Khu Công nghiệp (KCN) đóng một vai trò chủ yếu trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và tích cực đóng góp vào việc phát triển của nền kinh tế nước nhà. Trước những khó khăn trong các vấn đề kinh tế - xã hội hiện nay, việc lựa chọn các nguồn lực để xây dựng, phát triển các khu công nghiệp (KCN) ở nước ta nói chung và Thái Bình nói riêng đòi hỏi phải có chiến lược lâu dài với những bước đi cụ thể. Qua 7 năm xây dựng phát triển các KCN tại tỉnh Thái Bình (2002 - 2008), bên cạnh những thành tựu đang đặt ra nhiều thách thức. Hướng đi nào để KCN Thái Bình thích ứng với yêu cầu của thời hội nhập là một câu hỏi lớn, bài viết sẽ đề xuất một số giải pháp để phát triển các KCN ở tỉnh Thái Bình trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế.
Những kết quả đạt được trong phát triển các KCN tỉnh Thái Bình
Năm 2000, trong Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Bình lần thứ XVI và các Nghị quyết của Tỉnh uỷ về phát triển kinh tế, đã xác định: “Tập trung xây dựng các KCN, cụm công nghiệp và làng nghề để tạo bước đột phá tăng trưởng kinh tế” và xác định đây là 1 trong 5 chương trình trọng tâm của suốt giai đoạn 2001 - 2010. Tỉnh đã lựa chọn hướng tập trung vào phát triển công nghiệp để đi lên, trong đó phát triển các KCN là khâu đột phá.
UBND tỉnh Thái Bình đã cho lập quy hoạch phát triển 11 KCN trên địa bàn Tỉnh với tổng diện tích 1.500 ha từ năm 2000 đến nay, trong đó lập quy hoạch chi tiết 5 KCN với diện tích 659,47 ha, đó là KCN Nguyễn Đức Cảnh 108 ha, KCN Phúc Khánh 120 ha, KCN Tiền Hải 250 ha, KCN Cầu Nghìn 97,0 ha và KCN Gia Lễ 84,47 ha. Các chính sách khuyến khích đầu tư của Tỉnh được ban hành đã hấp dẫn hơn các tỉnh trong khu vực và nhằm vào 3 đối tượng: nhà đầu tư, người lao động có tay nghề kỹ thuật, người dân và địa phương nơi nhường đất để làm KCN và có các ưu đãi trên các lĩnh vực như thuế các loại, tiền thuê đất, hỗ trợ chuyển đổi nghề cho người dân mất đất, hỗ trợ đào tạo lao động kỹ thuật, xây dựng nhà ở cho công nhân và các công trình phúc lợi cho địa phương nơi có KCN...
Bộ máy tổ chức của Tỉnh tiếp tục được cải cách, trong đó tập trung vào giải quyết thủ tục đầu tư nhanh. Theo đó, Ban Quản lý các KCN được thành lập và hoạt động, giải quyết các thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa” ngay từ đầu năm 2004. Công tác xúc tiến đầu tư của Tỉnh được đẩy mạnh. Tỉnh đã thành lập nhiều đoàn đi tổ chức hội nghị quảng bá, kêu gọi đầu tư (trong nước và nước ngoài); xây dựng các website, giới thiệu tiềm năng cơ hội đầu tư vào Tỉnh. Qua các hội nghị, hội thảo các nhà lãnh đạo của Tỉnh đã thường xuyên trao đổi, lắng nghe các nhà đầu tư tại Tỉnh để từ đó điều chỉnh phương pháp chỉ đạo và yêu cầu các cấp, các ngành nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý, hỗ trợ các doanh nghiệp nhằm nâng cao niềm tin của các doanh nghiệp và cải thiện môi trường đầu tư.
Trong 7 năm (2002-2008), các KCN ở Thái Bình đã thu hút được 126 dự án đầu tư, chiếm 30% số dự án đầu tư vào Thái Bình. Mặc dù mới có trên 80% dự án được xây dựng và đưa vào sản xuất nhưng đã tạo ra giá trị sản xuất 3152,6 tỉ đồng, chiếm hơn 20% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp và tạo ra hơn 50.000 việc làm cho người lao động, góp phần không nhỏ vào ổn định tình hình chính trị, xã hội của Tỉnh. Tỉnh cũng đã mạnh dạn tổ chức các doanh nghiệp tập trung vào một KCN, xây dựng một nhà máy xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn thân thiện với môi trường. KCN hoạt động đã tạo ra một lối tư duy mới trong quản lý sản xuất kinh doanh khi nhà đầu tư nước ngoài mang kinh nghiệm quản lý, các tiêu chuẩn về vệ sinh môi trường, sử dụng lao động... phù hợp với thông lệ quốc tế mà chính quyền địa phương phải thực hiện. KCN cũng góp phần nâng cao trình độ khoa học công nghệ sản xuất và tăng cường hàng hoá xuất khẩu, và tạo nên phương pháp làm mới là quy hoạch sản xuất công nghiệp tập trung phải gắn với quy hoạch phát triển hạ tầng kỹ thuật hỗ trợ ngoài hàng rào KCN và đặc biệt phải quy hoạch khu đô thị, khu nhà ở cho công nhân KCN để đảm bảo không những phát triển bền vững cho KCN mà còn góp phần đô thị hoá, hiện đại hoá nông thôn.
Bên cạnh những kết quả đạt được, quy hoạch một số KCN của Tỉnh còn bộc lộ một số hạn chế như: Công tác quy hoạch các KCN tuy đã gắn với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh và quy hoạch phát triển không gian đô thị cho giai đoạn 5-10 năm, song do các quy hoạch chưa dự báo hết tốc độ phát triển kinh tế - xã hội và tốc độ đô thị hoá nên không đảm bảo được mục tiêu di dời sản xuất KCN tập trung ra xa khu dân cư và nội thị. Công tác đền bù giải phóng mặt bằng gặp rất nhiều khó khăn, tiến độ chậm, ảnh hưởng tới tiến độ thu hút đầu tư. Công tác tổ chức, bộ máy quản lý Nhà nước đối với các KCN còn chồng chéo, quy chế phối hợp quản lý Nhà nước tại KCN theo cơ chế một cửa chưa tốt nên nhiều nhiệm vụ quản lý chưa đạt hiệu quả. Một số thể chế quản lý KCN của Tỉnh đã ban hành nhưng do thiếu hướng dẫn kịp thời nên chưa đáp ứng được mong muốn của các nhà đầu tư. Là một trong những Tỉnh nghèo và tăng trưởng kinh tế thấp nhất so với các tỉnh ĐBSH, lại không có nhiều lợi thế so sánh, muốn cạnh tranh thu hút đầu tư để tăng trưởng kinh tế bắt buộc Tỉnh phải có chính sách ưu đãi đặc thù và hỗ trợ Ngân sách của Trung ương làm KCN. Tuy nhiên, theo Quyết định 183/2004/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ cho các tỉnh nghèo như Thái Bình làm KCN không quá 60 tỉ, song việc cấp ngân sách rất nhỏ giọt (2 - 6 tỉ/năm) rất khó để xây dựng KCN trong 2 - 3 năm với số vốn đầu tư ít nhất là 200 tỉ/100 ha KCN.
Các giải pháp phát triển
Để đạt được mục tiêu tăng giá trị sản xuất tại các KCN từ hơn 20% hiện nay lên 60% tổng số giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp vào năm 2020, trong điều kiện hội nhập ngày càng sâu hơn vào nền kinh tế thế giới, mặt khác lại bị cạnh tranh gay gắt trong bối cảnh nền kinh tế đang bị suy thoái, Thái Bình cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:
Thứ nhất, Khi lập quy hoạch các KCN cần chọn những vị trí thuận lợi về hệ thống giao thông thuỷ bộ, cảng biển, cảng sông. Các KCN không quá xa các trung tâm đô thị, khai thác sử dụng được các dịch vụ hạ tầng kỹ thuật, xã hội của các đô thị. Gần nguồn cung cấp nguyên liệu, nhiên liệu và nguồn cung cấp nhân lực, đào tạo nhân lực. Phải có quỹ đất mở rộng cho phát triển KCN sau này, ít phải di chuyển dân. Các KCN sử dụng nhiều lao động nên quy hoạch ở nông thôn, các ngành công nghiệp có tiềm ẩn gây ô nhiễm như luyện kim, vật liệu xây dựng, hoá chất cần bố trí xa khu dân cư, phải quy hoạch những khu xử lý chất thải.
Thứ hai, Tỉnh cần xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư đặc thù riêng áp dụng cho các KCN vì đây là kênh thu hút vốn đầu tư nhanh nhất, hiệu quả nhất và chủ yếu nhất của Tỉnh. Cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư này tập trung vào cơ chế thu hồi đất, chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân mất đất, doanh nghiệp được giao đất, thuê đất, chuyển nhượng, di chuyển cơ sở sản xuất vào KCN. Cơ chế ưu đãi quyền lợi vật chất cho nhà đầu tư vào KCN; khuyến khích cho dự án công nghệ cao, dự án thay thế hàng nhập khẩu, nội địa hoá phụ tùng chi tiết các sản phẩm... Hỗ trợ đào tạo tuyển dụng áp dụng cho người lao động tại địa phương. Xây dựng các quỹ khuyến công, hỗ trợ nhập công nghệ mới, tìm kiếm thị trường, xúc tiến đầu tư, ưu đãi lãi suất thấp cho các doanh nghiệp đầu tư vào KCN. Phối hợp giữa Trung ương và Tỉnh trong việc hỗ trợ cho các tỉnh nghèo như Thái Bình xây dựng hạ tầng KCN để tạo sức hút đầu tư;...
Thứ ba, đào tạo nguồn nhân lực cho các KCN. UBND Tỉnh cần ban hành chính sách “ươm giống” nhân tài, những năm qua chính sách này chưa được hấp dẫn, phải rà soát lại và có hướng dẫn thực hiện cụ thể. Củng cố lại hệ thống đào tạo lao động trên địa bàn, hiện Tỉnh có 2 trường đại học, 4 trường cao đẳng dạy nghề và gần 10 trung tâm đào tạo nghề, tất cả các cơ sở này phải rà soát lại chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy và cùng xây dựng kế hoạch đào tạo với các KCN, các cơ sở sản xuất trong và ngoài Tỉnh; đưa chương trình đào tạo sát thực tiễn và gắn với nhu cầu sử dụng. Mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế trong đào tạo và đào tạo lại cán bộ, công nhân kỹ thuật dưới nhiều hình thức; kết hợp nhập thiết bị, công nghệ với việc đưa công nhân đi học tại nước ngoài.
Thứ tư, huy động vốn đầu tư. Để tạo điểm nhấn thu hút đầu tư vào KCN, ngoài vốn ngân sách của Tỉnh, của Trung ương hỗ trợ cần phải có cơ chế khuyến khích, tạo mọi điều kiện thuận lợi kêu gọi các tổng công ty, các tập đoàn kinh tế lớn của Nhà nước (Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Vinashin...) đầu tư vào Thái Bình. Huy động vốn của các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế như: Khuyến khích, tư vấn cho các doanh nghiệp liên doanh, liên kết với nhau; liên doanh, liên kết với các đơn vị kinh tế ở tỉnh ngoài, thậm chí liên doanh liên kết với các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân nước ngoài để tích tụ, tập trung vốn. Quan tâm và thường xuyên giải quyết khó khăn của các doanh nghiệp ngoài quốc doanh như: vay vốn phát triển sản xuất từ các ngân hàng, cho thuê mặt bằng, nhà xưởng, cung cấp điện nước...
Thứ năm, Tỉnh cần kịp thời sửa đổi, bổ sung, ban hành mới cơ chế chính sách khuyến khích phát triển sản xuất công nghiệp nói chung và có chính sách riêng cho việc đầu tư vào KCN: xây dựng quỹ khuyến công ưu đãi cho các huyện có giao thông trở ngại; bù phí vận chuyển cho các doanh nghiệp khi đầu tư vào các KCN ở những huyện không có lợi thế về giao thông nhưng có lợi thế về nguồn nhân lực, tài nguyên, hoặc trợ cấp cho xây dựng cơ sở điện, nước, xử lý nước thải; miễn giảm thuế, giá thuê đất cho doanh nghiệp bỏ vốn xây dựng kinh doanh nhà ở cho công nhân... Tiến hành mạnh hơn nữa đột phá khâu cải cách thủ tục hành chính trong việc cấp phép đầu tư, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; giải phóng mặt bằng xây dựng... Tổ chức hội thảo, xúc tiến đầu tư nước ngoài với chất lượng tốt hơn ở những thời điểm, những nơi thuận lợi (có thể mời các đối tác nước ngoài đến Thái Bình hoặc cử đoàn sang nước ngoài để thuyết trình đầu tư). Hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra các doanh nghiệp để đầu tư vào KCN đúng hướng, đúng mục đích, lựa chọn thiết bị tiên tiến để sản phẩm sản xuất ra không sớm bị lạc hậu, có sức cạnh tranh.
Thứ sáu, tăng cường năng lực quản lý Nhà nước đối với các KCN. Tiếp tục đổi mới bộ máy quản lý nhà nước ở các cấp, các ngành theo đúng chức năng quan lý Nhà nước, tạo môi trường thuận lợi cho KCN. Thực hiện điều hành các hoạt động sản xuất kinh doanh thông qua các công cụ tài chính, tiền tệ, thuế,... Tăng cường tổ chức bộ máy, biên chế cho Ban Quản lý các KCN ngang tầm nhiệm vụ được giao, đặc biệt là lựa chọn đội ngũ cán bộ có năng lực, có kinh nghiệm, ưu tiên cử đi học tập và đào tạo ở tỉnh ngoài, nước ngoài... Khẩn trương chỉnh sửa, bổ sung, ban hành mới quy chế phối hợp quản lý Nhà nước giữa các Sở, ngành, Ban Quản lý các KCN và cải cách thể chế các thủ tục đầu tư theo cơ chế “một cửa, một cửa liên thông” tinh giảm, gọn nhẹ, nhanh hiệu quả.
Mới chỉ có 7 năm xây dựng phát triển, các KCN đã khẳng định được vai trò tất yếu của nó trong sự phát triển kinh tế - xã hội của một tỉnh nghèo như Thái Bình. Việc nêu ra những vấn đề còn tồn tại, bất cập và đề xuất một số giải pháp cho sự phát triển phù hợp là vấn đề hết sức cần thiết hiện nay để các KCN ở Thái Bình tiếp tục phát triển ổn định, trong những điều kiện cụ thể của địa phương và của đất nước. Qua những thành công đã đạt được chúng ta tin rằng KCN thực sự trở thành một mô hình phát triển kinh tế phù hợp trong công cuộc công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước./.
( Theo Trần Ngọc Điệp// Báo Kinh tế và Dự báo )
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com