Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Giải mã tư thương Trung Quốc mua gom nông sản

Việc tư thương Trung Quốc vào tận vườn của nông dân Việt Nam mua gom nông sản, tuy nông dân được lợi trước mắt do giá bán cao, nhưng về lâu dài, không cẩn thận lại ăn quả đắng...

Mua gom khắp nơi

Hàng nông sản Việt Nam xuất qua cửa khẩu Cốc Nam (Lạng Sơn) sang Trung Quốc Ảnh: Phạm Anh.

Thời gian gần đây, nhiều tư thương Trung Quốc càn quét từ Nam ra Bắc để thu gom nông sản (tiêu, sắn lát, cao su, thịt, thủy sản…) nhập về nước. Tư thương Trung Quốc gom hàng qua hai kênh, đại lý thu gom của Việt Nam, hoặc trực tiếp đến vườn của nông dân mua, với giá cao hơn tại thị trường nước ta. Tư thương của họ lùng các tỉnh Tây Nguyên để mua sắn, tiêu, cà phê; các tỉnh miền Tây Nam bộ mua thịt lợn nái, sữa; duyên hải miền Trung thu gom nguyên liệu thủy sản, miền núi phía Bắc thu mua sắn…

Theo Cục số liệu quốc gia Trung Quốc, trong tháng 5-2011, giá tiêu dùng đã tăng 5,5% so với cùng kì năm ngoái (cao nhất trong vòng 34 tháng trở lại đây), trong đó giá lương thực tăng tới 11,7%. Giá thực phẩm và các mặt hàng khác tăng cao khiến giá sinh hoạt đang trở thành vấn đề nóng bỏng tại quốc gia đông dân nhất thế giới này, nên đây là cơ hội để thương nhân Trung Quốc sang Việt Nam mua nông sản, về bán kiếm lợi nhuận cao.

Ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam cho biết, họ đang lùng mua nguyên liệu sắn lát của mình. Thời gian qua, rất nhiều xe sắn của Việt Nam xuất khẩu qua Trung Quốc theo đường tiểu ngạch, lối mở biên giới. “Tôi từng sang Quảng Đông, đi thăm mấy nhà máy thức ăn chăn nuôi của họ, thấy toàn sắn của ta. Việc họ tìm mua khiến giá sắn nguyên liệu tại nước ta được đẩy lên cao. Trước đây giá sắn chỉ 1.500 - 2.000 đồng/kg, thì nay đã 5.500-6.000 đồng/kg, thậm chí còn hơn. Giá sắn lên cao, giúp nông dân ở miền núi tăng thêm thu nhập, là điều đáng mừng. Tuy nhiên, giá nguyên liệu đang cao, sẽ đẩy giá thức ăn chăn nuôi lên cao, từ đó tác động dây chuyền đến giá thực phẩm, cuối cùng người tiêu dùng mình chịu”, ông Lịch nói.

Còn theo ông Hoàng Kim Giao, Cục trưởng Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), vừa rồi giá thực phẩm ở Trung Quốc lên rất cao, nên tư thương họ sang ta lùng sục mua. “Cái này không thể kiểm soát được, vì họ vào mua tự do dọc biên giới. Cho nên, cuối tuần trước, đầu tuần vừa rồi, giá thịt ở Quảng Ninh rất cao, có khi lên tới 70-72 nghìn đồng/kg lợn hơi. Thời gian qua, còn có thông tin phía Trung Quốc tuồn lợn kém chất lượng sang bên mình, nhưng nay hiện tượng này không còn nữa”- ông Giao nói.

Lợi và hại

Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Trí Ngọc, Cục trưởng Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết, chúng ta cần phải tỉnh táo để nhận định việc tư thương Trung Quốc vào tận vườn lùng mua nông sản. Thực tế, nước ta sát Trung Quốc, nên xác định đây là thị trường tốt để tiêu thụ nông sản của ta. Và khi họ có nhu cầu, là cơ hội rất tốt cho nông sản Việt Nam, nông dân được lợi. Tuy nhiên, nếu họ thay đổi chích sách, việc tiêu thụ hàng nông sản của Việt Nam gặp rất nhiều rủi ro, và nhiều bài học đã diễn ra với nhiều hàng nông sản của ta như hoa quả, rau, cao su, cà phê, hồ tiêu, vải thiều… “Việc họ mua giá cao có tính tức thời, nó phá vỡ quy hoạch sản xuất của chúng ta, như sắn là một bài học. Khi giá sắn cao lên, thì diện tích cây sắn sẽ lấn những cây trồng khác, mà chủ trương của ta thì không thể phát triển cây sắn một cách tùy tiện được, nhất là quảng canh, dễ dẫn đến phá rừng, lấn đất ruộng, đất mía…, tức là phá vỡ quy hoạch sản xuất. Bài toán trồng - chặt, đã diễn ra ở nhiều địa phương”- ông Ngọc nói.

TS Vũ Đình Ánh - chuyên gia kinh tế cho rằng, việc thương nhân Trung Quốc thu gom các mặt hàng nông sản của Việt Nam để xuất khẩu sẽ tạo ra sự mất cân đối cung cầu cục bộ đối với các mặt hàng. Hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu để phục vụ nhu cầu trong nước nhưng nay đem xuất khẩu sẽ dẫn đến thiếu hụt nguồn cung, có thể kéo giá lương thực, thực phẩm tại thị trường Việt Nam lên cao, khiến việc kiềm chế lạm phát sẽ khó khăn hơn. Còn ở góc độ thị trường, Việt Nam không phải một thị trường lệ thuộc của Trung Quốc, mỗi thị trường đều có đường biên giới của nó. Nhìn theo khía cạnh khác, các nhà thu mua hàng nông sản của Việt Nam cũng phải xem lại vì sao bị thua trên chính sân nhà của mình. “Phải làm rõ việc thu gom này kéo theo sự bất bình đẳng về nghĩa vụ, kéo theo hệ quả xấu, như ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và tạo công ăn việc làm của các doanh nghiệp trong nước. Cần rà soát lại các quy định, nếu họ làm thiệt hại cho Việt Nam, cần phải có hành động.

Còn theo ông Phạm Quang Diệu, chuyên gia phân tích và dự báo Thị trường Việt Nam, đáng ra, đây là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc kiếm lời, đằng này lại để họ chạy sang bên mình thu gom ở hang cùng ngõ hẻm nữa. “Ở đây các doanh nghiệp nên tự trách mình. Các anh cứ nghĩ đi tìm thị trường này nọ, mà không để ý đến thị trường này một cách nghiêm túc. Đến khi có vấn đề thì anh lại đổ lỗi cho thị trường này”.

(Theo Tienphong Online)

  • Hạt tiêu Việt Nam chiếm lĩnh thị trường thế giới
  • Xin đừng đánh mất thế mạnh
  • Người nuôi gà trước nguy cơ phá sản
  • Hiệu quả từ mô hình thanh long ruột đỏ
  • Chăm bò như chăm con
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Phân tích ngành than và điện năm 2010
  • Xuất khẩu Dệt May năm 2010 : Mục tiêu 10,5 tỷ USD
  • Năm 2010, xuất khẩu gỗ đạt 3 tỷ USD?
  • Phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD
  • Bàn về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020
  • "Đường đi" của giá vật liệu xây dựng sẽ ra sao?
  • Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ: Cơ hội đã đến
  • Phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam: Bài học đắt giá
  • Giải pháp hợp lý để phát triển khu kinh tế miền trung
  • Ngành gốm sứ: Công nghiệp phát triển, thủ công lu mờ
  • Còn chỗ cho đầu tư bia, nước giải khát
  • Top 15 hãng tàu container