Với 2 tỷ USD vừa được doanh nghiệp các nước đăng ký đầu tư vào các khu công nghiệp (KCN) phía Bắc vào những ngày cuối tháng 3 này, tổng vốn FDI 3 tháng đầu năm trên cả nước đã vượt lên 8 tỷ USD, thay vì mức 6 tỷ USD được các cơ quan chức năng công bố trước đó.
Phải thừa nhận rằng, hoạt động thu hút nguồn vốn FDI trong quý I/2009 đang diễn ra khá thuận lợi trong bối cảnh cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới được dự báo là sẽ ngày càng trầm trọng hơn. Cho dù so với năm 2008 (năm kỷ lục của Việt Nam về thu hút đầu tư), các con số tuyệt đối đã giảm khá mạnh, song nếu loại trừ yếu tố đột biến của năm 2008, thì so với con số 2,5 tỷ USD của quý I/2007, thu hút FDI của Việt Nam vẫn trên đà tăng trưởng. Đặc biệt, mức tăng vốn của các dự án hiện hữu đang khá ấn tượng.
Tất nhiên, những phân tích này không đủ để dự báo một cách khả quan hơn về tình hình thu hút vốn FDI những tháng tiếp theo, nhưng đã cho thấy kết quả tích cực từ công tác xúc tiến đầu tư của các bộ, ngành, địa phương cũng như hoạt động "chăm sóc sau đầu tư" đang được đặc biệt chú trọng.
Từ đầu năm, nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc của các vị lãnh đạo cấp cao đã được triển khai khá tập trung. Chuyến thăm và làm việc của Thủ tướng Chính phủ tới Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) và Quatar, Kuwait hồi đầu năm nay đã đặt nền móng cho kế hoạch hướng tới thị trường Trung Đông- một trong những thị trường trọng điểm mới của Việt Nam.
Ngay sau đó, các hoạt động con thoi giữa các nhà đầu tư Trung Đông và Việt Nam đã được thực hiện song hành với những nỗ lực hoàn thiện cơ chế, chính sách giữa các cơ quan nhà nước. Dự kiến vào tháng 6 tới, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-UAE có quy mô lớn nhất từ trước tới nay, sẽ được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức. Cũng vào thời điểm này, lần đầu tiên, đại diện đầu tư đặt tại cơ quan ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài sẽ chính thức hoạt động.
Trong khi đó, tại các trường truyền thống về thu hút đầu tư của Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu..., các hoạt động xúc tiến đầu tư vẫn tiếp tục diễn ra theo hướng thu hút mạnh nguồn vốn vào lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ sạch và đầu tư cơ sở hạ tầng, các dự án lớn...
Sau chuyến xúc tiến đầu tư do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức tại Nhật Bản cùng việc Nhật Bản nối lại viện trợ chính thức cho Việt Nam vào tháng 2/2009, nhiều đoàn doanh nghiệp Nhật Bản đã nối chuyến sang Việt Nam trong 3 tháng đầu năm. Ngay tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào các KCN, khu chế xuất, khu kinh tế phía Bắc, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức (vừa kết thúc cuối tuần qua), Hiệp hội Các nhà doanh nghiệp Nhật Bản đã ký kết với CTCP Đầu tư Kinh Bắc đầu tư 30 triệu USD vào KCN Quế Võ 1 và 32 triệu USD vào KCN Đại đồng Hoàn Sơn.
Một số công ty lớn của Nhật cũng đang đưa ra các kế hoạch hấp dẫn. Mới đây nhất, Công ty Thép Kobe và Công ty Sojitz của Nhật Bản đã làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư về kế hoạch thành lập liên doanh tại Việt Nam để triển khai Dự án Sản xuất sắt hạt theo công nghệ Itmk3, với tổng vốn đầu tư khoảng 300 triệu USD.
Sẽ thiếu sót nếu không nhắc tới các kế hoạch đầu tư của các nhà đầu tư hiện hữu. Ngay sau đợt rà soát hoạt động của các dự án đầu tư (tổ chức vào cuối năm ngoái) nhằm hỗ trợ, tháo gỡ các vướng mắc cho các dự án hiện hữu, nhiều động thái tích cực từ đã xuất hiện tại các dự án lớn. Dự án Saigon Atlantis Hotel của Tập đoàn Winvest LLC (Hoa Kỳ) hiện dẫn dầu với kỷ lục tăng vốn đầu tư từ 300 triệu USD lên 4,1 tỷ USD.
Vừa qua, nhà đầu tư Limiless LLC (thuộc Tập đoàn Dubai World- UAE) sau khi nâng tổng vốn đầu tư Dự án Tổ hợp khách sạn Halong Star từ 180 triệu USD lên 550 triệu USD, đã thông tin tới UBND Quảng Ninh về việc dừng một số dự án ở thị trường khác để tập trung vốn cho Dự án Halong Star. Chủ đầu tư hai dự án này đều khẳng định về tiến độ đầu tư sau khi các địa phương chủ động thực hiện đúng hạn cam kết của mình về giải phóng mặt bằng, cải thiện thủ tục hành chính...
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trong Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào KCN, khu chế xuất, khu kinh tế khu vực phía Bắc đã cho biết, các hoạt động hỗ trợ sau đầu tư nhằm theo dõi, giám sát việc thi hành pháp luật về đầu tư và doanh nghiệp để kịp thời phát hiện, xử lý các vướng mắc phát sinh đang được triển khai tích cực kèm theo cơ chế đối thoại thường xuyên giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư với lãnh đạo UBND cấp tỉnh cũng như các nhà đầu tư.
Ngoài ra, trong năm 2009, Việt Nam sẽ nỗ lực hoàn thành sớm một số công trình hạ tầng quan trọng; tiếp tục đẩy mạnh quá trình cải cách thể chế, nhất là pháp luật về đầu tư theo hướng tạo thuận lợi hơn cho nhà đầu tư. Dự kiến, Dự án Luật sửa đổi các Luật để đồng bộ hoá các quy định về đầu tư dự sẽ được ban hành vào tháng 5 tới.
( Theo báo Đầu tư )
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com