![]() |
Sử dụng Thái Dương năng là một biện pháp tiết kiệm năng lượng hiệu quả |
Nền kinh tế đang phục hồi và tăng trưởng trở lại, đòi hỏi nhu cầu điện lớn. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 6,5%, nhu cầu điện của cả nước dự kiến tăng khoảng 13 - 15%. Tuy nhiên, theo dự báo, trong những tháng tới, cung - cầu điện có thể mất cân đối từ 2 - 5% sản lượng do hạn hạn kéo dài.
Phương án cắt điện luân phiên đã phải tính đến. Tuy nhiên, giải pháp tối ưu vẫn là tiết kiệm và sử dụng năng lượng hiệu quả. Bên cạnh đó cũng cần thay đổi ý thức của người sử dụng điện.
Tiết kiệm năng lượng là giải pháp hàng đầu
Ông Nguyễn Bắc Sơn – Giám đốc marketing Cty cổ phần Bóng đèn Điện Quang cho biết, hướng đến mục tiêu sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, ngay từ năm 2000 Cty Điện Quang đã có chiến lược đầu tư thay đổi về công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất đối với những sản phẩm tiết kiệm điện. Trải qua chặng đường phát triển từ công nghệ sản xuất thủ công đến bán tự động rồi tự động - điện tử, Điện Quang luôn tích cực đáp ứng nhu cầu nâng cao công nghệ, tiết kiệm năng lượng trong sản xuất, bảo vệ môi trường - mà công nghệ thu hồi nhiệt thải của lò thuỷ tinh - nhằm sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong hệ thống các lò thuỷ tinh của Công ty là minh chứng xác thực nhất. Trong quá trình nấu chảy thuỷ tinh, khí thải thoát ra khỏi bể nấu ở nhiệt độ 1.5000C. Các lò thuỷ tinh của Điện Quang với công suất 24 tấn/ngày được xem là hiện đại nhất Đông Nam Á, là sự chuyển giao công nghệ của tập đoàn NEC Nhật Bản. Toàn bộ khí thải của bể nấu thuỷ tinh được thu hồi và cung cấp lại cho quá trình nấu chảy thuỷ tinh. Trong công nghệ sản xuất bóng đèn, thuỷ tinh chiếm tới 30% giá thành sản phẩm. Việc thu hồi nhiệt thải của lò nấu thuỷ tinh đã tiết kiệm 30 đến 35% nhiên liệu đốt, tương đương 3.000 lít dầu FO mỗi ngày, góp phần hạ giá thành, tăng khả năng cạnh tranh, giảm phát thải khí nhà kính, đạt chuẩn “hệ thống xanh và sạch, thân thiện với môi trường”.
Ông Nguyễn Văn Thường - Phó tổng giám đốc Cty cổ phần Nhựa Rạng Đông, cho biết: Tổng chi phí năng lượng của các nhà máy trong Cty là hơn 5 tỷ đồng, bao gồm điện chạy máy, thắp sáng và chi phí dầu DO, FO đốt lò. Với mức giá các loại nhiên liệu như hiện nay, chi phí năng lượng tăng cao, chiếm 2% giá thành các sản phẩm của Rạng Đông. Để tiết kiệm năng lượng, doanh nghiệp có thể thực hiện song song giải pháp kỹ thuật và giải pháp quản lý. Kinh nghiệm ở Rạng Đông là hàng tháng, phòng kế toán đều có thống kê chi tiết chi phí cho từng chủng loại sản phẩm, để có mức thưởng - phạt chính xác. Cty cũng đã thay các thiết bị cũ kỹ, lạc hậu như thay lò hơi bằng lò dầu DO... giúp giảm 40% lượng dầu DO dùng đốt lò. Giá một lò dầu cùng các thiết bị đi kèm hiện khoảng 1,5 tỷ đồng nhưng có thể tiết kiệm khoảng 500 triệu đồng mỗi sáu tháng và chỉ cần một năm rưỡi là doanh nghiệp có thể hoàn vốn đầu tư thiết bị. Còn đối với các thiết bị chạy bằng điện, Cty đã thay các môtơ xoay chiều, một chiều thành các môtơ biến tần với giá 500-600 triệu đồng/cái, song tiết kiệm khoảng 30% điện năng tiêu thụ. Bên cạnh đó, Cty còn thay mái tôn thường bằng tôn lấy sáng cho các nhà máy để tận dụng ánh sáng tự nhiên. Từ đó số lượng đèn dùng để thắp sáng giảm 40%. Không chỉ ở Rạng Đông, giải pháp đơn giản này cũng đang được nhiều DN lựa chọn. Năm 2009 năng lượng các đơn vị công nghiệp và tòa nhà tham gia các dự án của Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn Hà Nội đã tiết kiệm là 7,8 triệu kWh điện, 2.300 tấn than, 38.000 lít dầu. Trong đó, năng lượng tiết kiệm tại các tòa nhà ước tính khoảng 2,5 triệu kWh điện, tương đương 32 tỷ đồng/năm.
Thay đổi phương thức quản lý năng lượng
Việt Nam đang đứng trước thách thức lớn về bài toán cân bằng năng lượng với nhu cầu tiêu thụ tăng trưởng đều đặn ở mức hai con số mỗi năm. Trong khi đó, việc thăm dò, khai thác các nguồn năng lượng mới, tái tạo còn rất hạn chế. Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng bài toán khả thi nhất vẫn là việc tiết kiệm và sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng hiện tại. Tuy nhiên, hiệu quả của việc triển khai các giải pháp tiết kiệm điện vẫn còn nhiều hạn chế. Kết quả và tỷ lệ tiết kiệm năng lượng thời gian qua cho thấy hiệu suất sử dụng năng lượng của nền kinh tế vẫn còn quá thấp. Năm 2009, để GDP tăng khoảng 5% cần tới mức tăng sản lượng điện sản xuất lên đến trên 13,5%.
Trong thời gian tới, để sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, nhiều giải pháp sẽ được các cơ quan thực hiện quyết liệt hơn như: thí điểm dán nhãn tiết kiệm năng lượng cho các sản phẩm bình đun nước nóng, quạt điện, bóng đèn compacts, điều hòa không khí và tủ lạnh... Các cơ quan quản lý sẽ tiến hành xây dựng và từng bước giới thiệu tiêu chuẩn hệ thống quản lý năng lượng trong DN, nhằm phục vụ mục tiêu áp dụng trong toàn bộ các DN tiêu thụ năng lượng trọng điểm. Qua đó góp phần thay đổi cơ bản ý thức và phương thức quản lý năng lượng tại các DN.
(Theo Thúy Oanh // Diễn đàn doanh nghiệp)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com