Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Thiếu vốn mua điều

Giá điều xuất khẩu cao nhất kể từ đầu năm nhưng nhiều doanh nghiệp không có nguyên liệu chế biến xuất khẩu. Hàng trăm doanh nghiệp điều đang đứng trước nguy cơ ngồi chơi xơi nước những tháng cuối năm.

Những ngày này tại Bình Phước, địa phương được coi là thủ phủ của ngành điều VN, đi đến đâu cũng nghe doanh nghiệp ta thán về tình trạng thiếu vốn, khan hiếm nguyên liệu.

Ăn đong nguyên liệu

Nhiều doanh nghiệp cho biết nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài 2-3 tháng nữa họ khó có thể trụ nổi, buộc phải đóng cửa. Ông Hoàng Mạnh Bình, giám đốc Công ty TNHH Việt Sơn (thị xã Đồng Xoài), cho biết ngày nào cũng có doanh nghiệp chế biến điều xuất khẩu tìm hỏi mua điều thô. Tuy nhiên tất cả phải về tay trắng. “Làm gì còn điều dư mà bán, công ty tôi có đơn hàng xuất khẩu đến tháng 3-2011 trong khi lượng điều dự trữ cũng chỉ đủ để sản xuất đến hết năm nay” - ông Bình nói.

Có điều thô để chế biến tới cuối năm như công ty ông Bình là còn may, vì trước đó công ty cũng xoay xở được nguồn vốn để mua tạm trữ điều ngay từ đầu vụ với giá tương đối thấp. Nhiều công ty không xoay được vốn mua nguyên liệu, đành phải chấp nhận làm gia công cho các công ty khác để đảm bảo công ăn việc làm cho công nhân.

Theo ông Lê Bông - giám đốc Công ty TNHH Thiện Ân, xã Phước Tín, huyện Bù Gia Mập, mỗi năm nhà máy chế biến 5.000-6.000 tấn điều nhưng đến nay chỉ mới mua được khoảng 2.000 tấn điều thô. “Để giữ nhà máy, giữ công nhân năm nay phải nhập hơn 3.000 tấn mới đủ nguyên liệu sản xuất” - ông Bông nói.

Ngoài nguồn cung khan hiếm, giá điều thô tăng cao khiến các doanh nghiệp ít vốn càng thêm khó khăn. Hồi đầu vụ, giá điều thô ở mức 18.000-20.000 đồng/kg thì đến tháng 7 đã tăng lên 24.000 đồng/kg, đến thời điểm này đã tăng lên 30.500 đồng/kg. Giá điều nhập khẩu từ châu Phi hay Ấn Độ ở mức 20.000 đồng/kg, cao hơn 5.000 đồng/kg so với cách đây hai tháng. Nhiều doanh nghiệp đành ngậm ngùi cho công nhân nghỉ việc.

Cần 6.800 tỉ đồng

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Thái Học - chủ tịch Hiệp hội Điều VN (Vinacas) - thừa nhận hiện rất nhiều doanh nghiệp nhỏ ngành điều đang lâm vào tình cảnh thiếu nguyên liệu sản xuất. “Tình hình sẽ còn nghiêm trọng hơn vào quý 4-2010 và quý 1-2011” - ông Học cảnh báo.

Theo Vinacas, dựa vào công suất chế biến các nhà máy hiện nay, ước tính từ nay đến cuối năm ngành điều vẫn còn thiếu khoảng 150.000 tấn nguyên liệu điều thô. Vì vậy theo Vinacas, nếu không giải quyết được bài toán nguyên liệu thì 200 cơ sở chế biến điều cả nước với khoảng 150.000 lao động nhiều nguy cơ thiếu việc làm vào những tháng cuối năm nay và đầu năm tới.

Ông Học cho hay ngoài nguyên nhân giảm sản lượng trong nước do mất mùa và diện tích trồng điều giảm, các doanh nghiệp điều hầu như không thể tiếp cận được nguồn vốn vay ngoại tệ để nhập khẩu điều thô trong những tháng đầu năm nay.

“Ngoại trừ các doanh nghiệp thuộc tốp 20 doanh nghiệp lớn nhất, các doanh nghiệp nhỏ hầu như không vay được vốn tạm trữ nguyên liệu” - ông Học nhấn mạnh. Ngay cả những doanh nghiệp tiếp cận được vốn cũng khó vay được mức lãi suất ưu đãi 12%/năm theo quy định vì phải chi phí nhiều khoản khác trước khi lấy được tiền.

“Hiện giá điều xuất khẩu đang ở mức rất cao, loại W320 (loại VN xuất khẩu nhiều nhất) đã ở mức 6.600 USD/tấn, cao hơn 500 USD/tấn so với cuối năm 2009. Hơn nữa, cuối năm mới là cao điểm xuất khẩu của ngành điều, nếu không đủ nguyên liệu chế biến xuất khẩu là một điều đáng tiếc” - ông Học cho hay.

Để tránh nguy cơ ngồi chơi xơi nước vào cuối năm, Vinacas cho rằng rất cần có sự hỗ trợ từ Chính phủ để các doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn với lãi suất thấp. Theo tính toán của Vinacas, số tiền cần để mua hết lượng điều trong nước và nhập khẩu đủ sản xuất vào khoảng 6.800 tỉ đồng.

(Tuổi trẻ)

  • Hạt tiêu Việt Nam chiếm lĩnh thị trường thế giới
  • Xin đừng đánh mất thế mạnh
  • Người nuôi gà trước nguy cơ phá sản
  • Hiệu quả từ mô hình thanh long ruột đỏ
  • Chăm bò như chăm con
  • Nông sản VN chưa biết tiếp thị
  • Điều nhân tăng giá, thiếu nguyên liệu chế biến
  • Giảm diện tích trồng điều ở Bình Phước: Báo động “đỏ”
  • Không nên bán tháo hạt tiêu
  • Algeri chuộng nông sản Việt Nam
  • Thị trường đang có lợi cho xuất khẩu nông sản
  • Nông sản lên giá, ai hưởng lợi?
  • Giá nông sản dưới sức ép đầu cơ tài chính
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Phân tích ngành than và điện năm 2010
  • Xuất khẩu Dệt May năm 2010 : Mục tiêu 10,5 tỷ USD
  • Năm 2010, xuất khẩu gỗ đạt 3 tỷ USD?
  • Phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD
  • Bàn về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020
  • "Đường đi" của giá vật liệu xây dựng sẽ ra sao?
  • Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ: Cơ hội đã đến
  • Phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam: Bài học đắt giá
  • Giải pháp hợp lý để phát triển khu kinh tế miền trung
  • Ngành gốm sứ: Công nghiệp phát triển, thủ công lu mờ
  • Còn chỗ cho đầu tư bia, nước giải khát
  • Top 15 hãng tàu container