“Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu gạo đứng thứ hai thế giới là nhờ bước tiến từ nền nông nghiệp tự cung tự cấp sang nền nông nghiệp hàng hóa. Tuy nhiên, nền nông nghiệp VN vẫn chưa thực sự phát huy hết thế mạnh của mình”.
Đó là ý kiến của PGS.TS Nguyễn Văn Nam, Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu thương mại, Bộ Công thương góp ý về những hình thức kinh doanh trong nông nghiệp.
Sang Thái Lan xách tay bưởi Năm Roi về VN!
Hiện nay, VN tồn tại nhiều hình thức kinh doanh trong nông nghiệp như: kinh tế hộ, trang trại hợp tác xã và gần đây là sự tham gia của các công ty hay doanh nghiệp vào lĩnh vực này.
Một thực tế là VN có nhiều thế mạnh về các sản phẩm nông nghiệp nhưng lại không biết cách biến thế mạnh đó thành “tiền”, tức là chưa biết kinh doanh có hiệu quả và làm giàu cho người nông dân.
Một ví dụ điển hình là Thái Lan, nhập khẩu khá nhiều sản phẩm hoa quả của VN như bưởi, nho, xoài,…và thu được lợi nhuận rất lớn. Nhưng nghịch lý là nhiều người dân VN sang Thái Lan, ăn bưởi Năm Doi nhưng lại nghĩ đó là hoa quả Thái, và vì vậy, không ít người vẫn xách tay hoa quả của VN về nước.
Điều đó cho thấy, khâu kinh doanh, tiếp thị sản phẩm trong nông sản yếu chứ không phải do không có sản phẩm nông sản ngon.
Điểm yếu thứ 2 trong sản xuất kinh doanh nông nghiệp của VN, chính là việc chưa phát triển công nghiệp chế biến, do đó việc xuất khẩu các sản phẩm thô không đem lại được giá trị kinh tế cao.
Một bài học được ông Nam dẫn ra là khi người nông dân trồng mía lãi một, thì khi đưa vào chế biến tại nhà máy đường có thể lãi mười và từ đường chế biến thành các sản phẩm sau đường thì còn lãi gấp mười nữa. Như vậy, so với cây mía ban đầu của người nông dân, giá trị đã tăng gấp 100 lần.
Ngoài ra, do nông nghiệp VN vẫn chưa ứng dụng nhiều thành tựu khoa học công nghệ, do vậy, chưa lai tạo và sản xuất ra nhiều loại hoa quả mới cho năng suất, chất lượng cao. Vì vậy, khả năng thu lại lợi nhuận cao cho người nông dân rất hạn chế.
Nếu để DNNN kinh doanh sẽ ít lãi hơn
Một trong những vấn đề hạn chế kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp hiện nay là các mô hình kinh tế chưa thực sự phù hợp.
Theo ông Nam, ở VN hiện nay, hình thức kinh tế hộ gia đình phát triển với quy mô nhỏ lẻ vẫn là chủ yếu. Và nếu tiếp tục phát triển hình thức này thì nông nghiệp không thể phát triển được. Vì người nông dân chỉ giỏi sản xuất, còn năng lực kinh doanh lại rất yếu kém, không biết quảng bá sản phẩm, cũng không biết thị trường nào là phù hợp với sản phẩm của mình.
Còn hình thức Hợp tác xã (HTX) thì chưa có một mô hinhd HTX đúng nghĩa. HTX ở VN vẫn bị ảnh hưởng bởi tư duy HTX XHCN, nên HTX không để kinh doanh mà thực hiện việc lấy “người nọ bỏ người kia”, lấy “người khỏe kéo người yếu”, chính tư duy ấy đã làm HTX không phát triển được.
Hiện nay hình thức doanh nghiệp hay công ty mới bắt đầu, nhưng nếu biết cách tổ chức, quản lý, đây sẽ là mô hình tốt để kinh doanh trong nông nghiệp. Tuy nhiên, cái hạn chế là việc định hướng DNNN đóng vai trò chủ đạo. Thực tế, DNNN đã đến giai đoạn lỗi thời, cụ thể là hình thức kinh doanh nông - lâm trường đã lạc hậu, không còn tạo ra giá trị sản xuất lớn.
“DNNN chỉ có thể thay mặt nhà nước để xử lý những tình huống do biến động thị trường, mất mùa, tăng giá, chứ không nên đứng ra kinh doanh thay doanh nghiệp. Với một số tiền nếu giao cho một DN tư nhân giỏi thì còn lãi cao hơn giao cho DNNN vì DNNN sử dụng tiền của nhà nước nên qua nhiều khâu trung gian, dẫn đến “ăn bớt ăn xén nhiều” và chắc chắn hiệu quả sẽ giảm đi”, ông Nam nhấn mạnh.
(bee)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com