Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Khu công nghiệp “đói” nhiên liệu

Ở huyện ven biển Tiền Hải (Thái Bình) thuộc đồng bằng Bắc bộ, hiện đang có hàng trăm nhà máy lâm vào tình cảnh “tiến thoái lưỡng nan”, bởi đã trót đầu tư xây dựng trên khu vực mỏ khí đốt thiên nhiên được quy hoạch, nhưng do khâu khảo sát không chặt chẽ, việc cấp phép ồ ạt nên chỉ sau có vài năm, nguồn khí đốt đã nhanh chóng bị cạn kiệt. Các doanh nghiệp đang phải tranh giành nhau từng mét khối khí đốt, tâm trạng lúc nào cũng như ngồi trên lửa.

Công ty TNHH sứ Minh Thịnh phải mua bình ga hóa lỏng bán lẻ trộn lẫn khí thiên nhiên, duy trì sản xuất.

Túi khí “móp” dần

Theo thống kê, hiện ở Tiền Hải đang có khoảng 200 doanh nghiệp hoạt động, chủ yếu là sản xuất các sản phẩm đặc thù có liên quan tới khí đốt như sứ vệ sinh, gạch men, gạch ốp lát, thủy tinh…  Tiền Hải cũng là KCN lớn nhất ở Thái Bình với 250ha, đã đi vào hoạt động từ 9-10 năm nay.

Ban đầu, các chuyên gia đều nhận định, Tiền Hải cũng như Thái Bình được thiên nhiên ban tặng cho mỏ khí đốt, trữ lượng dồi dào. Bởi vậy, một KCN đã được mở ra và ngay lập tức các doanh nghiệp cũng nhảy vào đầu tư làm ăn.

Thế nhưng, thực tế là trữ lượng khí không có nhiều như “tưởng tượng”, trong khi số doanh nghiệp lại tăng lên nhanh chóng, Khí được khai thác ồ ạt. Do nhu cầu về khí đốt quá lớn nên túi khí cứ “móp” dần. Sở KH-CN tỉnh Thái Bình khẳng định, khi lập dự án KCN, trữ lượng khí được đánh giá là 20 triệu m³/năm nhưng năm sau trữ lượng đã tụt nhanh xuống chỉ còn 16 triệu, rồi 12 triệu và hiện tại chỉ còn khoảng 7 triệu m³/năm.

Trong khi theo ông Nguyễn Tuấn, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Thái Bình, hiện nhu cầu khí đốt của các doanh nghiệp ở riêng Tiền Hải đã lên tới 80-100 triệu m³. “Sang năm và vài năm nữa, trữ lượng khí sẽ tiếp tục giảm xuống chỉ còn 5 triệu, rồi 3 triệu m³/năm và cạn kiệt”- ông Tuấn nói.

Từ đầu năm 2009 đến nay, câu chuyện khí đốt đang trở nên rất nóng bỏng. Khi nguồn khí đốt cạn kiệt, khổ nhất vẫn là chính các doanh nghiệp.

Ông Bùi Văn Nghi, Giám đốc Công ty TNHH sứ Minh Thịnh, giãi bày: “Do sắp cạn kiệt nên việc khai thác khí gần như là vét từng mét khối một. Doanh nghiệp nào cũng phải cố đầu tư những cỗ máy bơm thật lớn để hút khí lên. Bên này hút mạnh thì bên kia lại tụt áp, tiền điện hút khí tốn kém không biết bao nhiêu mà kể”.

Do không đủ khí, nhiều nhà máy đang phải hoạt động cầm chừng, sản phẩm cũng không có đủ, chất lượng bị ảnh hưởng nhiều. Còn đại diện Công ty Thủy tinh Tràng Tiền thì than thở rằng, hiện ở Tiền Hải đang có khoảng 3 vạn công nhân. Nếu không có mỏ khí khác thay thế, các nhà máy sẽ phải đóng cửa, hàng vạn công nhân sẽ không có việc.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp, UBND tỉnh Thái Bình đang cùng Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tổ chức thăm dò thêm các mỏ khí khác ở huyện Thái Thụy, Tiền Hải và thềm lục địa. Mới đây, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã tổ chức khoan 8 giếng tại 4 huyện thuộc Thái Bình nhưng không phát hiện có nhiều khí nữa, chỉ phát hiện có than nâu.

Cấp bù khí ga hóa lỏng - khả thi?

Trước tình hình trên, vừa mới đây, Công ty Dầu khí Sông Hồng thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã đưa ra dự án đầu tư hệ thống đường ống dẫn khí ga hóa lỏng về KCN Tiền Hải để cấp bù cho các nhà máy.

Theo đó, khí ga hóa lỏng sẽ được dẫn theo đường ống từ hệ thống của tập đoàn về trộn lẫn với khí thiên nhiên được khai thác “vét” ở KCN, nhằm đảm bảo cho các doanh nghiệp có đủ nhiên liệu. Tuy nhiên, giữa dầu khí và các doanh nghiệp đã từng diễn ra nhiều cuộc thương thảo, song cho đến nay, do giá bán khí ga hóa lỏng mà phía dầu khí đưa ra vẫn còn khá cao, nên các doanh nghiệp chưa chấp nhận.

Theo ông Bùi Chí Nghĩa, Trưởng phòng kỹ thuật thuộc Sở Công thương tỉnh Thái Bình, do đặc thù của sản xuất sứ vệ sinh, gạch men, gạch ốp lát, thủy tinh… là phải sử dụng khí sạch để “thổi” nên trước mắt để tự cứu mình, các doanh nghiệp ở KCN Tiền Hải đang phải áp dụng công nghệ khí hóa than. Theo đó, than được mua từ nơi khác về để đốt, tạo khí để phục vụ quá trình nung vật liệu xây dựng.

Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng đủ sức đầu tư cả dây chuyền công nghệ khí hóa than (mỗi dây chuyền có giá tới 12-14 tỷ đồng) nên nhiều nhà máy phải mua ga hóa lỏng chở theo bình lẻ về sử dụng, chi phí tăng cao, hoạt động gặp nhiều khó khăn.

Một số doanh nghiệp cũng đã đầu tư công nghệ khí ga hóa lỏng, tuy nhiên, theo đại diện Công ty sứ Hảo Cảnh thì khi sử dụng 100% khí ga hóa lỏng, giá bán các loại sản phẩm tăng trung bình 5%.

Câu chuyện ở huyện Tiền Hải (Thái Bình) lại cho chúng ta thêm một bài học nữa về quy hoạch mở KCN, quá trình khảo sát, đánh giá trữ lượng nguyên nhiên liệu không sát thực đã làm thiệt hại nhiều tiền của cho doanh nghiệp.

(Theo Phúc Hậu // SGGP online)

  • Toàn tỉnh Bình Dương có 10 KCN lấp kín trên 90% diện tích
  • Đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp: Khó thực hiện được mục tiêu vào năm 2010
  • Ưu tiên ngân sách trung ương cho khu kinh tế ven biển
  • Khu công nghiệp - Đô thị Châu Đức : Mô hình mới nhiều tiện ích
  • Thêm 7 dự án vào Khu kinh tế Dung Quất
  • Đất ở khu, cụm công nghiệp phải được lấp đầy
  • Mới có 3 cụm công nghiệp hoàn chỉnh hạ tầng cơ sở
  • Ký thỏa thuận thuê lại đất trong Khu Công nghiệp Dầu khí Long Sơn, TP. Vũng Tàu
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Phân tích ngành than và điện năm 2010
  • Xuất khẩu Dệt May năm 2010 : Mục tiêu 10,5 tỷ USD
  • Năm 2010, xuất khẩu gỗ đạt 3 tỷ USD?
  • Phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD
  • Bàn về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020
  • "Đường đi" của giá vật liệu xây dựng sẽ ra sao?
  • Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ: Cơ hội đã đến
  • Phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam: Bài học đắt giá
  • Giải pháp hợp lý để phát triển khu kinh tế miền trung
  • Ngành gốm sứ: Công nghiệp phát triển, thủ công lu mờ
  • Còn chỗ cho đầu tư bia, nước giải khát
  • Top 15 hãng tàu container