Cuộc trình làng mang tính thử nghiệm của hai chiếc xe du lịch “made in Vietnam” mới đây tại Triển lãm ôtô Việt Nam 2012 gây nên khá nhiều ý kiến trái ngược về chuyện nên hay không nên phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam theo hướng tự sản xuất và nội địa hóa trong xu thế thị trường ôtô ASEAN sẽ “là một” từ năm 2018 (thuế nhập khẩu bằng 0%).
Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Ngọc Huyên – Tổng giám đốc Công ty Vinaxuki, người đã mạnh dạn cống hiến nhiều trí tuệ và công sức để cho ra đời hai chiếc xe nói trên.
Ông Bùi Ngọc Huyên |
* Hai mẫu xe mới của Vinaxuki xuất hiện tại Triển lãm ôtô Việt Nam 2012 đã khiến nhiều người ngạc nhiên. Tại sao ông lại chọn cách trưng bày “không giống ai” và cũng chưa từng bao giờ có như vậy?
- Hai mẫu xe ấy là những chiếc xe được nội địa hóa trên 50% đầu tiên tại Việt Nam. Xe đã chạy thử và đang được hiệu chỉnh phần thân vỏ lẫn nội thất. Nhiều người tò mò, kể cả giới báo chí và người tiêu dùng, cũng là phải vì phần đông không tin là người Việt Nam có thể thiết kế và sản xuất ôtô mà nhiều năm các công ty liên doanh không làm.
Với tư duy sính hàng ngoại của người Việt Nam, nhiều người nghĩ rằng xe của Việt Nam sản xuất sẽ không đạt được những yêu cầu của người tiêu dùng. Chúng tôi thấy việc ấy là bình thường, bởi nhận thức là một quá trình lâu dài và chúng tôi tin rằng bằng thực tế những năm sắp tới, dần dần sản phẩm của chúng tôi sẽ được người tiêu dùng ủng hộ.
* Có hai luồng ý kiến về sản phẩm trưng bày của Vinaxuki: một là cảm phục, một là cười cợt. Cá nhân ông thấy mình nhận được gì sau cuộc trưng bày ấy?
- Một lần nữa, tôi thấy chuyện này là bình thường. Nếu có hiểu biết về công nghệ ôtô, người ta sẽ cảm phục vì làm được một chiếc xe ôtô với tỷ lệ nội địa hóa trên 50% là không hề dễ trong điều kiện Việt Nam. Đã nhiều năm, tuy Chính phủ khuyến khích nhưng ở nước ta chưa có ai làm mẫu xe nội địa hóa tới mức 50%.
Còn những người cười cợt, theo tôi có hai loại. Loại thứ nhất là không hiểu biết về công nghệ, loại thứ hai không tin là người Việt Nam có thể làm được sản phẩm công nghệ cao.
* Vinaxuki đã có nhiều mẫu xe tải bán khá chạy trên thị trường, vậy tại sao ông không tập trung vào sản xuất xe tải, được xem là phù hợp với các doanh nghiệp ôtô Việt Nam và lại thu được lợi nhuận ngay, mà lao vào sản xuất xe con, nhất là khi phân khúc này đã có mặt nhiều hãng xe danh tiếng nước ngoài với những mẫu xe toàn cầu?
- Chúng tôi sản xuất xe con nội địa hóa và sẽ nâng dần tỷ lệ lên 70 – 80% vì tư duy của chúng tôi đơn giản là ở Việt Nam, khoảng từ năm đến mười năm nữa, người dân sẽ mua nhiều ôtô.
Khách hàng tò mò xem xe “made in Vietnam” |
Nếu người giàu chọn những chiếc xe thương hiệu mạnh, đắt tiền thì tầng lớp trung lưu đang phát triển, các chủ trang trại và doanh nghiệp nhỏ sẽ chọn xe “made in Vietnam” vì đối với họ, xe không phải là vật làm sang, mà chỉ là phương tiện đi lại tốt, đẹp và rẻ.
Từ tư duy đó, chúng tôi quyết tâm sản xuất xe nhỏ đáp ứng cho được những yêu cầu trên. Chiến lược của Vinaxuki là sản xuất những xe tốt, đẹp nhưng giá phải rẻ.
* Hai mẫu xe trưng bày đã được nội địa hóa ra sao để ông tự tin gọi đó là xe “made in Vietnam”?
- Hai mẫu xe trên của Vinaxuki có thể gọi là xe Việt Nam vì theo quy ước trên thế giới, chiếc xe nào đạt được mức độ nội địa hóa 40% là có thể gọi là xe nội địa, trong khi Vinaxuki đã nội địa hóa được 50%, tương lai còn lên đến 70–80%. Tôi cho rằng gọi chúng là xe “made in Vietnam” không có gì sai cả.
* Xe Trung Quốc đã vào thị trường Việt Nam với giá rẻ nhưng không thành công. Vậy xe “made in Vietnam” của Vinaxuki sẽ dùng ưu thế gì để có thể tồn tại trong thị trường cạnh tranh khốc liệt hiện nay?
- Tôi không khẳng định là xe Trung Quốc không thành công vì một model xâm nhập thị trường nào đó phải mất thời gian ít nhất là mười năm mới khẳng định được thành công hay không.
Xe hơi Trung Quốc đã thành công ở các thị trường châu Mỹ Latin, châu Phi…, lượng xe xuất khẩu của họ năm sau luôn cao hơn năm trước tới vài chục phần trăm, nhiều công ty tư nhân của Trung Quốc tăng 20 lần sản lượng sau 15 năm sản xuất.
Tất nhiên, mọi việc không phải một lúc mà thành công được, những hãng nổi tiếng như Honda, Toyota, Hyundai trong 20 năm đầu cũng rất chật vật khi cạnh tranh ở thị trường quốc tế và trong nước. Đó là điều bình thường và chúng ta hãy chờ xem tương lai ra sao.
Xe Proton |
* Để xây dựng được thương hiệu xe nội địa, Công ty Proton được sự hậu thuẫn của Chính phủ Malaysia mà đích thân thủ tướng nước này đưa việc xây dựng thương hiệu xe hơi nội địa thành nhiệm vụ quốc gia. Trong khi đó, có vẻ như Vinaxuki “đơn thương độc mã”, liệu ông có chìa khóa gì để giải bài toán ôtô nội địa không?
- Ở Malaysia, chính sách phát triển công nghiệp ôtô được ủng hộ rất mạnh, có thể nói là mãnh liệt. Còn ở Việt Nam, chính sách khuyến khích sản xuất ôtô nội địa vốn không mạnh, lại còn không được thực hiện nghiêm túc.
Vì thế, Vinaxuki hoạt động trong môi trường này khó hơn nhiều lần so với các doanh nghiệp Malaysia và doanh nghiệp ở một số nước khác, nhưng tôi vẫn tin là trong vòng mười năm tới, chúng tôi sẽ xây dựng được một thương hiệu và một bộ phận người tiêu dùng Việt Nam sẽ ủng hộ thương hiệu Vinaxuki vì xe tốt mà lại rẻ, phù hợp với mong muốn của những người bình dân mua xe làm phương tiện đi lại.
Tôi cũng tin rằng đến một lúc nào đó, Chính phủ sẽ có những chính sách khuyến khích mạnh mẽ hơn để người tiêu dùng chọn và sử dụng ôtô Việt Nam.
* Cột mốc 2018 đang đến gần với mức thuế nhập khẩu xe hơi trong khu vực ASEAN sẽ bằng 0%. Ông Đỗ Hữu Hào đã đưa ra dự đoán tới năm 2018, Việt Nam chỉ còn một, hai liên doanh lắp ráp, số khác sẽ chuyển qua nhập khẩu. Theo ông, lúc đó có cơ hội nào cho xe “made in Vietnam”?
- Tôi biết đến năm 2018, thuế suất nhập khẩu ôtô trong khối ASEAN sẽ bằng 0%, nhưng tôi không lo lắng về điều đó. Vấn đề chính là từ nay đến năm 2018, chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư nhiều công nghệ hiện đại, nâng năng suất và chất lượng lên cao, hạ giá thành sản phẩm bằng cách sử dụng nguyên liệu và sản phẩm trong nước.
Chúng tôi sẽ có thị phần cho xe “made in Vietnam”. Tôi tin rằng sau năm 2018, nhiều người đi xe máy bây giờ cũng muốn mua ôtô để đi lại vì lúc bấy giờ thu nhập của họ cao hơn hiện nay, họ có đủ tiền để mua ôtô, nhưng không phải là xe sang của thương hiệu mạnh.
Có lẽ ai cũng hiểu rằng ở các nước ASEAN, ôtô hiện chưa phải loại hàng giá rẻ, phải chờ đến giai đoạn sau năm 2018.
* Xin cảm ơn và chúc ông thành công với ước mơ của mình!
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com