Phân loại hạt điều xuất khẩu tại công ty CPxuất nhập khẩu Ninh Bình (Ninh Bình). |
Cuối những năm 80 của thế kỷ 20, điều là cây trồng để xóa đói, giảm nghèo, để phủ xanh đất trống, đồi trọc. Từ loại "cây bình dân" đến năm 2005, hạt điều xuất khẩu đạt hơn 500 triệu USD, tạo việc làm cho 500 nghìn lao động và năm 2010, dự kiến khoảng một tỷ USD. Hiện nay ngành chế biến hạt điều đang khó khăn, do chưa chú trọng phát triển vùng nguyên liệu và sẽ khó khăn hơn nếu không có giải pháp căn cơ, lâu dài.
Việt Nam đứng đầu thế giới về xuất khẩu hạt điều chế biến. Kim ngạch xuất khẩu không ngừng tăng, năm 2006 đạt 504 triệu USD, năm 2007 đạt 651 triệu USD; đến năm 2009, đạt 850 triệu USD. Năm nay ngành điều đề ra mục tiêu xuất khẩu đạt một tỷ USD.
Xuất khẩu tăng, kéo theo số doanh nghiệp chế biến hạt điều tăng. Từ lúc có vài doanh nghiệp như: Donafoods Ðồng Nai, Lafooco Long An, Tanimex TP Hồ Chí Minh, v.v. đến nay cả nước có 225 doanh nghiệp, với tổng công suất chế biến khoảng 700 nghìn tấn hạt điều nguyên liệu/năm. Trong đó chỉ có 20 doanh nghiệp lớn và bảy doanh nghiệp có nhà máy sản xuất chế biến đạt tiêu chuẩn.
Ðáng báo động là, năng lực chế biến của các doanh nghiệp thì lớn, nhưng tổng sản lượng điều thô cả nước chỉ đáp ứng một phần hai nhu cầu (khoảng 350/700 nghìn tấn). Vì vậy, các doanh nghiệp chế biến điều hiện nay đang ở thời kỳ "đói" nguyên liệu và lệ thuộc vào nguồn hạt điều thô nhập khẩu từ các quốc gia khác như: Bờ Biển Ngà, Kê-ni-a, Cam-pu-chia...
Theo báo cáo của Hiệp hội Ðiều Việt Nam, đến nay các doanh nghiệp chế biến hạt điều đã nhập khẩu 117 nghìn tấn điều nguyên liệu. Từ nay đến cuối năm nhập thêm 100 nghìn tấn, nhưng so với năng lực của các doanh nghiệp chế biến hiện nay thì ngành điều vẫn thiếu 140 nghìn tấn nguyên liệu. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đang cố gắng tìm nguồn điều thô để giữ chân công nhân, nhưng năm nay sản lượng điều thế giới giảm 20%, giá tăng và các nước sản xuất điều thô năm nay cũng chuyển sang chế biến. Hơn nữa vào thời điểm thu mua, các doanh nghiệp không vay được ngoại tệ từ ngân hàng, cho nên nguồn nguyên liệu càng thêm khan hiếm.
Sở dĩ có tình trạng mất cân đối giữa nguồn nguyên liệu và năng lực chế biến là do các doanh nghiệp chế biến phát triển quá nhanh, trong khi việc quy hoạch diện tích trồng và năng suất cây điều tại nước ta những năm gần đây lại giảm mạnh.
Thời điểm vàng son, diện tích điều cả nước đạt gần 450 nghìn ha (2006). Sau 5 năm, diện tích điều giảm mạnh, riêng năm 2009, giảm hơn 50 nghìn ha, đến nay còn khoảng 390 nghìn ha. Theo thống kê của ngành điều, diện tích điều tại nước ta ở mức 350 nghìn ha. Ðáng lo ngại là, bà con nông dân hầu như không tái canh vườn điều khi đã chặt bỏ, thay vào đó họ trồng cây có giá trị kinh tế cao hơn cây điều như: cao-su, tiêu và cà-phê.
Ngoài việc diện tích điều bị thu hẹp, năng suất từ cây điều những năm qua cũng không được cải thiện. Thời điểm cao nhất là năm 2005 - 2006, cây điều đạt năng suất hơn một tấn/ha, nhưng hiện nay chỉ còn 0,86 tấn/ha. Kỹ sư Phạm Văn Nguyên, chuyên gia nghiên cứu cây điều, thuộc Hiệp hội Ðiều Việt Nam cho biết, năng suất chững lại và thấp do cây điều già, thoái hóa.
Lường trước khả năng mất cân đối cung - cầu giữa trồng trọt và chế biến trong ngành điều, năm 2007, Chính phủ có Văn bản số 1661, sau đó là quyết định số 39 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt đề án phát triển cây điều đến năm 2010 hướng đến năm 2020, gồm: Diện tích trồng điều cả nước là 450 nghìn ha điều ở các tỉnh Tây Nguyên, miền trung và Ðông Nam Bộ, trong đó sử dụng 90% là giống cao sản; thực hiện các giải pháp về vốn khuyến nông, đầu tư thâm canh; nâng năng suất đạt 1,4 tấn/ha vào năm 2010 và vùng cao sản đạt hai tấn/ha vào năm 2020; tổng sản lượng điều thô đạt 500 nghìn tấn; giữ nguyên công suất chế biến như hiện nay; đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao về giống cây điều cho nông dân các vùng chuyên canh điều...
Tuy nhiên, đến nay, có lẽ đề án chỉ thành công tại huyện Xuân Lộc, Ðồng Nai, còn nhiều địa phương vẫn chưa quy hoạch đất trồng điều, kinh phí khuyến nông dành cho cây điều thấp, chỉ bằng 1/10, so với cây cà-phê, cây tiêu. Theo Phó Chủ tịch huyện Xuân Lộc Trần Anh Tuấn, toàn bộ 15 nghìn ha điều đã sử dụng 100% giống mới và áp dụng khoa học - kỹ thuật vào các khâu như: Nước tưới, chăm sóc, trừ sâu, bệnh theo hệ thống, cho nên những năm qua vườn điều chuyên canh tại đây đạt hơn hai tấn/ha, gấp đôi bình quân cả nước.
Công tác đầu tư nghiên cứu giống cây điều cũng chưa được các cấp quan tâm đúng mức. Ðến nay, ngoài Viện Khoa học - Kỹ thuật nông nghiệp miền nam, Viện Khoa học - Kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Trung Bộ, Viện Khoa học Nông - Lâm Tây Nguyên, Công ty Donafoods chọn, kiểm tra đúng quy trình kỹ thuật, chất lượng giống điều có thể tin tưởng, nhưng số lượng hạn chế, số doanh nghiệp chế biến hạt điều còn lại chỉ dừng ở thu mua, chế biến, xuất khẩu và thu lợi nhuận, chưa chú ý tái đầu tư vùng nguyên liệu. Do đó, nguồn hạt điều thô trong nước ngày càng thiếu.
Trước tình trạng mất cân đối về nguồn nguyên liệu và năng lực chế biến hạt điều nghiêm trọng, vừa qua Hiệp hội Ðiều Việt Nam thành lập câu lạc bộ gồm 20 doanh nghiệp lớn nhằm chia sẻ thông tin trong lĩnh vực xuất nhập khẩu điều, tạo điều kiện để các doanh nghiệp vừa và nhỏ tận dụng cơ hội tốt hơn. Nhưng về lâu dài, theo Chủ tịch Hiệp hội Ðiều Việt Nam Nguyễn Thái Học, các doanh nghiệp cần có kế hoạch khẩn trương đầu tư sang các nước có khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp cây điều ở nước ta để ổn định nguồn nguyên liệu. Ði đầu trong lĩnh vực này là Công ty Chế biến xuất nhập khẩu nông sản Ðồng Nai. Từ năm 2006, công ty đã hỗ trợ hàng chục nghìn cây giống, tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây điều, với tổng trị giá 500 triệu đồng cho nông dân hai tỉnh Công-pông Chàm và Công-pông Thom (Cam-pu-chia) phát triển vùng điều chuyên canh. Ðến nay, diện tích tại các vùng này đã tăng hơn 100 nghìn ha và bắt đầu cho thu hoạch. Năm 2009, công ty đã nhập về hơn 60 nghìn tấn điều thô, giải quyết một phần tình trạng đói nguyên liệu của doanh nghiệp.
Qua thực tế ngành điều Việt Nam hiện nay cho thấy, việc phát triển "quá nóng" các doanh nghiệp chế biến, trong khi các địa phương chưa chủ động quy hoạch diện tích điều, chưa chú trọng phát triển giống mới, năng suất cao là nguyên nhân cơ bản làm mất cân đối giữa nguồn nguyên liệu và doanh nghiệp chế biến. Mặt khác, việc "ăn xổi" của các doanh nghiệp, chỉ biết chế biến mà không đầu tư trồng trọt làm nguyên liệu càng thiếu hơn.
Ngay cả việc nghiên cứu, chuyển giao giống mới, năng suất cho nông dân cũng còn bất cập. Hiện nay không có kinh phí để nghiên cứu cây điều dài hơi mà chỉ có các nghiên cứu lẻ tẻ, cho nên chưa lai tạo được giống điều có năng suất, chất lượng. Chính sách khuyến nông cho cây điều chưa được Nhà nước, các địa phương quan tâm đúng mức, nông dân ít được hướng dẫn kỹ thuật trồng. Cơ hội vay vốn ngân hàng thấp và nhất là giá cả thu mua bấp bênh khiến nông dân không mặn mà với việc trồng, phát triển cây điều.
Trước thực tế hiện nay, ngành điều nhiều lần kiến nghị Nhà nước cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho người trồng điều như: Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâu dài, cho vay vốn lãi suất ưu đãi để nông dân có khả năng đầu tư cho cây điều. Xét giảm thuế cho các doanh nghiệp chế biến cải tiến công nghệ hoặc đưa cơ sở chế biến về vùng trồng điều tập trung. Hỗ trợ lãi suất vốn vay khi các doanh nghiệp chế biến nhập khẩu, đầu tư phát triển vùng nguyên liệu điều. Ðẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá nâng cao vị thế và sức cạnh tranh của sản phẩm điều Việt Nam trên thị trường quốc tế, đồng thời mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước. Ðầu tư lâu dài cho các chương trình nghiên cứu về cây điều, tăng cường công tác khuyến nông phát triển cây điều tại các địa phương có diện tích thâm canh lớn.
(Bài và ảnh : Lê Thẩm và Lâm Huệ Nữ // Nhandan Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com