Theo các chuyên gia năng lượng, cần sớm rút ngắn lộ trình thực hiện thị trường điện cạnh tranh - Ảnh: TL. |
Theo dự thảo về lộ trình phát triển các cấp độ thị trường điện lực Việt Nam, dự kiến sau năm 2022 Việt Nam có thị trường điện cạnh tranh hoàn chỉnh. Tuy nhiên một chuyên gia năng lượng cho rằng cần rút ngắn, tốt nhất đến năm 2017 hoàn chỉnh thị trường điện cạnh tranh.
Theo dự thảo quyết định về lộ trình, các điều kiện phát triển các cấp độ thị trường điện lực Việt Nam vừa được Bộ Công Thương đăng tải lấy ý kiến từ hôm nay (2-4), lộ trình phát triển thị trường điện Việt Nam đi theo 3 cấp độ. Mỗi cấp độ được thực hiện theo hai bước, thí điểm và hoàn chỉnh.
Cấp độ 1 (đến năm 2014) hình thành thị trường phát điện cạnh tranh; cấp độ 2 (2015-2022) hình thành thị trường bán buôn điện cạnh tranh; cấp độ 3 (sau năm 2022) hình thành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.
Về cơ bản, việc từng bước hình thành thị trường điện cạnh tranh nhằm xóa bỏ bao cấp trong ngành điện, tăng quyền lựa chọn nhà cung cấp điện cho khách hàng, thu hút đầu tư vào các dự án điện để giảm đầu tư của nhà nước, giảm áp lực tăng giá điện …
Tuy nhiên qua trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn hôm nay, ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, cho rằng đến sau năm 2022 mới hoàn chỉnh thị trường điện cạnh tranh là hơi chậm.
Theo ông Ngãi, với nhu cầu phát triển ngành điện như hiện nay, để sớm xóa bao cấp cần phải rút ngắn lộ trình, lẽ ra đến năm 2015-2017 đạt đến cấp độ thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, thị trường cạnh tranh đúng nghĩa, đơn vị nào bán điện rẻ sẽ có người mua...
Thị trường phát điện cạnh tranh đã vận hành từ đầu tháng 7-2012. Theo các chuyên gia, một trong những điều kiện để tạo ra tính cạnh tranh thực sự của thị trường điện là khả năng cung cấp phải lớn hơn tiêu thụ, tức nguồn cung điện phải luôn lớn hơn nhu cầu, mà Việt Nam chưa đạt được điều này.
Hiện nay thủy điện chiếm trên dưới 40% trong cơ cấu phát điện, trong đó những dự án thủy điện lớn đều do Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) nắm giữ, còn các công ty tư nhân chỉ làm các dự án thủy điện vừa và nhỏ.
Nếu vận hành thị trường điện cạnh tranh, các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ sẽ không thể cạnh tranh với các dự án điện lớn của EVN mà chỉ có thể cạnh tranh với các dự án điện chạy than, chạy dầu diesel, turbin khí. Còn các dự án điện chạy than, chạy dầu diesel, turbin khí sẽ rơi vào thế khó tìm đầu ra bởi giá thành ngày càng tăng cao.
Dự thảo quyết định được Bộ Công Thương đưa ra lấy ý kiến cũng đưa ra thời điểm thị trường bán lẻ điện cạnh tranh hoàn chỉnh là sau năm 2024. Khi đó, các công ty điện lực sẽ tách độc lập chức năng quản lý, vận hành lưới phân phối và chức năng bán lẻ điện, để hình thành các đơn vị bán lẻ điện và đơn vị quản lý vận hành lưới phân phối.
Điều đáng chú ý trong dự thảo này là trong giai đoạn 2016-2022, một số điều kiện để hình thành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh là: đơn vị vận hành hệ thống điện và đơn vị điều hành giao dịch thị trường được tách ra độc lập, không có mâu thuẫn lợi ích với các đơn vị tham gia thị trường điện.
(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com