Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Ngành công nghiệp xe hơi Braxin đối phó với khủng hoảng kinh tế thế giới

Mặc dù cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu chưa làm gia tăng tỷ lệ thất nghiệp tại Braxin, nhưng ngành công nghiệp xe hơi và một số ngành liên quan của nước này đã bắt đầu bàn đến kế hoạch đối phó với xu hướng suy giảm mạnh trong tương lai.

Bang Rio de Janeiro, nơi tập trung các nhà máy của hãng Peugeot-Citroen và Volkswagen, cũng như các cơ sở luyện kim hàng đầu của Braxin như Tập đoàn luyện kim quốc gia (CSN), đang ở trong tình trạng báo động. Theo Viện địa lý và thống kê Braxin, tỷ lệ thất nghiệp trong 10 tháng đầu năm nay tại nước này ở mức 8%, giảm 1,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, các hãng sản xuất ô tô lớn như Peugeot-Citroen đã thông báo về việc cắt giảm ca 3. Chủ tịch Nghiệp đoàn luyện kim vùng Fluminense, Renato Soares, cho biết hiện có tới 28.000 xe hơi vẫn còn "nằm đắp chiếu" và sẽ không thể tiếp tục sản xuất nếu như không có người mua.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở Sao Paulo, thị trường tiêu thụ xe hơi chủ chốt của Braxin và chiếm tới 15% sản lượng xe ô tô của nước này. Tại đây, người ta đã bắt đầu nói về một kế hoạch "nghỉ hưu tự nguyện". Tại Minas Gerais, nơi "đóng đô" của các nhà máy xe hơi của General Motors, Honda, Volkswagen, Ford và Fiat, người ta đã thông báo cho 25.000 nhân công kế hoạch nghỉ phép năm. Ông Renato Soares khẳng định hiệu ứng đôminô của cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính toàn cầu đã bắt đầu xuất hiện trong ngành công nghiệp xe hơi, đồng thời kêu gọi Chính phủ Braxin ngoài việc cung cấp tín dụng cho các công ty, còn cần phải đưa ra những biện pháp hữu hiệu để đảm bảo công ăn việc làm cho công nhân.
Thống đốc bang Sao Paulo, ông Serra Paulo đã đồng ý cấp 1,8 tỷ USD cho 15 tổ chức tín dụng giúp người dân mua xe hơi. Ngoài ra, ngân hàng trung ương Braxin cũng đã trợ giúp 1,8 tỷ USD cho ngành xe hơi -vốn mang lại việc làm cho 1,5 triệu người Braxin. Bộ trưởng Kinh tế, Guido Mantega, cho biết, từ tháng 9/08, các ngân hàng đã gặp nhiều khó khăn về khả năng thanh khoản do tác động của cuộc khủng hoảng tín dụng toàn cầu, nhưng cho tới nay Braxin đã chống đỡ khá tốt.
Theo Hiệp hội sản xuất xe ô tô quốc gia (Anfavea), trong tháng 10/08, lượng xe mới bán ra giảm hơn 11% so với cùng kỳ năm ngoái, và là mức thấp kỷ lục trong 3 năm gần đây. Trong nửa đầu tháng 11/08, con số này giảm xuống tới 20% so với 15 ngày đầu của 1 tháng trước đó. Tại Braxin, 70% ô tô bán ra được mua trả góp trong vòng 72 tháng, chủ yếu phục vụ tầng lớp trung lưu và thường là những xe giá rẻ. Tuy nhiên, Chủ tịch Anfavea, Schneider cũng bày tỏ lo ngại về khả năng hoạt động xuất khẩu xe hơi sẽ giảm, và sẽ tác động tiêu cực đến ngành công nghiệp ô tô nước này. Tuy nhiên, Anfavez vẫn dự đoán, năm 2008, doanh số bán ôtô ở Braxin có thể đạt 3 triệu chiếc, tăng 24% so với năm 2007.
Braxin là nước sản xuất ôtô lớn thứ 6 thế giới và lớn nhất ở Mỹ Latinh, với doanh số bán tăng vọt kể từ năm 2003, nhờ những chính sách kinh tế hiệu quả của chính phủ và sự bùng nổ tín dụng tiêu dùng, cho tới khi xảy ra sự sụp đổ của hệ thống tài chính Mỹ tháng 9/08

(Theo Thông tấn xã Việt Nam)

 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Phân tích ngành than và điện năm 2010
  • Xuất khẩu Dệt May năm 2010 : Mục tiêu 10,5 tỷ USD
  • Năm 2010, xuất khẩu gỗ đạt 3 tỷ USD?
  • Phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD
  • Bàn về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020
  • "Đường đi" của giá vật liệu xây dựng sẽ ra sao?
  • Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ: Cơ hội đã đến
  • Phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam: Bài học đắt giá
  • Giải pháp hợp lý để phát triển khu kinh tế miền trung
  • Ngành gốm sứ: Công nghiệp phát triển, thủ công lu mờ
  • Còn chỗ cho đầu tư bia, nước giải khát
  • Top 15 hãng tàu container