Biến đổi khí hậu, đất nông nghiệp thu hẹp..., hàng loạt thách thức an ninh lương thực toàn cầu đã đặt ra cho Việt Nam sự lựa chọn bức thiết: Đưa vào sản xuất đại trà thực phẩm chuyển gen (GMF) để nâng cao năng suất.
Nhiều lợi ích từ GMF
GMF thực chất là những giống cây trồng được phát triển nhờ vào các công cụ của công nghệ sinh học hiện đại nhằm tạo ra các giống cây trồng có chất lượng cao với những đặc tính đã được cải thiện giúp chúng phát triển tốt hơn, năng suất cao hơn. Năm 2009, thế giới đã có 25 quốc gia sản xuất GMF với diện tích 134 triệu ha, chiếm 9% tổng diện tích đất trồng trên toàn thế giới. Hơn 14 triệu nông dân trên toàn thế giới đã áp dụng trồng GMF và hiện đã cung cấp 77% sản lượng đậu nành, 49% sản lượng bông vải và 26% sản lượng bắp toàn cầu năm 2009.
Ngoài ra, 32 quốc gia và vùng lãnh thổ đã công nhận việc nhập khẩu cây trồng chuyển gen để tiêu thụ và sản xuất. Cây trồng sử dụng công nghệ sinh học đã được thương mại hóa suốt 14 năm qua chưa phát hiện sự cố nào gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Các lợi ích kinh tế mang lại cho nông dân trồng cây GMF chỉ tính riêng năm 2008 ước tính đạt 9,2 tỉ USD nhờ sản lượng tăng và chi phí sản xuất giảm. Dự kiến đến năm 2015, thế giới sẽ có khoảng 40 nước cho phép trồng cây chuyển gen, diện tích lên đến 200 triệu ha, chủ yếu là bắp, đậu tương, bông vải, thuốc lá, cà tím, cà chua, đu đủ...
TS Reynaldo V.Ebora, Giám đốc Viện Sinh học phân tử và công nghệ sinh học quốc gia Philippines, cho biết: “Nông dân Philippines bắt đầu trồng bắp chuyển gen Bt từ năm 2003, đến nay các số liệu tính toán cho thấy năng suất bình quân đạt khá cao, trên 4 tấn/ha. Thu nhập của 1 kg bắp GMF cao hơn so với các giống bắp lai trước đây, những trang trại trồng bắp Bt cho năng suất tăng 37%, lợi nhuận tăng khoảng 10.132 peso/ha, giảm khoảng 60% chi phí thuốc trừ sâu...”.
Ngoài việc chuyển được vào cây trồng gen kháng sâu hại, gen kháng thuốc diệt cỏ, người ta còn chuyển được cả gen đề kháng với một số bệnh do virus, vi khuẩn và nấm gây ra ở cây trồng. Bên cạnh đó là việc chuyển gen chịu lạnh cho các cây lương thực, thực phẩm trồng ở các nước ôn đới, đặc biệt là cho thuốc lá và khoai tây, vốn là những cây ít chịu lạnh. Các nhà nghiên cứu ở Viện Công nghệ khoa học thực vật Thụy Sĩ đã thành công trong việc tạo ra giống lúa "vàng" chứa phong phú beta-caroten (vitamin A) và giống lúa này đã được Quỹ Rockefeller tài trợ để triển khai ở một số nước đang phát triển. Với giống lúa này, người ta hy vọng sẽ cứu được nhiều người trong số 500.000 người bị mù lòa trên thế giới hằng năm.
Việt Nam đang ở đâu?
Là nước sản xuất nông nghiệp chủ yếu nhưng đến nay việc áp dụng đại trà cây trồng GMF vẫn chưa được triển khai tại VN. Hiện nay, chúng ta vẫn phải nhập một lượng lớn đậu nành để nuôi gia súc. Nếu có loại đậu nành GMF kháng sâu thì sẽ không cần phải nhập khẩu nữa, vì khi đó giá đậu trong nước đã rất rẻ. Dự báo đến 2020, sản lượng ngũ cốc VN cần đạt 50 triệu tấn và năm 2050 là 80 triệu tấn. Nếu VN không chấp nhận cây bông GMF thì mãi mãi chúng ta sẽ vẫn phải nhập 95 - 98% nguyên liệu. VN cũng là nước chịu ảnh hưởng biến đổi khí hậu nặng nề nhất. Kịch bản đặt ra khi mực nước biển dâng 1m thì VN sẽ có khoảng 40.000 km2 đất bờ biển bị nhấn chìm, trong đó 38% ĐBSCL nằm dưới biển; xâm mặn đến 71% trong mùa khô; cuộc sống của 20 triệu người bị ảnh hưởng... Để đảm bảo an ninh lương thực, cần một loạt chính sách đầu tư về thủy lợi, giao thông, hạ tầng nông nghiệp... và công nghệ sinh học trong nông nghiệp đóng vai trò cực kỳ quan trọng.
Trước hai lựa chọn hoặc là tự đầu tư nghiên cứu hoặc là mở cửa để công ty đa quốc gia đưa cây trồng GMF vào thử nghiệm sản xuất, VN đã chọn cách thứ nhất dù cách thứ 2 là con đường nhanh hơn. Việc nghiên cứu cây trồng GMF ở nước ta hiện nay chủ yếu trong phòng thí nghiệm và gặp nhiều khó khăn do VN ít kinh nghiệm trong lĩnh vực này, vốn đầu tư thấp.
Trên thế giới, để tạo một giống cây trồng GMF phải mất 8 - 10 năm, tương ứng mất một khoản kinh phí 50 - 100 triệu USD. Với điều kiện nước ta hiện nay, việc tự mày mò để đến với công nghệ sinh học dường như là một sự cố gắng quá sức. Theo ông Dương Hoa Xô, Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM, dự kiến năm 2011 việc nghiên cứu GMF trong phòng thí nghiệm sẽ được hoàn tất và đưa vào thí nghiệm trên diện rộng, sang năm 2012 bắt đầu sản xuất đại trà. Tuy nhiên để đẩy nhanh việc phát triển công nghệ sinh học tại VN, Chính phủ cần phải tháo gỡ những vướng mắc về thủ tục pháp lý, quy trình công nhận các giống GMF, sự phối hợp giữa các bộ... Theo ông Xô, 4 loại cây được sử dụng cho chăn nuôi gồm ngô, đậu nành, khoai mì, khoai tây là những cây mà VN cần áp dụng GMF để tăng năng suất càng nhanh càng tốt.
(Thanh Niên Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com