Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu sản xuất cầm chừng

“Khó khăn hơn cả thời kỳ khủng hoảng năm 2008-2009”, đó là nhận định của các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ khi đề cập tình hình sản xuất, kinh doanh mặt hàng này trong năm 2011.

 

 

Xã viên HTX Hiệp Lực (Đồng Nai) đan giỏ từ lục bình để xuất khẩu qua châu Âu - Ảnh: LÊ SƠN

Hiện nhiều đối tác tìm kiếm nguồn hàng nhưng nhiều đơn vị xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ không dám nhận đơn hàng vì vừa làm vừa lo lỗ do chi phí đầu vào tăng mạnh, bất ổn định.

Thu nhập giảm sút

 

Kim ngạch xuất khẩu đạt 500 triệu USD

Ước tính trong sáu tháng đầu năm giá trị xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ đạt khoảng 500 triệu USD. Trong đó mặt hàng mây tre, cói, thảm đạt 96 triệu USD, giảm 3% so với cùng kỳ 2010.

Theo ông Lưu Duy Dần - phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hiệp hội Làng nghề VN, hiện có trên 80% doanh nghiệp tại làng nghề không tiếp cận được vốn. Thêm vào đó, ngành thủ công mỹ nghệ vẫn thường chủ quan với nguyên liệu sản xuất đầu vào sẵn có trong khi nguồn này đang dần khan hiếm, bất ổn định. Ngành hầu như chỉ khai thác những nguyên liệu sẵn có mà không quan tâm đến việc đầu tư vùng nguyên liệu.

Cuối tháng 7-2011, tại HTX sản xuất mành trúc Bình Minh (Q.Phú Nhuận, TP.HCM), khoảng 40 xã viên vẫn luôn tay làm việc, người sơn phết trang trí mành trúc, người đóng gói sản phẩm... thậm chí có cả tiếng trẻ con cười khúc khích.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Nguyên, chủ nhiệm HTX, cười buồn giải thích: “Lúc này đơn hàng chỉ đủ để xã viên làm, còn quá nửa lao động vệ tinh (khoảng 500 lao động) của HTX tại các huyện Củ Chi, Hóc Môn (TP.HCM), Tây Ninh phải nghỉ việc. Năm trước, đơn hàng nhiều, mỗi xã viên có thể thu nhập 3-4 triệu đồng/tháng nhưng đến thời điểm này cao lắm cũng chỉ được 2,5 triệu đồng/tháng. Mấy đứa trẻ là con của xã viên theo cha mẹ đi làm vì không đủ tiền gửi nhà trẻ!”. Hiện nay, HTX chỉ xuất khẩu được 1 container/tháng thay vì 3-4 container như đầu năm 2011.

Tương tự, tại xưởng sản xuất guốc mộc xuất khẩu Hùng Thái rộng trên 2.000m2 thuộc làng nghề sản xuất guốc mộc Bình Nhâm (Bình Dương) chỉ có khoảng 50 lao động làm việc. Trái ngược với thời điểm cuối năm 2010, khi đó có đến 200 lao động làm việc hết công suất giao hàng cho đối tác châu Âu, Nhật...

“Thời điểm này chúng tôi đã có đủ đơn hàng đến hết năm, thậm chí đến quý 1 năm sau nhưng giờ vẫn chưa nhận được hồi đáp chắc chắn từ phía đối tác. Hàng loạt mẫu guốc được gửi đi cho trên 30 đối tác theo yêu cầu song lượng hồi đáp chỉ khoảng 10 đơn vị” - ông Thái Văn Anh Hùng, giám đốc Công ty guốc mộc Hùng Thái, lo lắng.

Làm huề vốn là mừng!

Ông Đặng Quốc Hùng, phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM, thừa nhận một nghịch lý của ngành hiện nay là lượng khách tìm kiếm hợp đồng khá nhiều song hợp đồng ký được rất ít. Theo ông Hùng, nguyên nhân lớn nhất vẫn là việc chi phí đầu vào tăng quá cao (khoảng 20-30%), trong khi khách hàng chỉ trả giá tăng 5-10%.

Các doanh nghiệp, HTX thủ công mỹ nghệ cho biết thời điểm này các đơn vị chỉ dám ký những hợp đồng nhỏ, ngắn hạn để đảm bảo đủ vốn sản xuất và tránh rủi ro. Tuy nhiên, dù tính toán kỹ càng, mục tiêu huề vốn không đạt được, thậm chí còn lỗ.

Ông Nguyễn Văn Nguyên cho biết thêm mặc dù các đối tác từ Úc, Mỹ, châu Âu đặt hàng khá nhiều nhưng HTX không dám ký vì giá nguyên liệu biến động từng ngày. Từ đầu năm đến nay, chúng tôi chỉ ký những đơn hàng nhỏ (sản xuất, giao hàng trong vòng một tháng) nhưng phần lớn chỉ huề vốn. Ông Nguyên tính toán giá mành trúc xuất khẩu tăng được 40.000 đồng/ chiếc thì giá mành trúc thô tăng lên 35.000 đồng/chiếc. Trong khi đó chưa kể đến những chi phí khác như giá sơn, điện, nhân công, thuê nhà xưởng... đều tăng.

Theo khảo sát, hiện các loại nguyên liệu như mây tre, cói, lục bình... đều tăng khoảng 30%. Đầu năm giá mây chỉ khoảng 40.000 đồng/kg, lục bình 7.500 đồng/kg nhưng hiện nay đã tăng tương ứng lên 60.000 đồng/kg và 10.500 đồng/kg. Giá nguyên liệu biến động không theo quy luật nào khiến các đơn vị sản xuất hoàn toàn bị động.

LÊ SƠN // Theo Tuổi Trẻ

  • Nghĩ khác về gốm
  • Quê hương trong đá
  • Giải pháp phát triển ngành mây, tre Việt Nam
  • Tăng chuỗi giá trị cho hàng thủ công mỹ nghệ
  • Hàng mây tre chưa xứng với tiềm năng
  • Năm 2010, xuất khẩu thủ công mỹ nghệ tăng 170%
  • Gốm sứ Việt Nam đối mặt với cạnh tranh toàn cầu (11/10/2010)
  • Nâng sức cạnh tranh cho sản phẩm gốm đỏ xuất khẩu
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Phân tích ngành than và điện năm 2010
  • Xuất khẩu Dệt May năm 2010 : Mục tiêu 10,5 tỷ USD
  • Năm 2010, xuất khẩu gỗ đạt 3 tỷ USD?
  • Phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD
  • Bàn về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020
  • "Đường đi" của giá vật liệu xây dựng sẽ ra sao?
  • Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ: Cơ hội đã đến
  • Phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam: Bài học đắt giá
  • Giải pháp hợp lý để phát triển khu kinh tế miền trung
  • Ngành gốm sứ: Công nghiệp phát triển, thủ công lu mờ
  • Còn chỗ cho đầu tư bia, nước giải khát
  • Top 15 hãng tàu container