Tại nhiều nơi ĐBSCL giá lúa đang tăng ở mức khá cao, đạt 4.500-5.000 đồng/kg (so với mức 3.200-3.500 đồng/kg hai tháng trước đó). Thế nhưng hiện cũng là thời điểm lúa trong dân không còn. Tình trạng này cũng xảy ra với nhiều loại nông sản khác như hồ tiêu, cà phê... Nông dân - những người trực tiếp sản xuất - đã không thật sự hưởng lợi từ việc tăng giá.
Chưa đầy nửa tháng qua, do giá lúa gạo thế giới tăng, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đã hai lần nâng giá sàn xuất khẩu gạo thêm khoảng 50 USD/tấn, đưa giá lúa gạo trong nước tăng nhanh.
Vừa phun thuốc trừ bệnh đạo ôn xong mấy công lúa vụ thu đông, ông Huỳnh Văn Đức, ấp Bắc A, xã Điềm Hy, huyện Châu Thành, Tiền Giang, thở dài: “Giá lúa đang lên, hi vọng vụ này trúng mùa kiếm lãi chứ vụ trước coi như làm không công”.
“Tiếc đứt ruột...”
Có lẽ ông Đức là người may mắn nhất ấp Bắc A khi tuần trước giá lúa lên 4.000 đồng/kg ông vẫn còn vài tấn lúa để bán. Hiện giá lúa lên đến 4.500 đồng/kg nhưng hầu hết người dân đều bán lúa từ đầu vụ thu hoạch với giá chỉ 3.200-3.400 đồng/kg.
Ông Võ Văn Thanh, xã Điềm Hy, cho biết: “Vụ hè thu vừa qua tôi thu hoạch được hơn 8 tấn nhưng kho trữ lúa không có, trong khi đại lý phân bón, thuốc trừ sâu đến xiết nợ nên giá rẻ mấy cũng phải bán”. Theo tính toán của ông Thanh, với giá bán 3.200 đồng/kg lúa, trừ chi phí vật tư vụ lúa vừa qua thì chỉ còn huề vốn. Tương tự, bà Trần Thị Liêm, xã Tân Phú, huyện Cai Lậy, Tiền Giang, tiếc rẻ: “Mấy ngày qua giá lúa lên ào ào, chúng tôi tiếc đứt ruột, giá như có vốn, có kho chứa, nắm chắc được thông tin thì nông dân chúng tôi đâu đến nỗi thiệt thòi như vậy”.
Không chỉ người trồng lúa Tiền Giang, nhiều nơi khác ở ĐBSCL cũng trong tình cảnh tương tự: khi giá lúa lên cao cũng là thời điểm lúa hàng hóa trong dân đã hết.
Trước đó, vào cuối tháng 6-2010 khi thu hoạch rộ vụ hè thu, giá lúa đã giảm mạnh còn 3.000-3.200 đồng/kg (lúa khô, đủ tiêu chuẩn chế biến gạo xuất khẩu). Trước nguy cơ tồn ứ lúa hè thu, Chính phủ chỉ đạo VFA mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo (tương đương 2 triệu tấn lúa) kể từ ngày 15-7.
Tuy nhiên, quyết định của Thủ tướng cho phép doanh nghiệp mua theo giá thị trường, tự chịu quyết định kinh doanh nên thực tế doanh nghiệp chỉ mua được giá 3.500 đồng/kg. Và trong vòng hai tháng, giá lúa đã tăng trên 1.000 đồng/kg, hiện ở mức 4.400 - 4.500 đồng/kg.
Diễn biến giá xuất khẩu gạo (5% tấm)
Bán giá rẻ để trả nợ
Tương tự hạt lúa, giá tiêu vào đầu vụ (thời điểm tháng 2 và 3-2010) khi thu hoạch rộ chỉ ở mức 37.000-38.000 đồng/kg, nhưng vài tháng gần đây giá tiêu xô tăng vọt, hiện ở mức 75.000-76.000 đồng/kg.
Anh Tuyên ở ấp 5, xã Lộc Tấn, huyện Lộc Ninh, Bình Phước có 5ha tiêu, vụ rồi thu hoạch hơn 13 tấn. Do cần trả nợ vay nóng trước đó, anh phải bán ngay khi vừa thu hoạch xong hồi tháng 2-2010 với giá 38.000 đồng/kg. Tuy nhiên, ngay sau đó giá tiêu tăng vọt, có thời điểm lên tới trên 70.000 đồng/kg.
“Nếu có vốn để trữ tiêu lại, giờ bung ra bán thì tôi giàu to rồi. Do phải bán gấp nên 13 tấn tiêu vụ rồi tôi mất hàng trăm triệu đồng” - anh Tuyên nói.
Tương tự, anh Đức ở ấp Bù Tam, xã Lộc Quang, huyện Lộc Ninh, Bình Phước có 1ha tiêu 6 năm tuổi, vụ vừa qua thu hoạch được hơn 2 tấn. Với giá tiêu 42.000 đồng/kg (thời điểm tháng 3), 1ha tiêu của anh cho thu nhập trên 70 triệu đồng. “Biết rằng vào thời điểm thu hoạch giá thấp nhưng đành phải bán để trang trải chi phí phân bón, thuốc trừ sâu, dầu... đã mua thiếu trước đó” - anh Đức cho biết.
Theo một cán bộ Sở Công thương tỉnh Bình Phước, đầu tư trồng tiêu rất tốn kém, 1ha tiêu chi phí đầu tư không dưới 13 triệu đồng mỗi năm. Do đó phần lớn người trồng tiêu phải vay mượn đầu tư trước nên khi thu hoạch phải bán ngay để trả nợ. “Thậm chí nhiều hộ phải bán tiêu non (bán bông) với giá rẻ hoặc cầm cố tài sản, thế chấp ngân hàng để lấy tiền chăm sóc vườn tiêu” - cán bộ này cho hay.
Không chỉ người dân, bản thân doanh nghiệp xuất khẩu tiêu VN cũng ào ạt bán tiêu từ đầu vụ với giá thấp. Vì vậy hiện nay khi giá tiêu tăng gần gấp đôi so với đầu năm thì không còn tiêu để bán. Theo ông Trần Đức Tụng - chánh văn phòng Hiệp hội Hồ tiêu VN (VPA), tính đến hết tháng 7-2010 VN đã xuất khẩu trên 80.000 tấn, trong khi cả năm nay VN chỉ có 85.000-90.000 tấn hồ tiêu cho xuất khẩu. “Có thể nói đến thời điểm này nguồn tiêu xuất khẩu của VN đã hết” - ông Tụng cho biết.
(Tuổi trẻ)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com