Ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó GĐ Sở GTVT Hà Nội cho biết, Sở này sẽ giải bài toán ùn tắc bằng cách kiến nghị nhiều cơ chế hạn chế phương tiện cá nhân (ô tô con và xe máy) ví như nâng phí trước bạ lên đến 25% chứ không chỉ là 10-15%.
Ùn tắc giao thông đang trở thành vấn đề nóng tại kỳ họp 17- HĐND TP Hà Nội. Tuy nhiên, dường như thành phố Hà Nội vẫn chưa có phương thuốc hạ nhiệt căn bệnh không hề mới mẻ này. Bên lề kỳ họp, Tiền Phong đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó GĐ Sở GTVT Hà Nội.
Ông Linh cho biết, trung bình mỗi ngày Hà Nội có thêm 100 ô tô và 500 xe máy trong khi để làm được 1 km đường tại Hà Nội phải được tính bằng nhiều năm. Tỷ lệ đất dành cho giao thông của Thủ đô cũng mới đạt 7% đất đô thị, thấp hơn mức quy hoạch rất nhiều ( 15-20%).
So với năm 2007, tần suất các vụ ùn tắc giao thông tại Hà Nội năm 2008 dày hơn và số điểm ùn tắc cũng nhiều hơn?
Từ đầu năm 2008 đến nay, trên địa bàn thành phố đã xảy ra nhiều vụ ùn ứ giao thông do nhiều nguyên nhân như: do tai nạn giao thông, do lưu lượng phương tiện quá đông, do mất đèn tín hiệu, do đào đường và do mưa ngập. Theo khảo sát của chúng tôi thì Hà Nội hiện có đến 78 nút giao, tuyến đường thường xuyên tiềm ẩn nguy cơ ùn tắc giao thông.
Đặc biệt Hà Nội mở rộng cũng làm tăng mật độ giao thông tại các tuyến đường nối từ Hà Nội với Hà Tây (cũ) dẫn đến nhiều tuyến đường luôn trong tình trạng quá tải và ùn tắc giao thông như: tuyến Nguyễn Trãi, đường 32, trục Xuân Thủy - Cầu Giấy - Kim Mã - Nguyễn Thái Học.
Thưa ông, trong lúc các phương tiện tăng chóng mặt thì hạ tầng giao thông lại đang giậm chân tại chỗ, nhiều dự án bị “đắp chiếu” từ gần chục năm nay?
Thời gian qua, Hà Nội đã đầu tư nhiều dự án phát triển giao thông, tuy nhiên hầu hết các dự án đều chậm tiến độ, thậm chí có dự án chậm gần 10 năm.
Thời gian tới (2008-2010), bên cạnh việc thúc đẩy hoàn thiện các dự án đang triển khai như nút Kim Liên, cầu Vĩnh Tuy, đường vành đai 3, Cầu Thanh Trì..., thành phố cũng sẽ đầu tư thêm nhiều dự án như: đoạn từ Cầu Chui đến Cầu Đuống (trên QL1), đoạn Nam Thăng Long- Cầu Diễn (QL32), đoạn từ QL6 (đoạn Hà Đông- Xuân Mai).
Tại khu vực nội thành sẽ triển khai đầu tư một số tuyến như: đường Liễu Giai - Núi Trúc; Văn Cao - Hồ Tây; Nguyễn Hoàng Tôn, Nguyễn Tam Trinh, hoàn thành tuyến xe buýt nhanh Ba La - Kim Mã... Đến năm 2010 nhiều dự án giao thông hoàn thành sẽ góp phần cải thiện tình trạng ùn tắc giao thông.
Trong lúc các công trình hạ tầng phải mất nhiều năm nữa mới hoàn thành thì xe buýt vẫn được xem là giải pháp hữu hiệu cho giao thông Hà Nội, dù vậy một xe buýt đang phải “chọi” lại với 250 ô tô và 2.500 xe máy, và thất bại thuộc về xe buýt là điều khó tránh khỏi?
Sở cũng sẽ kiến nghị nhiều cơ chế để hạn chế phương tiện cá nhân (ô tô con và xe máy) ví như nâng phí trước bạ với xe đăng ký lần đầu có thể lên đến 25% chứ không chỉ là 10-15%.
Tuy nhiên việc sang tên, chuyển chủ thì nên ở mức thấp mới khuyến khích người dân thực hiện nghĩa vụ, Nhà nước không thất thu. Việc này cần áp dụng trên toàn quốc vì hiện xe ngoại tỉnh hoạt động tại Hà Nội chiếm khoảng 30%.
Về xe buýt, Sở cũng kiến nghị tiếp tục ưu tiên xe buýt trên một số tuyến chính và giờ cao điểm. Đồng thời hạn chế hoặc cấm hẳn phương tiện cá nhân vào một số giờ trên một số trục đường nhất định. Bên cạnh đó, Sở cũng sẽ đề xuất phí trông giữ xe theo giờ, theo khu vực nhằm tạo khó khăn cho người sử dụng phương tiện cá nhân.
(Theo báo Tiền Phong)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com