Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Xuất khẩu nông sản: Nhiều mặt hàng chủ lực gặp khó

Tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm thuỷ sản trong quý I/2010 đạt khoảng 3,65 tỷ USD
Nhu cầu tiêu thụ trên thị trường thế giới chưa thực sự phục hồi cộng với những bất ổn từ nội tại sản xuất khiến cho nhiều mặt hàng nông sản chủ lực lao đao.
 
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm thuỷ  sản trong quý I/2010 đạt khoảng 3,65 tỷ USD, tăng trên 4% so với cùng kỳ năm 2009. Theo lý giải, sở  dĩ đạt được mức tăng này là do giá xuất khẩu tăng ở nhóm hàng nông sản thứ yếu. Trong quý I, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng nông sản chính chỉ đạt 1,9 tỷ USD, giảm 11% so với cùng kỳ 2009.

Nhận định về  tình hình xuất khẩu, một quan chức của Bộ NN&PTNT cho rằng, khó có thể kỳ vọng vào sự tăng trưởng của nhóm hàng nông sản chính trong năm 2010.

Quan chức này cho biết, trong quý I/2010, Việt Nam xuất khẩu được 326.000 tấn cà phê, đạt kim ngạch 466 triệu USD, giảm 24% về lượng và 28% về giá so với cùng kỳ 2009.

Nhiều thị trường nhập khẩu cà phê lớn của Việt Nam như thị trường Đức, Hoa Kỳ, Ý, Tây Ban Nha đều có mức giảm mạnh cả về khối lượng và giá trị, trong đó riêng thị trường Bỉ giảm tới 16% so với cùng kỳ 2009.

Theo Hiệp hội cà  phê ca cao Việt Nam (VICOFA), từ đầu năm đến nay, giá cà phê xuất khẩu đã thấp hơn khoảng 140 USD/tấn so với cùng thời điểm 2009, giá xuất khẩu trong nước (FOB) chỉ đạt 1.100 USD/tấn và tại sàn giao dịch Life (London) chỉ đạt 1.225 USD/tấn (giảm hơn 100 USD/tấn so với trước Tết).

Ông Lương Văn Tự, Chủ tịch VICOFA cho biết, sau khi có thông tin các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu cà phê sẽ mua tạm trữ 200.000 tấn, những ngày cuối tháng 3 giá cà phê đã nhích lên khoảng 1.000 đ/kg (23.500 đ/kg cà phê nhân xô), thị trường thế giới cũng có những chuyển động tích cực. Tuy nhiên, ông Tự cho rằng, khả năng giá cà phê tăng cao trong thời gian tới là rất khó, bởi ngoài nguyên nhân chính là sự thao túng của các nhà đầu cơ quốc tế, còn có lý do khác là sự thiếu chủ động của các DN trong nước.

Đồng quan điểm, một chuyên gia ngành hàng thuộc trung tâm thông tin phát triển nông nghiệp nông thôn (Agroinfo) phân tích, nguyên nhân khiến cho giá cà phê rớt thê thảm (mặc dù mất mùa) xuất phát từ chính phương thức bán hàng giao xa của các DN xuất khẩu cà phê Việt Nam

Theo thống kê, tổng sản lượng cà phê cả nước niên vụ 2010 chỉ đạt khoảng 900.000 tấn (giảm 30% so với vụ trước) cộng với lượng cà phê tồn của năm trước chuyển sang thì xuất khẩu năm 2010 cũng chỉ đạt 900.000 tấn, tuy nhiên, cứ mỗi tấn cà phê xuất khẩu mất khoảng 100 USD, thì kim ngạch xuất khẩu cà phê cả năm chỉ đạt 1 tỷ USD (năm 2009 lượng cà phê xuất khẩu là 1,1 tấn với giá trị kim ngạch đạt 1,8 tỷ USD; năm 2008, xuất khẩu 1 triệu tấn nhưng giá trị kim ngạch đạt tới 2,2 tỷ USD).

“Có nhất thiết phải để cho trên 100 DN tham gia xuất khẩu cà phê hay không, trong khi chỉ riêng 10 DN trong số này đã xuất khẩu trên 50% tổng lượng cà phê xuất khẩu hàng năm?” chuyên gia này đặt câu hỏi và cho rằng, lẽ ra ngay từ khi giá cà phê bắt đầu tụt dốc đầu niên vụ, các DN phải ngừng việc bán ra, song vì cạnh tranh quyết liệt, nên các nhà nhập khẩu đã lợi dụng để ép giá khiến giá cà phê ngày càng rớt mạnh...

Đối với mặt hàng gạo, mặc dù lãnh đạo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) luôn khẳng định triển vọng xuất khẩu năm 2010 là  “rất lạc quan”, tuy nhiên thực tế cho thấy tổng lượng gạo xuất khẩu trong quý I chỉ đạt 1,2 triệu tấn, giảm 30% về lượng và 16,8% về giá trị so với cùng kỳ 2009.

Theo nhận định của Cục trưởng Cục trồng trọt (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Trí Ngọc, khả năng đột phá của gạo là rất khó, bởi giá cả nguyên liệu, vật tư đầu vào tăng cao kéo chi phí sản xuất tăng lên. Diện tích canh tác không tăng, trong khi đó, biến đổi khí hậu kèm thiên tai có thể gây hậu quả nghiêm trọng đến sản xuất, chưa nói đến sự cạnh tranh khốc liệt về thị trường xuất khẩu.

Đối với mặt hàng hồ tiêu, trong tháng 3/2010, giá tiêu xuất khẩu có mức tăng đột biến, giá tiêu đen ở mức 2.800 USD/tấn, tăng 1.000 USD/tấn; giá tiêu trắng ở mức 4.100 USD/tấn, tăng 900 USD/tấn so với cùng kỳ 2009; tuy nhiên sản lượng tiêu năm nay giảm tới 20% so với 2009 (dự kiến tổng sản lượng đạt 90.000 tấn) do diện tích canh tác giảm bởi ảnh hưởng của thời tiết. Mặt khác, hầu hết sản lượng tiêu đã được bán ra trong những tháng cuối năm 2009, nên lượng tiêu còn lại không đáng kể. Vì vậy, nguồn cung và lượng tiêu xuất khẩu năm 2010 sẽ giảm rất mạnh.

“Cũng như một số ngành hàng nông sản khác, do công tác đánh giá thị trường chưa tốt nên ngành hồ tiêu đã bán ra khoảng 50% sản lượng khi giá thị trường ở mức thấp. Đây là điều rất đáng tiếc”, Chánh văn phòng Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam Trần Đức Tụng nói với Đầu tư. Theo ông Tụng, để điều tiết tiến độ mua bán, giảm thiểu rủi ro cho nông dân, nhà nước cần có cơ chế tạm trữ hàng, chờ thời cơ tiêu thụ khi giá tốt. Bên cạnh đó, cần tăng cường đầu tư chế biến tạo ra sản phẩm chất lượng cao để bán vào các thị trường cao cấp. “Hiện tại các nhà máy chế biến tiêu chỉ đạt dưới 50% công suất”, ông Tụng cho biết thêm.

Đối với mặt hàng gỗ xuất khẩu, mặc dù trong quý I/2010 kim ngạch xuất khẩu gỗ đạt 655 triệu USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ 2009, nhưng theo đánh giá của ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó chủ tịch Hiệp hội gỗ lâm sản Việt Nam, khả năng giữ thị phần đối với đồ gỗ là cực kỳ khó khăn, khi đạo luật Leacy chính thức được thực thi.

Được biết, do sự  đối phó chậm trễ của các cơ quan quản lý nhà nước, nên các DN xuất khẩu đồ gỗ không chỉ lúng túng trong việc chứng minh nguyên liệu gỗ hợp pháp, mà ngay cả việc sử dụng hóa chất trong chế biến sản phẩm cũng khá mơ hồ, thậm chí đến nay có DN xuất khẩu vẫn chưa rõ về loại hóa chất nào bị cấm.

Ngay cả việc liên hệ với tổ chức quốc tế cấp chứng chỉ  rừng, đến nay Bộ NN&PTNT vẫn chưa tìm được  đầu mối.

Không thể hoàn toàn  đổ lỗi cho nguyên nhân khách quan là “thị trường diễn biến phức tạp” như lý giải của Bộ  NN&PTNT, mà rõ ràng việc tháo gỡ những bất cập ngay từ nội tại là điều tối quan trọng trong thời điểm hiện nay.

(Theo Việt Hùng // Báo đầu tư)

  • Hạt tiêu Việt Nam chiếm lĩnh thị trường thế giới
  • Xin đừng đánh mất thế mạnh
  • Người nuôi gà trước nguy cơ phá sản
  • Hiệu quả từ mô hình thanh long ruột đỏ
  • Chăm bò như chăm con
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Phân tích ngành than và điện năm 2010
  • Xuất khẩu Dệt May năm 2010 : Mục tiêu 10,5 tỷ USD
  • Năm 2010, xuất khẩu gỗ đạt 3 tỷ USD?
  • Phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD
  • Bàn về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020
  • "Đường đi" của giá vật liệu xây dựng sẽ ra sao?
  • Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ: Cơ hội đã đến
  • Phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam: Bài học đắt giá
  • Giải pháp hợp lý để phát triển khu kinh tế miền trung
  • Ngành gốm sứ: Công nghiệp phát triển, thủ công lu mờ
  • Còn chỗ cho đầu tư bia, nước giải khát
  • Top 15 hãng tàu container