Lỗ hổng về kiểm soát vốn đã gây trở ngại trong việc đảm bảo tiến độ thực hiện và hoàn thành dự án tại các KCN |
Tại các KCX, KCN trên địa bàn TP HCM đang xảy ra thực trạng chậm góp vốn, góp không đủ vốn, khai khống vốn...
Mặc dù đã có những quy định về trách nhiệm cá nhân của các thành viên tham gia góp vốn nhưng theo Ban Quản lý các KCX – KCN TP HCM (Hepza) thì những quy định này vẫn không đủ sức răn đe và chưa tạo ra cơ chế chặt chẽ cho cơ chế tự khai vốn.
Quy định lỏng lẻo
Một thực trạng được xem là “nóng” ngay thời điểm này là sự chênh lệch và thay đổi từng ngày về tỉ giá giữa đồng nguyên tệ và ngoại tệ đã gây cơ chế “nghẽn” trong việc xác định số vốn thực góp khi mà vốn đầu tư được ghi trên Giấy chứng nhận đầu tư thể hiện cả hai đơn vị tính là nguyên tệ và ngoại tệ. Ví dụ, một DN tham gia góp vốn thực hiện dự án, theo giấy phép vốn góp là 17 tỉ đồng, tương đương 1 triệu USD và thực tế DN đó đã góp đủ 17 tỉ đồng, nhưng nếu so với USD tại thời điểm góp vốn thì chỉ tương đương với 0,9 triệu USD. Như vậy, DN tham gia góp vốn đã thực sự góp đủ vốn chưa - điều này cũng chưa rõ ràng.
Ngoài ra, tại các KCX, KCN hiện nay chưa có quy định mang tính ràng buộc pháp lý về tỉ lệ tối thiểu giá trị góp vốn cho mỗi bên tham gia góp vốn so với tổng vốn thực hiện dự án khiến nhiều dự án xin giấy phép đầu tư khá lớn nhưng thực tế các nhà đầu tư đa phần có số vốn góp quá nhỏ. Với số vốn góp nhỏ, lượng nhà đầu tư đông thì độ rủi ro của dự án là rất lớn. Nhiều dự án buộc phải phá sản.
Thiếu chế tài
Theo các Ban quản lý KCX, KCN tại vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Nghị định 108/2006/NĐ-CP mặc dù quy định khá chi tiết về quyền hạn, trách nhiệm của Ban quản lý các khu kinh tế trong kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện tiến độ góp vốn nhưng không quy định rõ mức độ xử lý cụ thể từng trường hợp vi phạm nên trên thực tế rất khó đánh giá mức độ trách nhiệm. Chính vì vậy, suốt thời gian qua, các DN vi phạm trong vấn đề góp vốn chỉ dừng lại ở việc nhắc nhở, động viên.
Tại KCN VN – Singapore (Bình Dương), việc quản lý tiến độ góp vốn phát triển dự án chỉ được theo dõi thông qua các báo cáo của chủ đầu tư và hoạt động giám sát đầu tư của cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều chủ đầu tư không thực hiện báo cáo, hoặc báo cáo không chất lượng, không đúng hạn, trong khi những quy định chế tài đối với các trường hợp không thực hiện báo cáo định kỳ vẫn chưa đủ tính răn đe. Và, lỗ hỏng về kiểm soát vốn đã gây trở ngại trong việc đảm bảo tiến độ thực hiện và hoàn thành dự án.
Theo quy định thì thời hạn góp vốn của Cty TNHH 1 thành viên là trong vòng 36 tháng kể từ khi được cấp Giấy chứng nhận đầu tư. Tuy nhiên, do khó khăn về lãi suất ngân hàng nên thời gian vừa qua, phần lớn các DN trong KCX-KCN đều chậm trễ trong khâu hoàn thành vốn góp, có DN kéo dài từ năm này qua năm khác. Tuy nhiên, về biện pháp chế tài, đại diện Ban quản lý các KCN, KCX cho biết, hiện tỉnh chưa nhận được Thông tư hướng dẫn là trong trường hợp quá thời hạn 36 tháng nếu DN không góp đủ vốn theo quy định thì sẽ xử lý thế nào.
Báo cáo của Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Tiền Giang cho thấy, trong tổng số 58 dự án đầu tư vào các KCN tại tỉnh này thì chỉ có 12 DN báo cáo tiến độ góp vốn về Ban quản lý (đạt 20,68%), con số này đều thuộc về các DN nước ngoài. Trong khi đó, 100% DN có vốn đầu tư trong nước không thực hiện báo cáo tình hình góp vốn về Ban quản lý đã gây không ít khó khăn cho vấn đề quản lý vốn.
Phản ứng về những “lỗ hổng” trong công tác quản lý đầu tư tại các vùng kinh tế trọng điểm, ngày 21/4/2011, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 2458/BKHĐT-GSTĐĐT. Công văn nêu rõ công tác giám sát và đánh giá đầu tư trong thời gian qua chưa đảm bảo chất lượng và số lượng làm hạn chế việc phân tích, đánh giá tình hình và hiệu quả đầu tư chung của cả nước. Qua đó, bộ này kiến nghị Chính phủ cần ban hành các Nghị định hướng dẫn nhằm tháo gỡ những vướng mắc nêu trên.
(Theo Diễn đàn doanh nghiệp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com