Bắc Ninh đang tập trung mọi nguồn lực tạo điều kiện thuận lợi về hạ tầng kỹ thuật để phát triển mạnh công nghiệp. Chủ trương tập trung đầu tư xây dựng và phát triển các KCN là giải pháp quan trọng hàng đầu. Bắc Ninh đặc biệt coi trọng công tác xúc tiến, thu hút đầu tư; xác định là nhiệm vụ trọng tâm quyết định sự thành công của mỗi KCN. Công tác xúc tiến, thu hút đầu tư kết hợp vừa mời gọi nhà đầu tư theo định hướng, quy hoạch phát triển các KCN vừa hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động triển khai dự án và mở rộng dự án sau cấp phép đầu tư.
Công tác xúc tiến, thu hút đầu tư được xác định ngay từ công tác quy hoạch các KCN, là bước cụ thể hoá chủ trương về phát triển KCN, đồng thời hội tụ những lợi thế để biến thành nguồn lực xây dựng các KCN. Đến nay Bắc Ninh đã hoàn thiện quy hoạch phát triển các KCN đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 được Chính phủ phê duyệt 15 KCN, tổng diện tích 7.525 ha (6.541ha KCN và 984 ha đô thị). Hiện tại 4 KCN đã đi vào hoạt động là Tiên Sơn, Quế Võ I, Đại Đồng-Hoàn Sơn, Yên Phong I; 3 KCN mới khởi công xây dựng là VSIP, Quế Võ II, IGS; một số KCN đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết, đang chuẩn bị khởi công như Thuận Thành II, Yên Phong II, Quế Võ III, Từ Sơn, Gia Bình... Theo số liệu từ Ban Quản lý các KCN Bắc Ninh, đến hết tháng 6 năm nay, các KCN tập trung của tỉnh đã thu hút 356 dự án sản xuất kinh doanh, với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 2.900 triệu USD. Trong 6 tháng đầu năm, Bắc Ninh tiếp đón, trao đổi với 10 đoàn khách trong và ngoài nước đến tìm hiểu đầu tư, Ban Quản lý các KCN tỉnh đã cấp 25 Giấy chứng nhận đầu tư cho 9 dự án trong nước và 16 dự án nước ngoài, tổng vốn đăng ký 211,9 triệu USD, đạt gần 60% tổng vốn thu hút so kế hoạch năm. Việc sắp xếp các nhà đầu tư cũng được coi trọng, mỗi KCN được bố trí một vài tập đoàn đầu tư có quy mô lớn, công nghệ kỹ thuật cao, thương hiệu khu vực và toàn cầu để kéo theo chuỗi các nhà đầu tư vệ tinh khác, tạo lập KCN chuyên ngành và xây dựng hình ảnh, thương hiệu cho KCN. Đã có 15 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Bắc Ninh, các dự án FDI lớn gần đây chủ yếu đầu tư vào lĩnh vực điện, điện tử, viễn thông công nghệ cao của các tập đoàn đa quốc gia như: Canon (Nhật Bản), Samsung (Hàn Quốc), Foxconn (Đài Loan), ABB (Thuỵ Điển)... tạo hình ảnh sinh động của các KCN Bắc Ninh. Đồng thời là cơ sở để Bắc Ninh xác lập ngành công nghiệp mũi nhọn mà trọng tâm là công nghiệp điện tử, cơ khí chính xác, vật liệu mới, chế biến công nghệ cao.
Sản xuất tại Công ty sơn tĩnh điện Việt Thái (TX Từ Sơn).
Việc hoàn thiện quy hoạch phát triển các KCN đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 đã góp phần vào việc phân bố, điều chỉnh lại không gian kinh tế-xã hội của tỉnh, thể hiện rõ nhất là thúc đẩy phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng như: Điện, nước, giao thông vận tải... tạo sự phát triển đồng đều, hỗ trợ lẫn nhau giữa khu vực phía Bắc và Nam sông Đuống. Đến nay Bắc Ninh đã chấp thuận 15 chủ đầu tư xây dựng hạ tầng (10 doanh nghiệp là nhà đầu tư trong nước; 5 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài), trong đó 10 dự án đầu tư hạ tầng được cấp phép với tổng vốn hàng trăm triệu USD. Đặc biệt thu hút được một số dự án đầu tư hạ tầng KCN lớn như: VSIP Bắc Ninh (Singapore), Tập đoàn IGS (Hàn Quốc), Foxconn Honghai, NICE (Đài Loan)... có khả năng làm tốt công tác tiếp cận và đàm phán với các nhà đầu tư lớn. Riêng KCN, đô thị VSIP Bắc Ninh đã thiết lập mô hình kinh doanh hạ tầng trong hạ tầng KCN (Mapletree Singapore).
Công tác xúc tiến, thu hút đầu tư còn được tính toán, điều chỉnh hợp lý giữa đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài bảo đảm sự hỗ trợ, tương tác, thúc đẩy phát triển nhanh, hiệu quả, bền vững các KCN. Trong tổng số các dự án được cấp phép có 205 dự án trong nước và 151 dự án vốn nước ngoài. Các dự án đầu tư trong nước tập trung chủ yếu giai đoạn đầu khởi công xây dựng các KCN, quy mô vừa và nhỏ vào các lĩnh vực chế biến lương thực, thực phẩm... góp phần giải quyết các vấn đề về an sinh xã hội và tiền đề thu hút dự án FDI giai đoạn sau. Thực tiễn đã chứng minh, trong bối cảnh suy thoái kinh tế thế giới ảnh hưởng đến Việt Nam, các doanh nghiệp trong KCN Bắc Ninh vẫn đứng vững. Các dự án đầu tư trong nước vào lĩnh vực chế biến lương thực, thực phẩm tiêu thụ tại thị trường trong nước vẫn tăng sản lượng đã bổ trợ việc làm cho các dự án FDI vào lĩnh vực điện tử gặp nhiều khó khăn trong đầu ra dẫn đến cắt giảm nhân công hoặc tạm ngừng sản xuất để cơ cấu lại sản phẩm, điều chỉnh thị phần. Sự tương trợ này giúp cho các KCN Bắc Ninh luôn ổn định, phát triển, an ninh trật tự xã hội trong và ngoài vùng phụ cận KCN được giữ vững.
(Theo Bacninh)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com