Trong nhóm hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu gốm sứ luôn đứng đầu. Trong 6 tháng đầu năm 2010 xuất khẩu mặt hàng gốm sứ đạt trên 151,3 triệu USD, chiếm 4,3% kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Thách thức hiện nay đối với những doanh nghiệp làm hàng gốm sứ xuất khẩu ngoài sự biến động của giá nhiên liệu thường xuyên tăng cao thì sự cạnh tranh trong sản xuất kinh doanh ngày càng trở nên quyết liệt .
Mặc dù chỉ đứng sau Trung Quốc trong top 5 quốc gia xuất khẩu gốm sứ hàng đầu trên thế giới, nhưng nếu so sánh tổng giá trị xuất khẩu thì Việt Nam kém hơn 3,5 lần. Gốm sứ của ta tuy xuất sang nhiều quốc gia hơn nhưng chỉ đạt tổng giá trị khoảng 190 triệu USD, trong khi đó Trung Quốc đạt trên 694 triệu USD. “Gốm sứ Việt Nam đang cạnh tranh đối đầu trực tiếp với Trung Quốc, Mexico, Thái Lan, Ấn Độ, cuộc cạnh tranh này không chỉ ở sản phẩm gốm thủ công mà còn từ các nhà máy sản xuất hàng loạt sản phẩm mô phỏng”, ông Nguyễn Lực - Trưởng Đại diện Hiệp hội Làng nghề tại TP.HCM nhận định. Theo phân tích của ông Lực, thế mạnh cạnh tranh của Trung Quốc là giá rẻ, với giá rẻ, gốm sứ Trung Quốc đã chi phối các kênh phân phối tại các nước phát triển. Một điển hình là gốm sứ dành cho các khách sạn ở Mỹ trước đây được xem là “lãnh địa” của các hãng gốm sứ EU nhưng chỉ trong 10 năm trở lại đây, các sản phẩm chi phí thấp của Trung Quốc đã đè bẹp và thống trị thị trường này, góp phần làm phá sản ngành gốm sứ mỹ nghệ ở nhiều quốc gia không chỉ ở EU mà cả ở Mỹ.
Ông Dương Văn Hảo - Chủ cơ sở sản xuất gốm Vạn Phúc - Tân Phước Khánh- Bình Dương cho biết, cơ sở sản xuất hoàn toàn để xuất khẩu và sản xuất chủ yếu theo các đơn đặt hàng. Năm 2009 là một năm đầy khó khăn vì giá gas tăng cao, trong khi đơn vị đã báo giá hoặc ký hợp đồng nên lợi nhuận rất thấp. Bình Dương là địa phương có sản lượng gốm sứ xuất khẩu cao nhất và kim ngạch xuất khẩu cũng đứng đầu cả nước. Toàn tỉnh có 230 công ty, cơ sở sản xuất gốm sứ tập trung ở 3 làng gốm Lái Thiêu, Chánh Nghĩa và Tân Phước Khánh với 80% sản phẩm được xuất khẩu đi Mỹ, EU, Úc... Năm 2009 ảnh hưởng nặng nề của khủng hoảng kinh tế, nhiều hãng gốm sứ nổi tiếng trên thế giới phải phá sản nhưng kim ngạch xuất khẩu ngành gốm sứ Bình Dương vẫn vượt khoảng 4% so với năm 2008 và đạt trên 151,5 triệu USD. Bà Nguyễn Thị Điền- Giám đốc Sở Công thương Bình Dương cho rằng, có kết quả này là do các doanh nghiệp đã chú trọng việc đầu tư đổi mới công nghệ, trang thiết bị, tổ chức nghiên cứu khảo sát thị trường. “Tuy nhiên điểm yếu cần khắc phục là hầu hết các doanh nghiệp gốm sứ có quy mô vừa và nhỏ chưa nắm bắt kịp thời các nhu cầu của thị trường, chưa quan tâm đến các dịch vụ hỗ trợ, định vị sản phẩm, xây dựng thương hiệu trên thương trường quốc tế để tăng năng lực cạnh tranh trong quá trình hội nhập”.
Riêng lĩnh vực gốm sứ xây dựng với công suất gần 400 triệu mét vuông gạch ốp lát, 14 tỷ viên gạch tuynen, 11 triệu sản phẩm sứ vệ sinh và hàng chục triệu m2 ngói lợp hàng năm chủ yếu được tiêu thụ trên thị trường nội địa. Các doanh nghiệp gốm sứ xây dựng trong nước thì lại chịu sức ép cạnh tranh ngay trên sân nhà bởi các sản phẩm ngoại nhập.
Trong điều kiện cạnh tranh gay gắt như hiện nay thì ưu thế của Việt Nam là có các làng gốm sứ nổi tiếng, sản phẩm khác biệt và kỹ thuật chế tác tinh xảo mà máy móc không thể thay thế được. Vì vậy, phát triển ngành gốm sứ bằng giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo sự khác biệt về tính quý hiếm, mang bản sắc văn hoá bản địa và làm hài lòng khách hàng là nguyên tắc sống còn hiện nay của gốm sứ, nhất là gốm sứ mỹ nghệ Việt Nam.
(Báo Đại Đoàn Kết)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com