Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Tiếp cận Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam

Hệ thống xử lý nước thải của một doanh nghiệp ở TPHCM. Ảnh: Lê Hồng Thái.

Cuối năm 2010, khi nhà máy xử lý nước thải tập trung của khu công nghiệp Nhơn Trạch II - Nhơn Phú, Đồng Nai, bắt đầu vận hành những người lãnh đạo ở đây như trút bỏ được gánh nặng ngàn cân trên vai. Ít ai biết đằng sau câu chuyện đó là cả một quá trình khổ công tìm vốn cho dự án xử lý nước thải 4.000 mét khối/ngày đêm này.

Đối với một doanh nghiệp nhỏ và vừa như Công ty cổ phần Địa ốc Thảo Điền, để đầu tư một số tiền lớn xây nhà máy xử lý nước thải trong khi chưa có khách hàng ký hợp đồng là cả một vấn đề.

Ông Phạm Thanh Cương, Phó tổng giám đốc công ty, kể: thời điểm đó mặc dù hồ sơ pháp lý và kỹ thuật đã đầy đủ, nhưng tìm vốn ở đâu là cả một chặng đường gian nan. Ông đến ngân hàng, ngân hàng lắc đầu. Ông lên tỉnh, tỉnh không có tiền... Cuối cùng ông đến gõ cửa Quỹ Bảo vệ Môi trường Việt Nam (VEPF) và vay được 11,5 tỉ đồng để triển khai dự án. Nay thì một nhà máy xử lý nước thải tập trung khác của công ty cũng được VEPF cho vay vốn và sắp được xây dựng.

Thảo Điền không phải là công ty duy nhất được vay vốn từ VEPF. Kể từ lần cho dự án đầu tiên vay vốn vào tháng 8-2004, đến nay quỹ đã cho 113 dự án vay với số tiền hơn 566 tỉ đồng. Trong đó lĩnh vực xử lý chất thải công nghiệp chiếm nhiều nhất với 23 dự án, hơn 255 tỉ đồng (45% tổng dư nợ). Đặc điểm của những doanh nghiệp được vay vốn từ VEPF là có các dự án về môi trường mang tính cấp thiết, đa dạng, phức tạp, khả năng sinh lời thấp nhưng suất đầu tư và rủi ro cao.

Một doanh nghiệp nhà nước như Tổng công ty Cao su Đồng Nai đang cố tìm cách thoát ra khỏi danh sách các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng cũng đã ký được ba hợp đồng tín dụng trị giá 37,5 tỉ đồng với VEPF. Một số công ty tư nhân như Tâm Sinh Nghĩa, Công ty cổ phần Thương mại, Sản xuất, Xây dựng Hưng Thịnh... cũng là những doanh nghiệp ở phía Nam được vay vốn từ quỹ.

Ông Nguyễn Nam Phương, Giám đốc VEPF, cho biết bất kỳ doanh nghiệp nào có chương trình, dự án hoặc phương án bảo vệ môi trường trên cả nước đều có thể tiếp cận nguồn tài chính ưu đãi của quỹ. Vốn điều lệ của quỹ là 500 tỉ đồng và hàng năm lại được bổ sung từ các nguồn khác nhau. Theo ông Phương, năm 2011, doanh nghiệp sẽ được vay khoảng 70-75% tổng giá trị đầu tư của dự án trong thời hạn 10 năm, lãi suất ưu đãi 5,4%/năm.

Trong thời buổi tín dụng thắt chặt như hiện nay có được nguồn vốn dài hạn với lãi suất thấp, lại ít bị biến động trong thời gian dài quả là một tin vui cho doanh nghiệp. Chưa hết, trong chương trình này doanh nghiệp còn được hỗ trợ lãi suất sau đầu tư cho các dự án bảo vệ môi trường.

Để tiếp cận được nguồn tài chính này, doanh nghiệp cần nắm rõ những lĩnh vực ưu tiên và tiêu chí lựa chọn của VEPF như tính cấp thiết, hiệu quả, tính phù hợp, tính nhân rộng và cuối cùng là khả năng hoàn trả vốn của dự án. Đó là những dự án như xử lý nước thải ở các khu công nghiệp, xử lý chất thải sinh hoạt, chất thải công nghiệp, xử lý khí thải, sản xuất sạch và tiết kiệm năng lượng.

Ngoài ra, ông Phương cho biết thêm doanh nghiệp được cấp vốn vay sẽ phải đáp ứng một số điều kiện như đầu tư mới hoặc thay thế một phần dây chuyền sản xuất, ít nhất phải cải thiện được 30% thông số môi trường, quy mô công ty có vốn điều lệ dưới 5 triệu đô la Mỹ và nếu là công ty liên doanh thì đối tác Việt Nam phải chiếm 51% vốn.

Những doanh nghiệp đã được vay vốn của quỹ cho rằng để được vay vốn, doanh nghiệp phải chuẩn bị hồ sơ thật kỹ và đầy đủ theo yêu cầu, nhằm giúp cho khâu kiểm tra chứng từ cũng như kiểm soát thực tế được tiến hành thuận lợi. Đại diện Công ty Thảo Điền cho rằng để dự án có tính thuyết phục nhóm nghiên cứu cần làm kỹ để dự án đảm bảo tính thực tế, tính khả thi và số liệu chặt chẽ, bên cạnh khả năng hoàn vốn.

VEPF được thành lập năm 2002 với số vốn ban đầu 500 tỉ đồng, được rót từ ngân sách nhà nước và được bổ sung hàng năm. Ngoài ra, quỹ cũng hợp tác với các tổ chức trong nước và quốc tế nhằm thu hút các nguồn tài trợ trực tiếp cho các dự án và bổ sung nguồn vốn.

VEPF là tổ chức hoạt động không vì mục đích lợi nhuận nhưng phải bảo toàn vốn điều lệ và tự bù đắp chi phí quản lý.

(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)

 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Phân tích ngành than và điện năm 2010
  • Xuất khẩu Dệt May năm 2010 : Mục tiêu 10,5 tỷ USD
  • Năm 2010, xuất khẩu gỗ đạt 3 tỷ USD?
  • Phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD
  • Bàn về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020
  • "Đường đi" của giá vật liệu xây dựng sẽ ra sao?
  • Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ: Cơ hội đã đến
  • Phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam: Bài học đắt giá
  • Giải pháp hợp lý để phát triển khu kinh tế miền trung
  • Ngành gốm sứ: Công nghiệp phát triển, thủ công lu mờ
  • Còn chỗ cho đầu tư bia, nước giải khát
  • Top 15 hãng tàu container