Thuỷ điện Sơn La được khởi công xây dựng ngày 2.12.2005 tại xã Ít Ong, Mường La (Sơn La). Việc ngăn chặn dòng sông Đà để tạo lập hồ tích nước cho công trình này ảnh hưởng đến nhiều khu dân cư ven bờ thuộc các tỉnh Lai Châu, Sơn La, Điện Biên.
![]() |
Đập thuỷ điện Sơn La đang chờ ngày tích nước. Ảnh: Vũ Duy |
Dòng sông Đà nổi tiếng là hung hãn, nhưng vào mùa tháng tư cũng chỉ là một vệt nước nhỏ chìm khuất trong một khung cảnh rộng lớn của núi rừng. Công trình thuỷ điện Sơn La, tại đập ở Mường La cũng đang gấp rút thi công để nút dòng chảy. Con đập cao 192m dài 300m nối hai bờ sông Đà đã hoàn tất. Câu chuyện thời sự của ba tỉnh Tây Bắc trong những ngày này là tiến độ di dời những hộ dân cuối cùng khỏi khu vực lòng hồ sông Đà để tích nước chuẩn bị phát điện vào cuối năm nay.
Nước dâng từ từ theo tiến độ
Ông Lê Văn Nam, phó phòng kỹ thuật ban điều hành tổng thầu dự án thuỷ điện Sơn La, cho biết hồ chứa nước thuỷ điện Sơn La rộng 44.000km2, có dung tích 9,26 tỉ m3 nước, mực nước dâng bình thường là 215m (mực nước chết là 175m). Thời hạn cuối cùng là 15.4.2010 tất cả các hộ dân đang sinh sống dưới cao trình quy định phải di dời. Sau khi chính quyền địa phương bàn giao mặt bằng, các chiến sĩ thuộc binh đoàn Trường Sơn sẽ tiếp tục nhiệm vụ đánh mìn san phẳng địa hình và dọn dẹp các công trình kiên cố, làm vệ sinh sạch sẽ lòng hồ để bàn giao cho nhà máy thuỷ điện.
Công việc đóng cống dẫn dòng sẽ được thực hiện vào ngày 8.5. Đây là công đoạn trước khi tiến hành tích nước. Khi đóng cống dẫn dòng nước vẫn chảy qua 12 lỗ xả sâu của đập tràn. Vào mùa này, nước sông Đà ở mức khá thấp, do đó, việc tích nước phải tính toán rất kỹ lưỡng, dựa vào việc dự báo lưu lượng nước, lưu lượng nước hiện có để vừa đảm bảo cung cấp nước cho hồ thuỷ điện Hoà Bình dưới hạ lưu cách đó hơn 200km.
Sẽ có khoảng 23.333ha đất bị ngập, số hộ vùng bị ngập đến tái định cư trên địa bàn ba tỉnh, 21 vùng thuộc 21 huyện, thị xã với 111 khu gồm 270 điểm. Số dân dự kiến phải di chuyển đến năm 2010 là 18.897 hộ, 91.100 khẩu thuộc tám huyện, thị xã. Cũng như tại thị xã Mường Lay tỉnh Điện Biên, có hàng chục ngàn hộ dân phải di dời khỏi cao trình dưới cốt 195 thì tại Sơn La có ba huyện: Thuận Châu, Mường La, Quỳnh Nhai nằm trong vùng ngập. Với diện tích vùng ngập 16.000ha, tỉnh Sơn La phải di chuyển khoảng 12.500 hộ dân, thuộc 17 xã, 145 bản. Trong đó, huyện Quỳnh Nhai được xem là tâm điểm vùng ngập với 10.000ha bám theo chiều dài con sông Đà, sẽ chìm sâu trong nước. Theo quy định, tất cả các hộ dân phải di chuyển lên trên độ cao 195m so với mặt nước biển. |
Với tiến độ di dời dân hiện nay, nhà thầu cho biết, dự kiến từ 15.7 đến 25.8 công việc tích nước sẽ được tiến hành để đạt mức 172m. Nước sông Đà sẽ bị chặn tại đập ở Mường La và dâng từ từ lên về phía thượng nguồn. Nhà máy thuỷ điện chủ động điều khiển tốc độ và cao trình nước ngập thông qua việc điều tiết van cống để vừa giữ cho đủ nước phục vụ thuỷ điện Hoà Bình và cung cấp nước cho phía hạ lưu.
Tiếp theo đó từ 25.8 đến 25.11 tiếp tục tích nước đạt độ cao 190m. Ở mức nước này đã đủ để nhà máy phát điện tổ máy số 1 vào 25.12.2010. Theo thiết kế, nhà máy thuỷ điện Sơn La có sáu tổ máy, để hoạt động toàn bộ công suất, mức nước phải đạt cao trình 215m.
Một trong năm bậc thuỷ điện sông Đà
Sông Đà bắt nguồn từ vùng núi Nguỵ Sơn – Vân Nam (Trung Quốc) vào địa phận Việt Nam tại huyện Mường Tè (tỉnh Lai Châu) rồi chảy theo hướng tây bắc – đông nam qua các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Hoà Bình, Phú Thọ trước khi hợp lưu với sông Hồng. Sông Đà là nhánh sông lớn nhất trong ba nhánh lớn (Đà, Thao và Lô Gâm) thuộc hệ thống sông Hồng. Có tổng chiều dài (tính từ đầu nguồn Nguỵ Sơn bên Trung Quốc đến Trung Hà tỉnh Phú Thọ, chỗ sông Đà hợp lưu với sông Hồng), là khoảng 980km; trong đó phần sông chảy trên lãnh thổ nước ta dài hơn 540km. Theo những tài liệu nghiên cứu đo đạc thuỷ văn và khí tượng gần 100 năm trở lại đây cho thấy, nguồn nước sông Đà rất phong phú. Nó cung cấp gần 50% tổng lưu lượng dòng chảy của sông Hồng.
Theo quy hoạch, trên vùng thượng lưu sông Đà sẽ có năm bậc thang thuỷ điện (hai nhà máy thuỷ điện khác là Bản Chát và Huội Quảng nằm trên sông Nậm Mu – một nhánh của sông Đà). Như vậy, cùng với thuỷ điện Hoà Bình công suất 1.920MW, thuỷ điện Lai Châu công suất 1.200MW, thuỷ điện Sơn La công suất 2.400MW là bậc thang giữa trên cùng dòng chính sông Đà. Theo dự kiến cuối năm 2010, khi tổ máy số 1 của thuỷ điện Sơn La vào vận hành thì thuỷ điện Lai Châu được khởi công. Theo tập đoàn Điện lực Việt Nam, thuỷ điện Lai Châu sẽ phát điện tổ máy số 1 vào năm 2015 và hoàn tất công trình vào năm 2017.
(Theo Vũ Duy – Duy Thông // SGTT Online)
Những mốc thời gian – 29.6.2001: Quốc hội ra nghị quyết về chủ trương xây dựng nhà máy thuỷ điện Sơn La. – 15.1.2004: Chính phủ phê duyệt dự án đầu tư xây dựng nhà máy thuỷ điện Sơn La. Công suất lắp máy 2.400MW, sản lượng điện bình quân hàng năm 9,5 tỉ kWh; tổng mức đầu tư 37.000 tỉ đồng (trong đó chi phí đền bù di dân, tái định cư là 10.300 tỉ đồng). – 15.3.2004: kênh dẫn dòng, hạng mục quan trọng có tính chất quyết định đến tiến độ công trình, được thi công. – 13.11.2005: tổng công ty Sông Đà cho nổ mìn, phá đê quai để đưa nước sông Đà vào kênh dẫn dòng. – 2.12.2005: chính thức khởi công xây dựng nhà máy thuỷ điện Sơn La. – 15.4.2010 là thời điểm cuối cùng toàn bộ những hộ dân phải rời khỏi khu vực lòng hồ. – 15.7.2010: dự kiến bắt đầu đóng cống tích nước cho hồ thuỷ điện Sơn La. – 25.12.2010: dự kiến tổ máy số 1 thuỷ điện Sơn La bắt đầu phát điện. |
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com