Trước đây, điều là một trong những loại cây trồng được xem là cây “xóa đói giảm nghèo” nhanh ở Lâm Đồng, nhất là nhà nông ở ba huyện phía nam là Đạ Huoai, Đạ Tẻh và Cát Tiên. Tuy nhiên, trong vài năm gần đây, cây điều không còn là loại cây trồng được nhà nông ưu ái.
Cây điều trong sự so sánh
Tính đến lúc này, diện tích điều của cả tỉnh chỉ còn không đến 16.000ha; trong đó, ba huyện phía nam chiếm cao nhất: Đạ Huoai 6.400ha, Cát Tiên 4.700ha và Đạ Tẻh 2.400ha.
Cây điều có mặt trên đất Lâm Đồng từ trên dưới ba mươi năm qua. Điều đáng nói, những năm đầu mới được đưa về trồng, loại cây này được nhắm đến hai mục đích là phủ xanh đất trống đồi trọc và mang lại lợi ích kinh tế cho nông dân. Có lẽ bởi lý do này nên vấn đề giống cây đã không được chú trọng một cách đúng mức.
Do không được tuyển chọn những giống có chất lượng cao nên qua thời gian, vườn điều ở Lâm Đồng ngày một suy thoái, các loại bệnh phát triển mạnh khiến nhà nông chặt đi thì không đành mà giữ lại cũng không xong.
Nhà nông vùng điều có quyền so sánh và chọn lựa: Vùng đất ba huyện phía nam hiện nay, một hécta lúa cao sản cho thu nhập mỗi năm không dưới 80 triệu đồng; con số này của cây cacao là 100 triệu đồng; một số cây ăn quả: Trên 100 triệu đồng... Vậy, không vì bất kỳ lý do gì để họ giữ lại vườn điều với mỗi năm chỉ mang lại lợi ích kinh tế không quá 15 triệu đồng trên mỗi hécta.
Tại huyện Đam Rông, nếu không kể diện tích điều đã trồng từ sau 1975 thì diện tích điều được trồng từ các chương trình và dự án phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong hơn mười năm qua cũng đã lên đến con số trên 600ha. Tương tự như các huyện phía nam, do không chọn lọc kỹ cây giống nên diện tích điều ở Đam Rông cho đến lúc này cũng chỉ mang lại thu nhập không quá 10 triệu đồng/ha. Trong khi đó, caosu đang là một loại cây trồng mà người dân ở huyện này hướng tới.
Phòng chuyên môn của Sở NNPTNT cho biết: Các loại bệnh trên cây điều đã bùng phát từ nhiều năm qua, cơ quan chức năng đã tìm nhiều biện pháp để cứu chữa vườn cây nhưng hiệu quả mang lại không cao. Thán thư, xì mủ, cháy lá, khô đọt... là những thứ bệnh trên cây điều của Lâm Đồng khó diệt đến tận gốc, khiến cho không chỉ người trồng điều nản lòng, mà ngay cả cơ quan chuyên môn cũng “mệt mỏi”. “Bệnh trên cây điều thì chúng tôi biết rất rõ rồi đấy; nhưng để tìm ra cách chữa trị dứt điểm thì chúng tôi chưa làm được” - một cán bộ chuyên môn của Sở NNPTNT Lâm Đồng thừa nhận.
Kết thúc vai trò lịch sử
Một trong những giải pháp được đưa ra trong mấy năm gần đây là thay thế giống điều cũ bằng các giống điều cao sản, mang lại lợi ích kinh tế cao hơn ở các huyện phía nam, nhưng có lẽ chương trình này vẫn không theo kịp sự phát triển chung về kinh tế cây trồng đang diễn ra tại đây.
Nói rõ hơn, cho dù là điều cao sản nhưng thu nhập chỉ trên dưới vài ba chục triệu đồng trên mỗi hécta thì sự lựa chọn của người nông dân vẫn hướng về các loại cây trồng mang lại lợi nhuận cao hơn như càphê, cacao, caosu, lúa cao sản... Đạ Tẻh - một huyện chỉ có diện tích cây điều thấp nhất trong ba huyện phía nam Lâm Đồng - nhưng cũng đã đưa ra sự lựa chọn: Trong tương lai, trong 2.400ha điều hiện nay của huyện sẽ có 800ha được thay thế bằng các loại cây trồng khác; và ngay cả 1.600ha điều còn lại, không chỉ có cây điều độc canh mà còn có những loại cây trồng khác xen vào.
Cũng giống như Đạ Tẻh, huyện Cát Tiên đã đề ra giải pháp “khắc phục” hiện tượng điều chết hàng loạt hiện nay là sẽ có khoảng 2.000ha trong tổng số 4.500ha điều của huyện được chuyển qua trồng cây cacao, hoặc tỉa thưa trồng xen cây cacao trong vườn điều. Cũng như vậy, huyện Đam Rông đưa ra chiến lược phát triển của mình là toàn bộ 600ha điều hiện có sẽ được thay thế bằng cây caosu.
Ở quy mô cấp tỉnh, chính quyền cũng đã công bố sự lựa chọn hợp lý là phải thay thế ít nhất 2.200ha điều kém chất lượng bằng cây caosu theo chương trình phát triển cây caosu của tỉnh. Bên cạnh đó, một diện tích điều có thể giữ lại, nhưng phải được trồng xen với một số loại cây trồng khác nhằm tăng hiệu quả kinh tế trên cùng một diện tích cây trồng.
Nhìn vào thực trạng cây điều ở Lâm Đồng quả là đáng buồn, nhưng đây là một thực tế cần chấp nhận trong bối cảnh chung của cây điều cả nước. Mới đây, Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) công bố số liệu: Diện tích điều trong cả nước hiện đã giảm 33.000ha so với năm 2005 – hiện chỉ còn không đến 400.000ha - thấp hơn 50.000ha so với quy hoạch phát triển cây điều đến năm 2010 của Bộ NNPTNT. Điều không phải là loại cây trồng chủ lực của tỉnh Lâm Đồng. Do vậy, sự “kết thúc vai trò lịch sử” của một loại cây trồng cũng là điều không quá khó hiểu đối với một vùng đất phù hợp với nhiều loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao và càng không phải là điều quá khó hiểu đối với sự lựa chọn có cơ sở hợp lý của người nông dân Lâm Đồng hiện nay.
(Báo Lao Động)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com