, nông dân xã Khánh An, kể: “Hơn trăm hộ dân xóm Cựa Gà, xã Khánh An, bao năm rồi sống không điện, không đường, không trường học vì quy hoạch KCN Khánh An. Toàn bộ đất 2 vụ lúa không còn cấy được lúa vì mùa mưa nước ngập tới nền nhà, mùa khô không có nước ngọt. Chúng tôi đi không được mà ở cũng không xong, quy hoạch thì không biết treo đến bao giờ?”.

KCN Sông Đốc (Trần Văn Thời) 250 ha nhưng mới giải phóng mặt bằng chừng 12 ha. KCN Năm Căn trước dành cho Tập đoàn Vinashin làm chủ đầu tư với diện tích 512 ha, vốn cam kết ban đầu gần một nghìn tỷ đồng nay chuyển thành Khu kinh tế Năm Căn để trở lại nuôi tôm nhưng đang chờ người đến nuôi.

Cuộc sống bất ổn

Ông Quách Văn Hợp, Chủ tịch UBND xã Khánh An (U Minh, Cà Mau), cho biết: “Vị trí những hộ dân xóm Cựa Gà dự kiến xây dựng KCN Khánh An nhưng ngân sách chưa có tiền bồi thường cho dân và cũng chưa giải quyết dứt điểm nên người dân phải chờ đợi”.

Người dân xóm Cựa Gà, xã Khánh An (U Minh, Cà Mau) nhiều năm sống tạm bợ vì dự kiến mở rộng KCN Khánh An. Ảnh: Tiến Hưng
Người dân xóm Cựa Gà, xã Khánh An (U Minh, Cà Mau) nhiều năm sống tạm bợ vì dự kiến mở rộng KCN Khánh An. Ảnh: Tiến Hưng.

Ông Lê Hồng Phúc và những hộ dân ở cạnh Khu công nghiệp Khí- Điện- Đạm Cà Mau chìa ra xấp giấy tờ thông báo của chính quyền lẫn đơn thưa kiện của dân, yêu cầu không làm được KCN thì xóa quy hoạch treo để đầu tư cơ sở hạ tầng sản xuất, dân sinh nhưng chưa cơ quan nào trả lời.

Quy hoạch KCN rồi để đó vì không có tiền bồi thường giải tỏa là thực trạng chung ở ĐBSCL gây hậu quả nhãn tiền là cuộc sống người dân bất ổn. KCN Thạnh Lộc tại ấp Hòa Lộc, xã Thạnh Lộc (Châu Thành, Kiên Giang) quy hoạch 250 ha bị treo đã 5 năm. Tấm bảng quy hoạch dựng gần trụ sở ấp đã gỉ sét, đọc không ra chữ nữa. Người dân sống trong vùng quy hoạch chủ yếu sống bằng nghề làm lúa, rất hoang mang.

Ông Nguyễn Phước An nói: “Kể từ khi công bố qui hoạch có không biết bao nhiêu cuộc họp về giải tỏa, bồi thường cho dân, lúc thì giá này lúc giá kia; lúc thì nói vô tái định cư, lúc vô khu chung cư vượt lũ… chẳng biết ra làm sao. Nhà cửa, ruộng vườn, cây cối đều kê khai, đo đạc hết rồi. Dân không được xây nhà, không được đào ao nuôi cá, đường sá trong ấp xuống cấp cũng không cho làm, học trò đi học mà như đi lội ruộng”.

(Theo Tienphong Online)

  • KCN Hà Nội đạt doanh thu 1,9 tỷ USD từ đầu năm
  • Lập khu công nghiệp dành cho doanh nghiệp Nhật Bản
  • KCN tại Lâm Đồng chưa có xử lý nước thải tập trung
  • Các KCX-KCN TPHCM: đặt mục tiêu thu hút 4 tỉ đô la Mỹ trong 5 năm
  • Long An có thêm 7 khu công nghiệp
  • Thiếu “bài” cho muối
  • Nông nghiệp hóa các khu công nghiệp
  • Xây nhà máy sản xuất tấm thu năng lượng mặt trời
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Phân tích ngành than và điện năm 2010
  • Xuất khẩu Dệt May năm 2010 : Mục tiêu 10,5 tỷ USD
  • Năm 2010, xuất khẩu gỗ đạt 3 tỷ USD?
  • Phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD
  • Bàn về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020
  • "Đường đi" của giá vật liệu xây dựng sẽ ra sao?
  • Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ: Cơ hội đã đến
  • Phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam: Bài học đắt giá
  • Giải pháp hợp lý để phát triển khu kinh tế miền trung
  • Ngành gốm sứ: Công nghiệp phát triển, thủ công lu mờ
  • Còn chỗ cho đầu tư bia, nước giải khát
  • Top 15 hãng tàu container