Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp: Khó thực hiện được mục tiêu vào năm 2010

Ông Trần Minh Sanh, Chủ tịch UBND tỉnh (đứng thứ 4 từ trái qua) ) đến thăm các nhà máy sản xuất tại cụm công nghiệp Hắc Dịch 1.

 Tính đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh mới có 3 cụm công nghiệp cơ bản hoàn chỉnh hạ tầng và thu hút được 5 nhà đầu tư. Việc xây dựng các cụm công nghiệp bị chậm trễ là do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, nên hiệu quả không như kỳ vọng.

GIẢI PHÓNG MẶT BẰNG VẪN LÀ BÀI TOÁN KHÓ

Theo báo cáo của Sở Công thương, tính đến tháng 10-2009 đã có 44/45 cụm công nghiệp với quy mô khoảng 2.812ha được UBND tỉnh giao cho các doanh nghiệp và địa phương làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở. Tuy nhiên, hiện nay mới chỉ có 3 cụm đã cơ bản hoàn thành hạ tầng và thu hút được 5 nhà đầu tư thứ cấp, đó là: Cụm Hắc Dịch 1 (huyện Tân Thành), Ngãi Giao (huyện Châu Đức), Hồng Lam (thị xã Bà Rịa). Có 9 cụm đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, 2 cụm đang chuẩn bị thủ tục xin cấp giấy chứng nhận đầu tư, 7 cụm đang trong quá trình giải phóng mặt bằng, số còn lại mới nằm trong giai đoạn chuẩn bị giải phóng mặt bằng. Tình hình thực hiện vốn đầu tư của các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đến nay đạt 215,8 tỷ đồng. Riêng 10 tháng đầu năm 2009, vốn đầu tư thực hiện 30 tỷ đồng, quá thấp so với kế hoạch đề ra. Trong số các cụm chậm tiến độ, có những cụm đã có chủ trương đầu tư cách đây 5-6 năm. Do đó, đến năm 2010 phải triển khai được 30 cụm công nghiệp chắc chắn sẽ không thể thực hiện được, vì chỉ còn hơn 1 năm nữa, nhưng số lượng các cụm chưa hoàn thành hạ tầng còn tới 27 cụm.

Nguyên nhân làm ảnh hưởng tiến độ triển khai các cụm công nghiệp là do khó giải phóng mặt bằng, tình hình suy thoái kinh tế, việc chuyển đổi vị trí của một số cụm nằm gần các hồ cung cấp nước sinh hoạt… Trong những nguyên nhân này, khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng gây trở ngại lớn nhất.

Cả 7 cụm đang trong quá trình giải phóng mặt bằng đều gặp khó khăn và chưa thể hứa hẹn ngày hoàn thành. Trong số này, có những dự án đã tiến hành giải phóng mặt bằng từ 2 năm nay vẫn chưa xong.

Nguyên nhân là người dân vẫn không thống nhất giá đền bù do nhà đầu tư tính toán. Chẳng hạn, cụm An Ngãi (huyện Long Điền) do Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Tân Phước Thịnh làm chủ đầu tư, đến khi chi trả tiền đền bù được 6ha trong tổng số 43,36ha thì… “tắc” vì dân không chấp nhận giá đền bù mà nhà đầu tư đưa ra. Thậm chí, có trường hợp đơn vị tư vấn trung gian đã được thuê kiểm định đưa ra mức giá hợp lý sát với giá thị trường nhưng người dân vẫn không đồng ý. Trong một cuộc họp gần đây, lãnh đạo UBND huyện Long Điền cho biết, chỉ còn có phương án cuối cùng là cưỡng chế. Tình huống tương tự cũng xảy ra tại những cụm công nghiệp khác. Như cụm Boomin Vina (huyện Tân Thành) còn 23 hộ trong tổng số 143 hộ không chịu nhận tiền đền bù.

Chờ thực hiện theo Nghị định 69/2009/NĐ-CP cũng khiến một số dự án chậm tiến độ. Chẳng hạn như cụm công nghiệp Đồng Thẩy (huyện Đất Đỏ) đã được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư và UBND huyện Đất Đỏ phê duyệt phương án bồi thường tổng thể. Nhà đầu tư dự án này cũng đã chuẩn bị đầy đủ tiền để bồi thường hỗ trợ cho dân, nhưng phải chờ các văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định 69. Hiện tại, các chủ đầu tư lo số tiền bồi thường sẽ đội lên quá cao.

KHÔNG PHẢI TẤT CẢ ĐỀU DO SUY THOÁI KINH TẾ

Quy hoạch về lao động nông thôn cũng bị ảnh hưởng bởi tiến độ triển khai chậm của các cụm công nghiệp. Trong ảnh: Chế biến hạt điều tại một cơ sở sản xuất ở TX. Bà Rịa.

Cuộc suy thoái kinh tế vừa qua đã khiến cho nhiều dự án chậm tiến độ vì khó khăn tài chính. Chẳng hạn, cụm công nghiệp Long Mỹ (huyện Đất Đỏ) đã được UBND tỉnh ra quyết định thu hồi đất và ngày 4-6-2009, cụm này đã được UBND huyện Đất Đỏ phê duyệt kinh phí bồi thường hỗ trợ tái định cư cho 59 hộ với số tiền khoảng 34,8 tỷ đồng. Thế nhưng, kể từ đó cho đến nay, chủ đầu tư vẫn chưa chuyển tiền để bồi thương cho dân, với lý do là tài chính khó khăn. Việc chậm chi trả tiền đền bù tại dự án cụm công nghiệp Long Mỹ đã ảnh hưởng lớn đến đời sống của 59 hộ dân thuộc diện di dời.

Với những dự án bị ảnh hưởng mạnh bởi cuộc suy thoái kinh tế, UBND tỉnh đã có những chính sách hỗ trợ đặc biệt, có thể cho phép nhà đầu tư kéo dài thời hạn tiến hành dự án. Tuy nhiên, hiện nay có khá nhiều nhà đầu tư cố tình trì hoãn tiến độ đầu tư với nhiều cách thức khác nhau. Cả 6 dự án cụm công nghiệp được cấp giấy chứng nhận đầu tư trong năm 2009 đến nay chưa có dự án nào khởi công. Đơn cử như trường hợp cụm công nghiệp Tân Hòa (huyện Tân Thành), chủ đầu tư đã nhiều lần hứa hẹn ngày khởi công nhưng vẫn chưa thực hiện.

Bên cạnh đó, nhiều cụm công nghiệp nhận chủ trương đầu tư rồi để đó. Trường hợp cụm công nghiệp Bình Châu (huyện Xuyên Mộc) là ví dụ cụ thể. Mới đây, Sở Công thương và UBND huyện Xuyên Mộc đã đồng gửi văn bản đề nghị UBND tỉnh hủy bỏ chủ trương cho phép nhà đầu tư này tiếp tục đầu tư. Trường hợp khác lại triển khai theo kiểu cầm chừng. Như 2 cụm Bình Trung và Bình Giã (Châu Đức), hiện đang lập quy hoạch chi tiết 1/2000. Hay như cụm công nghiệp Tân Hưng đã hoàn thành nhiệm vụ quy hoạch chi tiết 1/2000 và trình Sở Tài chính phương án đền bù tổng thể. Những cụm này được Sở Công thương đánh giá là triển khai rất chậm.

Việc chậm triển khai các cụm công nghiệp dẫu do nguyên nhân khách quan hay chủ quan đều làm ảnh hưởng đến đời sống của những người dân thuộc đối tượng phải di dời, hơn nữa đã làm ảnh hưởng tới quy hoạch phát triển công nghiệp của tỉnh. Phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố, các ngành chức năng khác để giải quyết từng trường hợp cụ thể là phương cách mà Sở Công thương đang triển khai hiện nay.

Ông Trần Minh Sanh, Chủ tịch UBND tỉnh:

Phối hợp chặt chẽ để giải quyết những khó khăn vướng mắc

Các sở, ngành, địa phương phải phối hợp chặt chẽ và giải quyết những khó khăn cho từng dự án cụm công nghiệp, sao cho 30 cụm nằm trong giai đoạn đầu tư phát triển đến năm 2010 phải hoàn tất các thủ tục để chậm nhất trong năm 2010 được cấp giấy chứng nhận đầu tư, đưa vào kế hoạch các công trình chào mừng 20 năm thành lập tỉnh. Mỗi huyện phải có một phòng chức năng làm đầu mối để xử lý tập trung những vướng mắc cho nhà đầu tư. Mỗi quý, Chủ tịch UBND tỉnh sẽ trực tiếp tham gia giao ban các cụm công nghiệp để lắng nghe và đôn đốc, chỉ đạo xử lý dứt điểm những khó khăn vướng mắc.

Bà Trần Thị Hường, Giám đốc Sở Công thương:

Sẽ kiên quyết thu hồi các dự án chậm triển khai

Mặc dù bị ảnh hưởng suy thoái kinh tế nhưng có khá nhiều nhà đầu tư năng lực mạnh tha thiết với chủ trương đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp. Tuy nhiên, nhiều dự án trong số này lại bị vướng mắc khách quan về giải phóng mặt bằng như cụm Đồng Thẩy, An Ngãi…Sở Công thương sẽ phối hợp với các địa phương để xúc tiến giải quyết vướng mắc cho các dự án này. Ngược lại, có những dự án tiến trình đầu tư quá chậm do chủ đầu tư không đủ năng lực. Sở Công thương sẽ kiên quyết đề nghị UBND tỉnh hủy chủ trương đầu tư hoặc rút giấy chứng nhận đầu tư. Đối với các dự án đã được giao chủ trương trên 12 tháng, đề nghị chủ đầu tư phải hoàn thành phê duyệt quy hoạch chi tiết và làm thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư trong năm 2009. Vừa qua, Sở Công thương đã có văn bản chính thức đề nghị UBND tỉnh thu hồi chủ trương đầu tư của 3 cụm công nghiệp: Mỹ Phú – Korea, Long Hương 1 và Bình Châu do chậm tiến độ đầu tư.

(Theo Yến Phương // Báo Bà Rịa – Vũng Tàu)

  • Ưu tiên ngân sách trung ương cho khu kinh tế ven biển
  • Khu công nghiệp - Đô thị Châu Đức : Mô hình mới nhiều tiện ích
  • Thêm 7 dự án vào Khu kinh tế Dung Quất
  • Đất ở khu, cụm công nghiệp phải được lấp đầy
  • Mới có 3 cụm công nghiệp hoàn chỉnh hạ tầng cơ sở
  • Ký thỏa thuận thuê lại đất trong Khu Công nghiệp Dầu khí Long Sơn, TP. Vũng Tàu
  • Khu công nghiệp gặp khó
  • 3.000 tỷ đồng xây KCN sinh thái Bourbon An Hòa
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Phân tích ngành than và điện năm 2010
  • Xuất khẩu Dệt May năm 2010 : Mục tiêu 10,5 tỷ USD
  • Năm 2010, xuất khẩu gỗ đạt 3 tỷ USD?
  • Phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD
  • Bàn về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020
  • "Đường đi" của giá vật liệu xây dựng sẽ ra sao?
  • Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ: Cơ hội đã đến
  • Phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam: Bài học đắt giá
  • Giải pháp hợp lý để phát triển khu kinh tế miền trung
  • Ngành gốm sứ: Công nghiệp phát triển, thủ công lu mờ
  • Còn chỗ cho đầu tư bia, nước giải khát
  • Top 15 hãng tàu container