Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Nghĩ khác về gốm

Chị Phan Thị Thùy Mai giới thiệu với khách hàng những đặc tính của sản phẩm gốm do cơ sở Đông Gia sản xuất. Ảnh: Uyên Viễn.

Cơ sở sản xuất đồ gốm Đông Gia chính thức “trình làng” thị trường gốm sứ trong nước cuối năm 2010. Từ đó đến nay, mặc dù sức tiêu thụ trên thị trường có phần suy giảm, Đông Gia vẫn tự tin với kế hoạch kinh doanh của mình.

Thuận vợ thuận chồng…

Đang ở Pháp, bốn năm trước vợ chồng chị Phan Thị Thùy Mai và anh Francois Jarlov, một nghệ nhân có hơn 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất đồ gốm, đã trở về Việt Nam để sản xuất đồ gốm thương hiệu Đông Gia.

Những năm ở Pháp, cả hai đã dành nhiều thời gian đi du lịch và nghiên cứu các dòng gốm tiêu biểu của Ý, Tây Ban Nha, Nhật Bản và Thái Lan. Trông người lại ngẫm đến ta, chị Mai cho rằng đồ gốm Việt Nam tuy đã xuất hiện nhiều trên thị trường nhưng chưa có thương hiệu, chưa tạo ra những sản phẩm thủ công mang giá trị cao. Đó là khoảng trống của thị trường cần phải chen vào.

Giá trị gốm cổ Việt Nam cả thế giới đều biết, thế nhưng bí quyết để làm ra chúng đã bị thất truyền. Trong khi đó ở Trung Quốc, Nhật Bản hiện nay vẫn duy trì những khóa dạy nghề sản xuất gốm thủ công thu hút giới trẻ theo học và sống được với nghề. Đó là lý do tại sao đồ gốm thủ công do hai quốc gia này sản xuất được cả thế giới thừa nhận và tôn vinh.

Ở Việt Nam, đồ gốm sứ hiện có nhiều loại, trải dài từ Nam chí Bắc. Tuy nhiên giá trị thương mại của chúng không lớn, do chưa tiếp cận được thị hiếu người tiêu dùng, hàng sản xuất đại trà, mẫu mã không đẹp, chất lượng kém. Chị Mai cho biết: “Thị trường Mỹ, châu Âu, Singapore… đánh giá đồ gốm, đồ sành tráng men cao gấp năm lần đồ sứ vì dòng sản phẩm này cho ra những mảng màu tự nhiên, đẹp. Trong khi Việt Nam rất giàu kinh nghiệm chế tác những sản phẩm này lại bỏ ngỏ thị trường”.

Vợ chồng anh đã phải lặn lội tìm tòi, học hỏi khắp nơi kinh nghiệm sản xuất dòng sản phẩm gốm truyền thống của Việt Nam. Những làng nghề gốm sứ truyền thống khắp ba miền, những bảo tàng trưng bày hiện vật gốm sứ cổ đều được cản hai tìm đến để được thấy tận mắt, sờ tận tay. Sau hai năm khảo sát thực tế, anh chị đã tìm được vùng nguyên liệu để sản xuất gốm ở Phú Quốc, Bình Dương, Gò Công…“Đất làm ra đồ gốm, đồ sành chính là tiền, là tài nguyên vậy mà chúng đang bị khai thác bừa bãi hoặc bỏ hoang phí”, chị Mai nói.

Nâng giá trị đồ gốm Hai năm kế tiếp, vợ chồng chị Mai đã hợp tác với người dân xã Giang Cao, huyện Gia Lâm (Hà Nội) để thực tập tay nghề với dòng men cổ gốm Việt Nam. Anh Jarlov thực hiện việc chế tác, pha men, làm đồ xoay tay… để sản xuất gốm. Trong khi đó chị Mai phụ trách công việc đối ngoại, thăm dò xu hướng tiêu dùng đồ gốm ở thị trường trong lẫn ngoài nước.

Trong quá trình khảo sát thị trường, chị Mai nhận thấy nhược điểm của hầu hết cơ sở và doanh nghiệp sản xuất đồ gốm là sản phẩm công nghiệp đại trà bán với giá rất rẻ, nguồn tài nguyên đang dần bị cạn kiệt nhưng nguồn lợi thu về chẳng đáng bao nhiêu.

“Bộ đồ trà (ấm, chén) Việt Nam khi xuất xưởng giá bán chẳng được bao nhiêu nhưng khi đến tay nhà kinh doanh bán ra thị trường giá trị của chúng đã tăng lên gấp mười, hai mươi lần. Đông Gia không chấp nhận điều đó vì quy trình sản xuất đồ gốm rất khó, công lao động, giá nguyên vật liệu, chất đốt năm nào cũng tăng nên không thể chọn phân khúc giá rẻ”, chị Mai cho biết.

Bên cạnh tô, chén, dĩa phục vụ khách hàng có thu nhập trung bình khá, bình và chén uống trà là dòng sản phẩm chủ lực của cơ sở Đông Gia. Những sản phẩm này được nung ở nhiệt độ từ 1.280-1.300 độ C. Đây là sự khác biệt giữa sản phẩm gốm Đông Gia với các sản phẩm gốm khác chỉ nung ở nhiệt độ dưới 1.200 độ C. “Giá của chén uống trà do nghệ nhân chế tác xoay tay thủ công hoàn toàn là 500.000 đồng/cái. Chúng tôi xem cái chén trà ấy giống như một tác phẩm nghệ thuật, không có cái nào giống cái nào”, chị Mai nói.

Ngoài lò gốm ở xã Giang Cao, huyện Gia Lâm, cơ sở Đông Gia còn thành lập thêm lò gốm ở xã Vĩnh Bình, huyện Gò Công Tây (Tiền Giang) - quê chị Mai, vì nơi đây có nguồn nguyên liệu đất làm gốm một thời nổi tiếng ở miền Tây Nam bộ. Cũng theo chị Mai, vì Đông Gia sản xuất thủ công, nên cái gì có thể làm được cho khách thì cam kết chứ không phải nói lấy được. “Các doanh nghiệp hoạt động sản xuất theo quy mô nhỏ và vừa khi nhận được đơn đặt hàng lớn vượt khả năng đa phần là nhận bừa, rồi sản xuất chắp vá hoặc đặt nơi khác gia công. Đối với Đông Gia, nếu sản phẩm bị lỗi sẽ không bao giờ giao cho khách và chỉ nhận đơn hàng theo đúng năng lực của mình”.

Cuối năm 2010, sản phẩm gốm Đông Gia chính thức ra mắt thị trường nội địa sau một năm thâm nhập thị trường Pháp, Đức, Nhật Bản và Singapore. Chị Mai cho rằng mặc dù thị trường nội địa đang rơi vào chu kỳ sức mua thấp do tình hình lạm phát, giá cả biến động, tuy nhiên Đông Gia vẫn tự tin vào cách làm thương hiệu và tạo ra giá trị cho sản phẩm. Tính đến tháng 6-2011, doanh số của cơ sở Đông Gia đạt trung bình khoảng 25.000 đô la Mỹ/tháng, trong đó 50% từ xuất khẩu.

“Người sản xuất biết trân trọng sản phẩm thì không có lý gì người tiêu dùng không nhận ra giá trị nghệ thuật biểu lộ từ đó. Gốm Việt Nam sở dĩ từng được cả thế giới thừa nhận vì sự tài hoa của cha ông ta và kỹ thuật chế tác rất khác biệt so với trường phái Trung Quốc và Nhật Bản. Ngày nay Đông Gia chỉ làm nhiệm vụ kết hợp giữa nhiều trường phái gốm truyền thống để viết trang sách mới vốn đã để trống suốt thời gian qua”, chị Mai nói.

Duyên nợ với Việt Nam

Ở Việt Nam, trong giới mỹ thuật, điêu khắc cả hai miền Nam, Bắc đều biết đến tài nghệ của Francois Jarlov bởi anh nắm được bí quyết làm đồ gốm cổ Raku (Nhật Bản) - một nghệ thuật sản xuất dựa trên tinh thần thiền học.

Năm 1998, anh được Chính phủ Pháp mời sang Việt Nam hướng dẫn kỹ thuật chế tác gốm Raku cho các giảng viên khoa Điêu khắc trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội. Trong thời gian lưu lại Việt Nam, anh Jarlov đã đi du lịch khắp ba miền, tìm hiểu về lịch sử, văn hóa.

Cảm xúc từ những chuyến đi đã được anh thể hiện bằng nét cọ, ký họa, thủ bút trong tác phẩm Dưới bóng rồng xanh, xuất bản năm 2004, được trưng bày tại Viện Trao đổi văn hóa với Pháp (Idecaf), TPHCM. Hỗ trợ cho “nghệ nhân người Pháp” thực hiện cuốn sách là chị Phan Thị Thùy Mai, chủ cơ sở thiết kế sách Đông Gia. Một năm sau, hai người đã nên duyên đối lứa.

(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Quê hương trong đá
  • Giải pháp phát triển ngành mây, tre Việt Nam
  • Tăng chuỗi giá trị cho hàng thủ công mỹ nghệ
  • Hàng mây tre chưa xứng với tiềm năng
  • Năm 2010, xuất khẩu thủ công mỹ nghệ tăng 170%
  • Gốm sứ Việt Nam đối mặt với cạnh tranh toàn cầu (11/10/2010)
  • Nâng sức cạnh tranh cho sản phẩm gốm đỏ xuất khẩu
  • Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ: Gặp khó vì "ăn xổi"
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Phân tích ngành than và điện năm 2010
  • Xuất khẩu Dệt May năm 2010 : Mục tiêu 10,5 tỷ USD
  • Năm 2010, xuất khẩu gỗ đạt 3 tỷ USD?
  • Phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD
  • Bàn về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020
  • "Đường đi" của giá vật liệu xây dựng sẽ ra sao?
  • Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ: Cơ hội đã đến
  • Phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam: Bài học đắt giá
  • Giải pháp hợp lý để phát triển khu kinh tế miền trung
  • Ngành gốm sứ: Công nghiệp phát triển, thủ công lu mờ
  • Còn chỗ cho đầu tư bia, nước giải khát
  • Top 15 hãng tàu container