Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Phát triển khu công nghiệp: Động lực chuyển dịch cơ cấu kinh tế

Tính đến đầu tháng 10 năm nay, cả nước đã có 254 khu công nghiệp (KCN) được thành lập, với tổng diện tích đất gần 69.000ha, trong đó diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê đạt hơn 45.000ha. Đã có 171 KCN đã hoạt động và 83 KCN đang trong giai đoạn đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB) và xây dựng hạ tầng. Theo ngành chức năng, phấn đấu đến năm 2015, cả nước sẽ thành lập mới 115 KCN và mở rộng 27 KCN, với tổng diện tích gần 32.000ha...

Cụm công nghiệp Thanh Oai. Ảnh: Thái Hiền

Mặc dù các KCN được thành lập ở gần 60 tỉnh, thành phố trên cả nước, nhưng tập trung nhiều tại 3 vùng kinh tế trọng điểm là miền Nam, miền Trung, miền Bắc. Đến nay, các KCN đã thu hút được hàng tỷ USD và hàng chục nghìn tỷ đồng vốn đầu tư phát triển hạ tầng phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương. Các dự án đầu tư vào KCN tập trung chủ yếu vào các ngành công nghiệp nhẹ, như dệt may, da giày, công nghiệp chế biến thực phẩm (chiếm hơn 50% tổng số dự án). Đây là các dự án có tỷ lệ xuất khẩu cao, đã góp phần nâng cấp các ngành nói trên về dây chuyền công nghệ, chất lượng sản phẩm... Điều dễ nhận thấy là các KCN đã đóng góp ngày càng hiệu quả trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Riêng lĩnh vực đầu tư nước ngoài, 10 tháng đầu năm đã đạt gần 4.000 triệu USD trong đó có 161 dự án mới với tổng số vốn đầu tư đăng ký đạt gần 3.000 triệu USD và 186 lượt dự án tăng vốn với số vốn tăng thêm đạt hơn 1.000 triệu USD. Lũy kế đến tháng 10-2010, các KCN cả nước đã thu hút được 3.841 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký hơn 50 tỷ USD. Cũng từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp trong KCN đạt doanh thu hơn 16.000 triệu USD. Các KCN cũng thu hút được gần 1.500 nghìn lao động trực tiếp với chuyên môn, kỹ thuật tăng dần. Đặc biệt, các KCN đã chú trọng đến việc xử lý nước thải, với 102 KCN đã xây dựng xong hệ thống xử lý nước thải tập trung, chiếm 60% tổng số KCN đã vận hành, 33 KCN đang xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung.

Có thể nói, những năm qua KCN đã góp phần mở rộng thị trường, các yếu tố "đầu vào", "đầu ra" tại các vùng lân cận, nhất là ở những địa phương sở tại trình độ công nghiệp đã phát triển đáng kể. Sức lan tỏa của KCN tại TP Hồ Chí Minh đến các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bình Dương, chuyển các địa phương này từ cơ cấu kinh tế thuần nông sang cơ cấu kinh tế công nghiệp hiện đại. Xu hướng lan tỏa từ các KCN ở các địa phương này sẽ được mở rộng hơn nữa sang các địa phương khác, như Long An, Bình Phước... Ở Hà Nội đã, đang và sẽ phát triển ở những vùng xa, khu vực thâm canh cây trồng không đạt hiệu quả, như Sóc Sơn, Xuân Mai, Ba Vì...

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, ngoài những kết quả mà KCN đã mang lại, chất lượng quy hoạch trong các KCN còn thấp, tổ chức thực hiện quy hoạch chưa triệt để; hiệu quả sử dụng đất tại một số KCN còn chưa cao, do việc đền bù, GPMB còn nhiều phức tạp. Tình trạng các KCN chưa xây dựng đồng bộ với các công trình phúc lợi để bảo đảm cuộc sống cho người lao động, nên vấn đề nổi cộm nhất hiện nay là chỗ ở cho công nhân trong các KCN. Hàng trăm nghìn công nhân nhập cư làm việc trong các KCN chưa có nhà ở đã, đang nảy sinh nhiều vấn đề xã hội phức tạp không những cho người công nhân nhập cư, mà cả các địa phương nơi có KCN, nhất là các địa phương có nhiều KCN tập trung như: Đồng Nai, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Vĩnh Phúc...

Để các KCN hoạt động hiệu quả hơn, cần phát triển theo hướng gia tăng hàm lượng kỹ thuật trong sản phẩm nhằm nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường khu vực và quốc tế. Ngay từ khâu xây dựng chiến lược phát triển đến khâu tổ chức triển khai xây dựng KCN phải gắn liền với việc giải quyết các vấn đề xã hội và môi trường để bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững. Xác định một trong những mục tiêu quan trọng của phát triển KCN là động lực để chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hạt nhân hình thành đô thị hiện đại, do đó trong quá trình xây dựng KCN, cơ sở hạ tầng phải đi trước một bước, gắn việc xây dựng hạ tầng trong hàng rào với xây dựng cơ sở hạ tầng ngoài hàng rào KCN theo hướng đồng bộ.
 
Các khu công nghiệp của Hà Nội thu hút 518 dự án
(HNM) - Ngày 18-11, tại Hà Nội, Ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) và chế xuất Hà Nội tổ chức kỷ niệm 15 năm Ngày thành lập (20/11/1995 - 20/11/2010).

Tính đến nay, các KCN Hà Nội đã thu hút được 518 dự án với tổng vốn đăng ký đạt 11.600 tỷ đồng và hơn 3,5 triệu USD; góp phần tạo ra hơn 40% giá trị sản lượng công nghiệp toàn thành phố; đóng góp hơn 45% kim ngạch xuất khẩu và 20% GDP của thành phố. Ngoài những kết quả đạt được, việc phát triển các KCN của Hà Nội còn bộc lộ một số bất cập như mới có 8/18 KCN, khu công nghệ cao (KCNC) được đầu tư hạ tầng đi vào hoạt động thiếu mặt bằng "sạch" cho các nhà đầu tư thuê. Một số KCN được nâng lên từ cụm công nghiệp, hệ thống hạ tầng thiếu đồng bộ, công tác duy tu bảo dưỡng chưa được thường xuyên, tiến độ triển khai dự án còn chậm...

Giai đoạn 2010-2015, Ban Quản lý sẽ tập trung chỉ đạo xây dựng phát triển 10 KCN, KCNC đã được phê duyệt quy hoạch để tạo mặt bằng "sạch" thu hút đầu tư. Việc xây dựng các KCN, KCNC mới theo hướng phát triển các khu đô thị dịch vụ công nghiệp đồng bộ để thu hút đầu tư mới, đồng thời tạo chỗ di dời các cơ sở sản xuất trong nội thành.
Thanh Hiền
 

(Theo HNM Online)

  • Khu công nghiệp, khu chế xuất: Đề xuất tăng cường quản lý lao động
  • Trái tim Dung Quất
  • Hà Nội có thêm 11 khu công nghiệp trong 5 năm
  • Sau 20 năm phát triển KCN, KCX, KKT: Vẫn chưa tạo được những dấu ấn mạnh mẽ
  • Tháo gỡ vướng mắc cho các khu công nghiệp phát triển
  • Hơn 14.000 tỉ đồng bồi thường cho khu Đô thị mới Thủ Thiêm
  • Quy hoạch khu CNTT, cần một nhạc trưởng
  • Khu kinh tế Dung Quất thành thành phố công nghiệp
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Phân tích ngành than và điện năm 2010
  • Xuất khẩu Dệt May năm 2010 : Mục tiêu 10,5 tỷ USD
  • Năm 2010, xuất khẩu gỗ đạt 3 tỷ USD?
  • Phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD
  • Bàn về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020
  • "Đường đi" của giá vật liệu xây dựng sẽ ra sao?
  • Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ: Cơ hội đã đến
  • Phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam: Bài học đắt giá
  • Giải pháp hợp lý để phát triển khu kinh tế miền trung
  • Ngành gốm sứ: Công nghiệp phát triển, thủ công lu mờ
  • Còn chỗ cho đầu tư bia, nước giải khát
  • Top 15 hãng tàu container