Chuyện khách hàng phải xếp hàng rất lâu để mua được xe ôtô thực sự không mới, là chuyện quá cũ. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ thời điểm nào thì thị trường xảy ra chuyện đó và quyền lợi của các bên, cụ thể trong trường hợp dưới đây là quyền lợi của Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng được thể hiện như thế nào?
Tăng trưởng nhờ ưu đãi
Khác với nhiều thị trường khác trên thế giới, trong giai đoạn khủng hoảng vừa qua, thị trường ôtô VN gần như không vấp phải tình trạng đóng băng, ế ẩm. Chả có Cty ôtô nào ở VN, cả các nhà sản xuất, lắp ráp hay nhập khẩu nguyên chiếc kêu về việc thua lỗ. Ngược lại, doanh số bán xe của các DN ôtô cứ tăng vùn vụt, từ xe khách, xe tải cho đến xe du lịch. Cũng có trường hợp xe 6-9 chỗ giảm mạnh so với cùng kỳ hoặc những tháng trước đó nhưng không đáng kể và các DN đã có những mẫu xe thuộc phân khúc khác bù lại (xe dưới 5 chỗ tăng trưởng cao nhất từ trước đến nay). Phát triển mạnh trong bối cảnh chung khó khăn là một “sự lạ” của ngành ôtô VN. Đó cũng là điều đáng mừng.
Tuy nhiên, theo một chuyên gia trong lĩnh vực này thì cũng không nên quá mừng vì mấu chốt của sự tăng trưởng đó là nhờ ở việc ưu đãi giảm thuế GTGT và giảm lệ phí trước bạ, chứ không phải từ sự phát triển nội tại của các DN, của ngành công nghiệp ôtô. Từ đáng mừng chuyển qua đáng buồn (về nền công nghiệp ôtô của VN) cũng chỉ là sự hiểu vấn đề thế nào mà thôi. Đứng vững trong khó khăn là điều mà hầu như mỗi người, mỗi DN đều luôn cố gắng, hướng tới, nhưng một câu hỏi được đặt ra là sự tăng trưởng, phát triển đó (chủ yếu là ở góc độ thị trưòng) sẽ như thế nào khi không còn ưu đãi và quyền lợi của Nhà nước, DN và người tiêu dùng sẽ ra sao ?
Ai thiệt?
Mới đây, Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô VN (Vama) đề xuất được tiếp tục thực hiện việc ưu đãi về thuế GTGT và lệ phí trước bạ sau ngày 31/12/2009, nhưng đã không nhận được sự nhất trí từ phía Bộ Tài chính và một số cơ quan khác. Tại sao ? Chỉ nói về quyền lợi thôi, không cần phải phân tích quá kỹ, tổng thể tất cả đầy đủ các vấn đề, khía cạnh khác cũng đủ thấy việc quyết định không tiếp tục ưu đãi là hoàn toàn hợp lý.
Nếu xét về quyền lợi, việc ưu đãi về thuế GTGT và lệ phí trước bạ trong thời gian qua mang lại lợi ích cho DN ôtô và người tiêu dùng, nhưng Nhà nước chịu thiệt vì nguồn thu từ thuế và lệ phí giảm. Vì góp phần ổn định, thúc đẩy một lĩnh vực của kinh tế thì việc ưu đãi này được đánh giá là hợp lý, kịp thời. Nhưng, trong việc này có thể khẳng định các DN ôtô được lợi quá nhiều, còn người tiêu dùng xét về mặt lý thuyết thì được hưởng lợi từ việc giảm thuế (hầu hết các DN, khi có quyết định giảm thuế GTGT thì đều thực hiện việc giảm giá tương đương), nhưng những ai nghiên cứu về thị trường ôtô VN thì lại có ý kiến chưa chắc người tiêu dùng đã được hưởng lợi thực sự. Lý do: Từ khi có những ưu đãi về thuế GTGT và lệ phí trước bạ, việc mua xe càng khó khăn hơn so với trước đó, hầu như khách hàng nào cũng phải đặt hàng trước từ nhiều tháng. Hiện tại, hầu hết các mẫu xe (nhất là xe du lịch dưới 5 chỗ ngồi) đều không có để giao và khách hàng đều phải chờ tới sang năm. Chính vì việc chờ đợi này mà không ít khách hàng vì muốn lấy xe ngay đều phải “chung chi”, cậy nhờ... và nếu tính về giá trị vật chất thì việc “chung chi, cậy nhờ” có khi còn tốn kém hơn nhiều so với việc được hưởng lợi từ sự giảm giá nhờ giảm thuế GTGT lẫn giảm lệ phí trước bạ. Nhiều khách hàng muốn mua xe, nếu muốn lấy sớm thì phải cháp nhận lắp thêm những phụ tùng trị giá thường vào khoảng vài chục triệu đồng. (Đôi khi tương đương với những khoản ưu đãi). Đó thực sự là một nghịch lý về quyền lợi của việc ưu đãi. Vậy thì việc ưu đãi gần như chỉ mang lại lợi ích cho các DN ôtô.
(Theo Linh Anh // Diễn đàn doanh nghiệp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com