Như DĐDN đã dề cập trong bài viết: “Mục tiêu và thực tế” về những vấn đề liên quan đến ngành công nghiệp ôtô, đến dòng xe du lịch chiến lược… trong đó, một trong những yếu tố quan trọng đối với việc phát triển ngành công nghiệp này xuất phát từ chính khách hàng. Tại sao ?
Một trong những tiêu chí thể hiện được sức mạnh của các tập đoàn ôtô trên thế giới chính là tính định hướng cho người tiêu dùng. Họ nghiên cứu, tìm hiểu và liên tục đưa ra những sản phẩm mà khi đưa ra khách hàng nào cũng muốn dùng, thích được dùng, ao ước được dùng. Còn tại VN ?
Khách hàng bị o bế ?
Cách đây khoảng 5 - 7 năm, khi mà xe nhập khẩu chưa phát triển mạnh như bây giờ. khách hàng ôtô thường có cảm giác bí bách trong một vài mẫu xe, có những mẫu xe thậm chí quá cũ, quá lâu rồi của các liên doanh. Hầu hết khách hàng đều mong muốn được sử dụng những chiếc xe nhập nhưng vấn đề là không đủ tiền, xe nhập khẩu giá quá cao. Bản thân khách hàng thường so sánh cả về mẫu mã lẫn chất lượng của những chiếc xe lắp ráp trong nước với những chiếc xe nhập thường được gọi là “xe xuất Mỹ hay Châu âu”. Có thể nói, nếu như mẫu mã và chất lượng của những chiếc xe nhập đó không tốt hơn xe trong nước thì chả ai dại gì ao ước.
Vào thời kỳ đó, hầu hết các liên doanh lắp ráp xe du lịch trong nước thỉnh thoảng, có khi vài năm mới cho ra đời một mẫu xe mới. Nói là mới với thị trường VN nhưng thực tế lại là quá cũ đối với nhiều thị trường trong khu vực và trên thế giới. Nếu lấy tiêu chí là định hướng tiêu dùng và chăm sóc khách hàng thì khi đó có thể nói là các nhà lắp ráp trong nước đang định hướng cho người tiêu dùng VN sử dụng những dòng sản phẩm thấp, lạc hậu, thiếu tính mới. Khi đó, thậm chí có những chuyên gia nghiên cứu thị trường còn cho rằng sở dĩ các DN lắp ráp phải làm như vậy vì họ muốn khai thác tối đa lợi nhuận của từng mẫu xe. Điều đó đúng vì họ có lợi thế là tính cạnh tranh giữa xe lắp ráp và xe nhập chênh nhau quá lớn. Dù khách hàng có muốn sử dụng xe nhập cũng thực sự khó khăn do giá quá cao và đành chấp nhận mua xe lắp ráp trong nước. Thậm chí, có chuyên gia còn cho rằng, bản thân giữa các liên doanh hoặc một số liên doanh có sự liên kết với nhau trong việc tung ra những mẫu xe mới, tránh cạnh tranh trực tiếp với nhau. Nghĩa là khi một liên doanh tung ra một mẫu xe nào đó, liên doanh khác sẽ chờ cho mẫu đó bán được một con số nhất định đủ lãi, dù có thể tung ra một sản phẩm tương đồng, cùng phân khúc và cạnh tranh được, và ngược lại.
Mẫu mã, chất lượng hay nói chính xác hơn là tính định hướng tiêu dùng như vậy thì liệu khách hàng có được sử dụng những sản phẩm tốt nhất, hiện đại nhất hay không? Khó, rất khó. Mà khi khách hàng khó có cơ hội để sử dụng những sản phẩm cao cấp, hiện đại của thế giới thì ngành công nghiệp ôtô càng có ít cơ hội hơn để phát triển, để đủ sức cạnh tranh.
Định hướng nhờ xe nhập
Có thể nói, những dây chuyền lắp ráp của các DN lắp ráp ôtô du lịch của VN trong mấy năm qua cũng chưa có sự đầu tư nào sâu hơn, cao cấp hơn, có chăng cũng chỉ là mở rộng nhằm tăng công suất. Nhưng điều đáng mừng là mẫu mã các loại xe bắt đầu sôi động, bắt đầu tiến dần tới việc các liên doanh thường xuyên, thậm chí là nhanh chóng cho ra đời những mẫu xe mới thực sự. Nếu như trước đây nhiều liên doanh vài ba năm mới cho ra đời một mẫu xe - những mẫu xe đã xuất hiện tại những thị trường khác vài ba năm, thì hiện tại hễ cứ có mẫu xe nào mới ra đời trên thế giới là y như rằng, các liên doanh ngay lập tức tính toán, để đưa mẫu xe mới đó vào VN lắp ráp. Những DN điển hình như Mercedes – Benz với mẫu xe GLK 4 Matic (VN là nước thứ hai, sau Đức lắp ráp mẫu xe này), Toyota với hàng loạt mẫu xe mới như Camry, Altis, Ford VN với các mẫu Everest, Focus, Mondeo, xe bán tải; Trường Hải với Sorento, Carens, Kia Morning... Thậm chí một số liên doanh còn tập trung nghiên cứu để cho ra đời những mẫu mã cho riêng thị trường VN và một số nước khác. Điều đó là đáng mừng đối với cả khách hàng, thị trường lẫn ngành công nghiệp ôtô. Tuy nhiên, điều đáng mừng đó, theo như một chuyên gia ôtô là không phải xuất phát từ chính mong muốn của bản thân các DN lắp ráp mà do bị tác động bởi thị trường, bởi chính xe nhập khẩu nguyên chiếc, bởi chính sự cạnh tranh giữa các DN. Như vậy, tính định hướng tiêu dùng của các DN vẫn gần như không có, mà đáng ra nó phải là tiêu chí quan trọng... hàng đầu cho sự phát triển của các DN, của ngành CN ôtô.
Cũng có quan điểm cho rằng, do thị trường VN quá nhỏ nên DN khó có thể đầu tư, nghiên cứu hay nhanh chóng đưa ra được những mẫu xe mới. Điều này có phần đúng, nhưng quan trọng là nếu không làm như vậy thì họ khó có thể cạnh tranh được với xe nhập khẩu. Dù là quan tâm đến việc sớm cho ra dời những mẫu mã mới. Tuy nhiên, hiện tại, nếu so sánh giữa xe lắp ráp trong nước và xe nhập khẩu thì lợi thế của xe lắp ráp vẫn chủ yếu là giá và một phần về hệ thống (chỉ là hệ thống chứ không bao gồm cả chất lượng) phân phối, bảo hành, bảo dưỡng... Điều này sẽ thay đổi nếu thuế suất của xe nhập khẩu giảm xuống khoảng 10 - 20% so với mức hiện tại. Khi đó, giá xe nhập khẩu và xe lắp ráp trong nước sẽ tương đương và cùng với việc các Cty nhập khẩu đang cố gắng mở rộng và hoàn thiện hệ thống bán hàng, bảo hành, bảo dưỡng của mình thì chắc chắn lợi thế sẽ nghiêng về họ. Khi đó, chính những DN nhập khẩu và kinh doanh xe sẽ là những người quyết định đến định hướng tiêu dùng cho khách hàng VN chứ không phải là các nhà sản xuất hay lắp ráp. Lý do là những mẫu xe mới, cao cấp hay trung bình, hạng trung hay hạng sang chỉ cần xuất hiện trên thế giới thì sẽ nhanh chóng có mặt tại VN.
Nói như vậy để thấy, tính định hướng tiêu dùng cho khách hàng VN đang tồn tại và chính bản thân khách hàng luôn hướng tới những mẫu mã xe mới, cao cấp, tiện nghi và thân thiện với môi trường hơn. Điều đó là cần thiết. Vậy thì nếu chúng ta làm xe du lịch chiến lược, ta nên chọn dòng xe gì, mẫu xe nào ? Chắc chắn phải là những mẫu xe mới nhất, những tiêu chí chất lượng, tính ứng dụng cao nhất, những mẫu xe cho tương lai lâu dài chứ không phải cho hiện tại.
(Theo Linh Anh // Diễn đàn doanh nghiệp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com