Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Thuỷ điện Sơn La trước ngày tích nước - Mường Lay – thị xã dưới lòng hồ

Chúng tôi đến thị xã Mường Lay vào đúng buổi trưa ngày 14.4, một ngày trước thời điểm phải di dời toàn bộ các hộ dân cuối cùng của thị xã. Nếu không có những băng rôn đỏ ngang dọc các khu phố với dòng chữ: “Quyết tâm hoàn thành công tác di dân dưới cos 195m (so với mặt nước biển – PV) trước ngày 15.4” và “Vì dòng điện quốc gia, vì quyền lợi của mỗi người dân hãy tích cực di dời tái định cư” thì người nơi xa mới đến dễ nhầm tưởng nơi đây đang xảy ra cuộc tàn phá nhà ở, đô thị đang độ khủng khiếp.

Khẩn trương tháo dỡ

Từng ngôi nhà bị giật đổ ầm ầm trong tiếng loa phóng thanh oang oang hối thúc.Dọc các con phố của thị xã Mường Lay, các phương tiện vận chuyển lặc lè chở những đồ đạc, máy móc… tranh nhau chen lấn khiến nhiều đoạn đường tắc nghẽn. Những người dân hối hả khuân vác đồ gia dụng lên xe tải của lực lượng giúp di dân của tỉnh. Thấp thoáng trong làn bụi, có những sắc áo của những người dân tộc Mông, Dao đang khuân vác đồ đạc cũ. Một người dân ở chợ Mường Lay cho chúng tôi biết, những người dân này ở các bản làng trên núi xuống giúp việc và “mót” những gì mà người dân thị xã không mang đi.

Đứng trước đống kèo nhà gỗ ngổn ngang vừa được lực lượng dân quân tháo dỡ, ông Đỗ Văn Chinh, ngụ tại phường Sông Đà, thị xã Mường Lay (tỉnh Điện Biên) rưng rưng nước mắt: “Biết là trước sau rồi cũng phải dời đi, nhưng giờ phút này vợ chồng tôi chẳng muốn bước chân. Đêm qua, bà nhà tôi cứ khóc mãi. Hơn ba mươi năm chúng tôi đã tốn bao công sức, đổ bao mồ hôi để gây dựng…”

Trước đó, vợ chồng ông đã tham gia bốc thăm chỗ ở mới cách nơi ở cũ chừng 2km. Đêm 13.4, cả gia đình ông không ai ngủ được vì lo lắng chỗ ở mới mọi thứ hầu như chưa có gì. Sáng 14.4, sau khi thắp hương vái tạ thổ công, thổ địa đã phù hộ độ trì cho gia đình ông sinh sống trên mảnh đất này, ông Chinh cùng vợ con ra chặt những cây trồng sau nhà gom lại thành đống rồi khi các lực lượng đến hỗ trợ, gia đình ông cùng vào cuộc hối hả tháo dỡ nhà ở.

Khác với gia đình ông Chinh, gia đình Nguyễn Đức Mong ở tổ 11, phường Na Lay thì “bình chân như vại”, mặc kệ hàng xóm ầm ầm thúc xà beng, phang búa tạ. Khoảng 1 giờ chiều, vợ chồng Mong và hai đứa con vẫn thong thả ăn cơm với chai rượu định mời khách. Theo Mong, gia đình họ sẽ ra đi cuối cùng ở khu phố trung tâm này vì phải làm kem, ướp nước đá để kinh doanh và thu mua sắt vụn từ những ngôi nhà đang đập phá. “Tôi vừa xuất một xe tải sắt vụn đi Lai Châu sáng nay và hiện giờ vẫn đang tiếp tục thu mua phế liệu”, Mong nói.

Lưu luyến đất xưa

Đứng trước khu chợ trung tâm, nơi sầm uất đông vui nhất của thị xã Mường Lay, chúng tôi gặp những tiểu thương ngơ ngẩn nhìn những gian hàng đã được tháo dỡ. Bà Sìn Thị Khao, người bán rau quả ở chợ Mường Lay hơn 30 năm nay, cho biết sáng nay là buổi chợ cuối cùng của bà. Mặc dù rau quả đã bán sạch từ 9 giờ sáng, nhưng bà vẫn bỏ cơm trưa chỉ để đứng nhìn người ta tháo dỡ đến những tấm lợp cuối cùng của nhà lồng chợ. Bà Khao nghẹn ngào: “Cả nhà tôi bảy người đều trông vào sạp hàng này, từ mai tôi cũng chưa biết bán hàng ở đâu vì chợ mới chưa xây xong”.

Bên đống đổ nát của chợ trung tâm Mường Lay, có một đám đông người đang xúm xít mua bán trong khói bụi. Đó là gánh hàng hoa duy nhất còn sót lại trong cảnh chợ tan hoang của Hoàng Thị Thảo. “Ngày mai là ngày cuối cùng của thị xã dưới lòng hồ, hầu hết các hộ dân ở đấy đều lập bàn thờ tạ trời đất, nên cần phải có hoa tươi”, Thảo giải thích.

Chúng tôi theo chân đoàn quân của bộ đội biên phòng Điện Biên hành quân vào bản Xá Đán giúp dân tháo dỡ nhà ở. Trưởng bản Hoàng Văn Dương cho hay bản có 170 hộ, từ chiều qua, nhiều gia đình đã mổ lợn gà tế tạ thổ công, trời đất trong tâm trạng đầy lưu luyến. Theo kế hoạch, bản Xá Đán sau khi di dời sẽ được chia ra ở tại ba nơi ở khác nhau. Nhiều gia đình đang là hàng xóm “tối lửa tắt đèn” có nhau nay phải rời xa nên nhiều người bịn rịn, suốt đêm họ hát rồi đi đến từng nhà uống rượu chia tay. Cả đêm bản Xá Đán dường như không ngủ.

Cụ Triệu Văn Phong, 87 tuổi, người cao niên trong bản nói vì việc lớn của tổ quốc nên sẵn sàng nhường lại mảnh đất chôn nhau cắt rốn này cho thuỷ điện. Trước ngày ra đi, cụ bảo đứa cháu nội dẫn đi hết các ngõ ngách trong bản. Cụ còn sai đứa cháu cõng cụ lên núi để nhìn xuống bản, cụ ngắm cả buổi sáng vùng Mường Lay mà không mỏi mắt. Cụ Phong cười, tự hào cho biết cụ đã từng có một thời là du kích chống Pháp tham gia dẫn bộ đội vào giải phóng châu Mường Lay. Nghĩ đến cảnh những bản làng, khu phố sẽ tan biến trong nay mai khiến cụ xúc động, nước mắt cứ tự chảy ra. Khi bộ đội biên phòng dỡ những tấm đá lợp mái để chuyển xuống xe tải, cụ Phong rưng rưng nước mắt, run run nói: “Làm khẽ thôi các bộ đội nhé, những viên đá này, già lấy từ dòng sông Đà bên Sìn Hồ cách đây sáu mươi năm khi già bằng tuổi các bộ đội đấy”.

(Theo Vũ Duy – Duy Thông // SGTT Online)

Thị xã Mường Lay trước năm 1995 là thị xã tỉnh lỵ của tỉnh Lai Châu cũ có tên là thị xã Lai Châu. Năm 2005, Chính phủ tái thành lập thị xã và đổi tên là thị xã Mường Lay trực thuộc tỉnh Điện Biên. Thị xã Mường Lay trước khi di dân có khoảng hơn 3.000 hộ dân, có ba xã phường. Từ 2005, thị xã đã triển khai di dân theo quy hoạch gồm năm điểm tái định cư: khu Đồi Cao dành cho du lịch – dịch vụ cảng; khu Nậm Cản dành cho trường học, lực lượng vũ trang; khu cơ khí dành cho trung tâm thương mại; khu Chi Luông dành cho các cơ quan hành chính sự nghiệp; khu Nay Lưa dành cho khu đô thị mở rộng. Trong số hơn 3.000 hộ dân phải nhường đất cho dự án thuỷ điện Sơn La có 2.100 hộ dân định cư tại chỗ, phần lớn đã được tái định cư từ 2 – 3 năm trước, 700 hộ dân tự nguyện tái định cư tại thành phố Điện Biên Phủ và 451 hộ dân tự nguyện tái định cư tại tỉnh Lai Châu. Chiều qua 15.4, chủ tịch UBND thị xã Mường Lay Nguyễn Thành Phong cho biết đã có 330/434 hộ còn lại đã rời khỏi nơi ở cũ, số kia sẽ di dời trong 1 – 2 ngày tới. Trong ảnh, một người dân rưng rưng nước mắt, lưu luyến mái nhà trên đất cũ.

Ảnh: Vũ Duy

  • Vì sao Việt Nam vẫn phải mua điện từ Trung Quốc?
  • Xăng dầu: Cuộc chơi vẫn của các 'ông lớn'
  • Giá điện sẽ được điều chỉnh từ ngày 1/7?
  • Tổng giám đốc Petrolimex nói gì về “minh bạch xăng dầu”?
  • Sếp Petro Vietnam “chẳng tin” dự án lọc dầu 27 tỷ USD
  • Thuỷ điện Sơn La trước ngày tích nước -Ngổn ngang tái định cư
  • Thuỷ điện Sơn La trước ngày tích nước - Kịch bản nước dâng
  • Nỗ lực hạn chế thiếu điện mùa khô
  • Xuất bến kho nổi chứa dầu lớn nhất Việt Nam
  • Đào - bán và nhập - dự trữ
  • Trung Quốc sẽ tiếp tục là nước nhập khẩu than ròng
  • Tập trung đầu tư phát triển năng lượng tái tạo
  • Cổ đông BP phản đối dự án khai thác dầu cát
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Phân tích ngành than và điện năm 2010
  • Xuất khẩu Dệt May năm 2010 : Mục tiêu 10,5 tỷ USD
  • Năm 2010, xuất khẩu gỗ đạt 3 tỷ USD?
  • Phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD
  • Bàn về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020
  • "Đường đi" của giá vật liệu xây dựng sẽ ra sao?
  • Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ: Cơ hội đã đến
  • Phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam: Bài học đắt giá
  • Giải pháp hợp lý để phát triển khu kinh tế miền trung
  • Ngành gốm sứ: Công nghiệp phát triển, thủ công lu mờ
  • Còn chỗ cho đầu tư bia, nước giải khát
  • Top 15 hãng tàu container