Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Rối như bảo hiểm ô tô

Không ít khách hàng khi xe bị tai nạn mới biết khi mua bảo hiểm không tìm hiểu kỹ nội dung hợp đồng. Ảnh: T.TIẾN

Nhiều người bị mất tiền oan vì không hiểu hết quyền lợi, đồng thời không ít người hả hê vì trục lợi bảo hiểm.

Tiếng điện thoại réo liên hồi. Căn phòng chừng 15 m2 dường như không có một khoảng lặng nào bởi tiếng trả lời điện thoại, tiếng mắng mỏ vì không được bồi thường, người thì đến làm thủ tục, người thì ra sức giải thích... Chỉ trong 2 giờ tại nơi tiếp nhận hồ sơ bồi thường bảo hiểm (BH) của một công ty BH tại quận 1-TPHCM đã có 25 người vào, ra.

May nhờ rủi chịu

Anh Tuấn, giám định viên của công ty BH trên, cho biết 25 bộ hồ sơ mới nhận kia đều là tai nạn của ô tô. Tuy nhiên, với mức phí BH thoạt nghe khá đắt đỏ thì vấn đề bồi thường cũng lắm điều “nhiễu nhương”, dẫn đến nhiều trường hợp tranh cãi nảy lửa không đáng có.

Tại phòng bồi thường của công ty BH trên đường Điện Biên Phủ (Q.3 - TPHCM), chủ chiếc xe Toyota Innova biển số 51LD-46... đang đỏ mặt tranh cãi với nhân viên công ty do bị từ chối BH. Chiếc xe này đang chạy trên đường thì bị một chiếc mô tô ngược chiều đâm vào. Hậu quả, hai người trên ô tô bị thương và thiệt hại khoảng 12 triệu đồng. Sau tai nạn, chủ ô tô đã yêu cầu được công ty này bồi thường thiệt hại về người là 5,8 triệu đồng, số còn lại là thiệt hại xe. Tuy nhiên, chủ xe không biết rằng chiếc mô tô kia lại không mua BH trách nhiệm dân sự. Nhân viên BH khẳng định theo quy định, chiếc xe không được bồi thường vì không mua BH nhưng chủ xe vẫn khăng khăng là xe mình có mua BH thì phải được bồi thường.

Anh T.M.H, chủ chiếc xe Toyota Innova biển số 50Z-78... đang làm thủ tục tại công ty BH trên đường Thái Văn Lung (Q.1 - TPHCM) cũng cho biết anh chỉ mua BH vật chất xe, khi đó được giảm 15% nên anh chỉ mất hơn 6 triệu đồng. Nay xe bị mất cắp kính chiếu hậu, đến làm thủ tục bồi thường thì được cho biết loại BH anh mua không bao gồm mất cắp, nếu muốn BH thì phải đóng thêm 15% của 6 triệu đồng (tức khoảng 1 triệu đồng). Dù đã vỡ lẽ nhưng do mất của lại thêm suy nghĩ bị “lừa” nên trước khi ra về anh không quên buông vài câu nặng lời. Tất cả đều nằm ở vấn đề thủ tục và khai báo không đúng quy định khiến khách hàng bị mất tiền oan.

“Cá ăn kiến, kiến ăn cá”

Tuy nhiên, không phải ai cũng “chết oan” bởi quy định. Nhiều chủ xe chỉ cần 1-2 lần bị tai nạn đã trở thành “mối họa”. Một nhân viên giám định kể không ít những quái chiêu của các vị khách ranh ma. Xem qua hồ sơ của chị T.T.T.V, chủ chiếc Toyota Vios biển số 52F-15..., nguyên nhân tai nạn do một xe khác đụng tại Gò Vấp (ngày 3-8) nhưng xe gây tai nạn đã bỏ đi, cảng trước bị móp (ngày 31-8) vì mô tô đâm vào, mui xe bị móp (ngày 28-8) trong hầm siêu thị Big C..., số tiền đề nghị bồi thường gần 12 triệu đồng. Xem qua tờ khai, nhân viên giám định khẳng định rằng khách hàng cố tình khai sai sự thật. Theo các công ty BH, trục lợi BH có thiên hình vạn trạng nhằm lấy được tiền bồi thường nhiều hơn mức đã mua. Có những vụ việc được lên kế hoạch trước đó thường phức tạp, mức bồi thường cao hơn thực tế. Có trường hợp một khách hàng làm thủ tục xong nhưng lại không sửa xe mà mua hóa đơn thanh toán đến công ty lấy bồi thường. Hai tháng sau lại mang đúng chiếc xe bị tai nạn đó đến làm thủ tục đòi bồi thường tiếp. Do quá nhiều người thẩm định nên sau 4 lần bồi thường, công ty mới phát hiện bị khách trục lợi. Trên thực tế, luật vẫn còn rất nhiều “lỗ hổng”.

Cần có sự liên kết

Theo ông Phùng Đắc Lộc, Tổng Thư ký Hiệp hội BH VN, tại các nước trên thế giới, nếu khách hàng mua BH mà cả năm không gây tai nạn, năm sau mức phí BH sẽ được hạ thấp, ngược lại, nếu khách hàng gặp tai nạn quá nhiều thì mức phí BH sẽ bị tăng nhiều lần. Điều này không chỉ hạn chế tai nạn mà còn giúp khách hàng hài lòng. Tuy nhiên, tại VN lại không có sự liên kết giữa các công ty BH với nhau nên không thể thực hiện quy chế như ở nước ngoài. Do vậy, trước mắt, các công ty BH cần liên kết nhau chặt chẽ hơn trong quá trình hoạt động. Sự ứng phó rời rạc, nhỏ lẻ cho từng vụ việc chỉ làm các công ty gánh chịu thiệt hại không đáng có.

(Theo NLĐ)

  • Thị trường xe nội “nguội” dần đều
  • "Đại gia" xe máy nước ngoài tấp nập vào Việt Nam
  • Còn “cửa” nào cho xe hơi nhập khẩu?
  • Braxin trở thành nước sản xuất ô tô lớn thứ 6 thế giới
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Phân tích ngành than và điện năm 2010
  • Xuất khẩu Dệt May năm 2010 : Mục tiêu 10,5 tỷ USD
  • Năm 2010, xuất khẩu gỗ đạt 3 tỷ USD?
  • Phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD
  • Bàn về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020
  • "Đường đi" của giá vật liệu xây dựng sẽ ra sao?
  • Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ: Cơ hội đã đến
  • Phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam: Bài học đắt giá
  • Giải pháp hợp lý để phát triển khu kinh tế miền trung
  • Ngành gốm sứ: Công nghiệp phát triển, thủ công lu mờ
  • Còn chỗ cho đầu tư bia, nước giải khát
  • Top 15 hãng tàu container