Cụm công nghiệp Vĩnh Niệm là CCN duy nhất tại Hải Phòng có khu xử lý nước thải nhưng đến giờ vấn để không |
Doanh nghiệp đang sốt ruột chờ đợi Chính phủ ban hành cơ chế ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp (CCN). Nhưng cơ chế này còn đang lấy ý kiến đóng góp lần thứ 5, sau mấy chục năm mô hình CCN xuất hiện.
Đông, nhưng không mạnh !
Hiện cả nước đã quy hoạch phát triển 1.872 CCN, với tổng diện tích 76.520 ha. Trong đó có 918 CCN đang xây dựng, hoặc đã hoạt động với diện tích 40.597 ha. Tuy nhiên, hiện diện tích đã sử dụng và cho thuê trong các CCN cả nước chỉ là 7.510 ha, chiếm 26,4% tổng diện tích các CCN đã hoạt động. Về số lượng, CCN nhiều hơn hẳn số các khu công nghiệp (KCN) hiện đang hoạt động. Nhưng xét về quy mô ảnh hưởng tới kinh tế địa phương, các CCN chưa có tác động lớn như KCN. Bình quân, mỗi CCN có diện tích chiếm đất khoảng 40ha, thường do chính quyền cấp huyện làm chủ đầu tư, chủ yếu là để thu hút, di dời các DNNVV. Do vậy, sự kém hấp dẫn của CCN, thể hiện cụ thể ở tỷ lệ lấp đầy diện tích, quả là sự… lạ. Đặc biệt trong khi các DNNVV lại là đối tượng cần được hỗ trợ về mặt bằng sản xuất nhất. Vậy thì nghịch lý này có nguyên nhân ở đâu ?
Đáng ngạc nhiên là, đa số địa phương đều đã có cơ chế ưu đãi để thu hút đầu tư xây dựng CCN. Danh mục ưu đãi để xây dựng CCN khá đa dạng, từ ưu đãi tiền thuê đất, đơn giá thuê đất, kinh phí GPMB, đào tạo, cung ứng lao động… Ngoài ra, các ưu đãi cho doanh nghiệp xây dựng hoặc đầu tư trong CCN cũng có khá nhiều trong các văn bản luật hay dưới luật với mức độ ưu đãi không hề nhỏ. Chẳng hạn như miễn tiền thuê đất từ 3 - 15 năm tùy địa bàn, ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp… Nhưng vẫn có sự tương phản gay gắt giữa nhu cầu về mặt bằng sản xuất của doanh nghiệp với cơ chế ưu đãi để xây dựng và thực tế trống vắng trong các CCN.
Kết luận rút ra, cơ chế ưu đãi, thủ tục hành chính chưa gỡ được, chưa đủ để hấp dẫn được nguồn đầu tư xây dựng và thu hút doanh nghiệp đầu tư vào CCN. Tại Hải Phòng, có rất nhiều CCN được hình thành bằng cách cấp đất trước, và để doanh nghiệp thứ cấp tự thu xếp lắp đặt điện, nước, thông tin, doanh nghiệp tự đầu tư làm đường… Số CCN do Nhà nước xây dựng để cho doanh nghiệp thứ cấp thuê chỉ đếm trên đầu ngón tay, dù số lượng CCN được phê duyệt quy hoạch đã lên tới hơn 30. Thực tế này không riêng chỉ tại Hải Phòng, mà có tính phổ biến tại các địa phương.
Dĩ nhiên, do doanh nghiệp thứ cấp phải tự đầu tư, nên hạ tầng tại các CCN thường không đáp ứng tiêu chuẩn phục vụ sản xuất công nghiệp. Ngoài việc thiếu điện, nước, đường giao thông chất lượng kém…, đa số CCN đều không có hệ thống xử lý chất thải. Thậm chí có CCN như Vĩnh Niệm của Hải Phòng, dù đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải, nhưng lại không vận hành.
Thu hút bằng… dự thảo !
Trong dự thảo lần thứ 5 về cơ chế ưu đãi, hỗ trợ phát triển CCN hiện đang tổ chức lấy ý kiến có khá nhiều điểm hấp dẫn doanh nghiệp. Điểm hấp dẫn đầu tiên là đưa các dự án đầu tư xây dựng CCN vào diện hưởng ưu đãi như đối với dự án thuộc lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư. Thứ hai là bổ sung các dự án đầu tư CCN vào danh mục các dự án ưu đãi vay vốn tín dụng, và có thể được hỗ trợ tới 50% lãi suất tiền vay đầu tư xây dựng CCN. Ngoài ra, các dự án đầu tư thứ cấp cũng có thể được ưu đãi về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu.
Điểm mới nữa là nhà nước cam kết hoàn thành hạ tầng ngoài hàng rào trước khi thành lập CCN. Đồng thời cam kết hỗ trợ vốn lập quy hoạch tổng thể, chi tiết, hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng trong CCN với mức tối đa có thể lên tới 10 tỷ đồng/CCN, hay 100 tỷ đồng cho một tỉnh. Những đề xuất về ưu đãi để phát triển CCN tại dự thảo cho thấy đã có sự thay đổi cơ bản về đánh giá vai trò của CCN trong phát triển công nghiệp. Từ chỗ chỉ là “vai phụ” giải quyết nhu cầu đầu tư của địa phương, của đối tượng DNNVV, đến trở thành “kép chính”, đóng vai trò động lực thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, kinh tế. CCN và những dự án trong đó đã được nhìn nhận là cần được ưu đãi mạnh mẽ để khuyến khích phát triển.
Thế nhưng, bao giờ những ý tưởng đề xuất trên tại dự thảo được trở thành cơ chế ưu đãi có giá trị áp dụng thì lại là câu hỏi chưa có câu trả lời. Hy vọng của doanh nghiệp vào sự ưu đãi, khuyến khích ấy càng mù mịt hơn không chỉ vì chưa biết bao giờ cơ chế được ban hành. Mà còn bởi sau khi cơ chế ưu đãi ấy được Chính phủ ban hành, thì doanh nghiệp sẽ còn tiếp tục phải chờ hướng dẫn thực thi quyết định do các ngành soạn thảo.
Dĩ nhiên, mỗi quy định cần có thời gian nghiên cứu, chỉnh sửa cho hoàn thiện trước khi ban hành. Nhưng về mục đích, cơ chế vận hành, thì CNN liệu khác bao xa với mô hình KCN? Vậy thì tại sao cơ chế ưu đãi cho CCN cứ phải chờ, trong khi các cơ chế và kinh nghiệm dành cho quản lý mô hình KCN thì đã được tích lũy và vận hành từ nhiều chục năm?
Thiệt mình hại người Trong kết luận sơ bộ (hồi tháng 8/2009), Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã xác định, mức trợ cấp đối với túi nhựa PE của Việt Nam xuất khẩu vào nước này từ 0,20% đến 4,24%. Tuy nhiên khi kết luận cuối cùng (cuối tháng 3 vừa qua), biên độ trợ cấp đã bị xác định ở mức cao hơn hẳn (thấp nhất là 0,44%, cao nhất lên tới 52,56%, biên độ chung toàn quốc là 5,28%). Cùng với đó túi nhựa Việt Nam cũng bị kết luận bán phá giá với mức khá cao, từ 52,03% đến 76,11%. Tháng 5 tới đây, nếu Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ (ITC) ra kết luận cuối cùng khẳng định có thiệt hại đáng kể gây ra cho ngành sản xuất nội địa Hoa Kỳ trong cả vụ trợ cấp và phá giá thì các doanh nghiệp của chúng ta sẽ phải chịu biện pháp thuế chống trợ cấp và biện pháp thuế chống bán phá giá chính thức với mức rất cao. Thực tế này sẽ là một cú giáng mạnh vào ngành túi nhựa Việt Nam vốn đang khó khăn. Việc bị áp mức thuế cao như vậy có nhiều nguyên nhân. Trong đó có nguyên nhân từ chính các doanh nghiệp bị kiện. Trong vụ điều tra chống trợ cấp, có 3 doanh nghiệp được lựa chọn làm bị đơn bắt buộc. Quá trình điều tra sơ bộ đã diễn ra khá suôn sẻ với sự tham gia tương đối tích cực của cả 3 bị đơn này. Nhờ đó kết luận sơ bộ được xem là khá khả quan. Tuy nhiên, trong quá trình điều tra cuối cùng của DOC, một doanh nghiệp đã dừng tham gia vụ việc. Do doanh nghiệp này “bỏ cuộc chơi” giữa chừng nên DOC không thể xác minh trên thực tế các thông tin mà doanh nghiệp này cung cấp (vì họ đã ngừng hợp tác). DOC bèn sử dụng “thông tin sẵn có bất lợi” cho doanh nghiệp này, trong khi thông tin thường được lấy từ chính nguyên đơn, vì vậy biên độ trợ cấp xác định cho doanh nghiệp này là rất cao. Cũng tương tự như vậy trong vụ điều tra chống bán phá giá, 2 trong số 3 doanh nghiệp được lựa chọn đã “đầu hàng”, bỏ không tham gia điều tra ngay từ ban đầu, vì vậy DOC cũng áp dụng phương pháp mang tính trừng phạt tương tự và kết quả là cả biên độ phá giá sơ bộ lẫn cuối cùng đều như nhau và ở mức rất cao. Có thể thấy việc bỏ cuộc giữa chừng của các doanh nghiệp đã gây thiệt hại nặng nề cho doanh nghiệp nói riêng và các doanh nghiệp xuất khẩu nhựa khác nói chung. Xu thế hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam phải đối mặt với các vụ kiện thương mại ngày một tăng. Việc chủ động ứng phó với các vụ kiện cũng như tích cực tham gia trong suốt quá trình tố tụng sẽ đem lại lợi ích thiết thực cho mỗi doanh nghiệp. Vụ việc nói trên một lần nữa là kinh nghiệm xương máu, không chỉ cho các doanh nghiệp sớm nản chí kể trên, mà cho tất cả các doanh nghiệp xuất khẩu. (Hà Phương) |
(Theo Trọng Nhân // Báo Doanh nhân)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com