Khủng hoảng kinh tế thế giới không chỉ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp lớn, mà còn tác động trực tiếp đến các làng nghề truyền thống ở nước ta. Ít người bán, vắng người mua là tình cảnh hiện nay của thị trường mây tre đan truyền thống.
Bí đầu ra…
Nằm cách trung tâm Hà Nội chừng 30km, huyện Chương Mỹ từ lâu đã nổi tiếng gần xa với nhiều làng nghề mây tre đan truyền thống như Phú Vinh, Trường Yên, Ninh Sở, Bình Phú… Cũng nhờ nghề này mà vấn đề việc làm cho người dân lúc nông nhàn, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em và người tàn tật đã được giải quyết. Nhờ đó mà cuộc sống của người dân nơi đây khấm khá lên trông thấy. Trước đây khi về làng, dọc theo quốc lộ 6, người ta có thể dễ dàng bắt gặp cảnh xe cộ tấp nập ra vào với đủ các mặt hàng có kiểu dáng phong phú và đa dạng như lẵng hoa quả, chao đèn, cặp, mũ… tới những loại đòi hỏi kỹ thuật rất cao như tranh chân dung, hoành phi, câu đối…
Thế nhưng gần năm nay, thị trường này bỗng dưng trở nên vắng lặng. Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, nguyên nhân chủ yếu là do cuộc khủng hoảng tài chính thế giới dẫn đến các mặt hàng mỹ nghệ xuất khẩu đều bí đầu ra. Trong khi đó, thị trường trong nước chưa phát triển, chủ yếu chỉ bán được với số lượng ít cho khách tham quan, du lịch hay tại các hội chợ. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Phạm Quốc Khánh - Chủ tịch Hiệp hội mây tre đan xuất khẩu Hà Tây cho hay, từ đầu năm đến nay, lượng đơn đặt hàng ít dần theo thời gian và ước tính hết năm 2008, lượng hàng xuất khẩu đã giảm 90% so với năm ngoái. Bí đầu ra, nhiều doanh nghiệp không linh hoạt chuyển đổi mặt hàng để dễ tiêu thụ, lại phải vay vốn ngân hàng lãi suất cao nên đang gặp rất nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Trọng Bền, chủ Doanh nghiệp mây tre đan Hiền Dương (Phú Nghĩa) ngậm ngùi cho biết, từ nửa năm nay, cơ sở sản xuất của ông thỉnh thoảng lắm mới hoạt động, còn 1 tháng nay thì đã phải dừng hẳn. Doanh thu của doanh nghiệp vì thế cũng chỉ bằng 1/5 của năm trước đó. “Chẳng còn cách nào khác, bão to đến mấy cũng phải có lúc tan. Các cơ sở sản xuất và tiêu thụ mây tre đan xuất khẩu vào thời điểm này chỉ còn cách sản xuất cầm chừng, cắt giảm chi phí sản xuất tới mức tối thiểu”, ông bảo.
Xa đầu vào
Trong khi đầu ra đã khó thì việc bị động về nguồn nguyên liệu vẫn là nỗi ám ảnh thường xuyên diễn ra ở các làng nghề mây tre đan xuất khẩu ở Chương Mỹ. Điều này trở thành một nghịch lý đang diễn ra trong nhiều năm qua bởi Việt Nam vốn là nước nông nghiệp nhưng hầu hết các nguyên liệu thủ công lại đang thiếu và nhiều nguyên liệu phải phụ thuộc vào nước ngoài. Theo phân tích của Cục Hợp tác xã và Phát triển Nông thôn (Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn) thì nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu nguyên liệu đang diễn ra ở các làng nghề thủ công, trong đó có mây tre đan ở Chương Mỹ là sự mở rộng quá nhanh thị trường xuất khẩu hàng thủ công, sự phát triển của nhiều ngành công nghiệp sử dụng cùng loại nguyên liệu với khối lượng lớn và nạn bán nguyên liệu thô ra nước ngoài, khiến cho nguồn nguyên liệu thiên nhiên trong nước đã cạn kiệt nhanh chóng.
Bức xúc trước việc cứ đến vụ sản xuất, nhiều đơn hàng phải chậm tiến độ chỉ vì thiếu song, mây, ông Nguyễn Trọng Bền than thở: “Thiếu nguyên liệu đã khốn khổ nhưng hàng trăm cơ sở sản xuất như chúng tôi còn khốn khổ hơn khi giá nguyên liệu cứ nhảy chồm chồm, lên xuống thất thường”.
Đáng nói hơn, tại nhiều thời điểm tình trạng thiếu nguyên liệu chỉ là thiếu ảo! Theo các hộ sản xuất ở làng nghề, các đầu nậu cung cấp song, mây ở khu vực miền Trung (cung cấp 90% nguyên liệu song, mây cho thị trường toàn quốc) nhiều thời điểm đã “thừa nước đục thả câu”, nâng giá quá đột ngột và quá cao, làm lao đao nhiều cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu. Vì vậy, theo ông Khánh, Nhà nước cần có sự điều tiết ở tầm vĩ mô đối với nguyên liệu đầu vào cho các làng nghề thủ công mới mong xóa được tình trạng thiếu nguyên liệu ảo theo kiểu “chưa mưa đã úng, chưa nắng đã hạn”.
Loay hoay tìm lối ra
Đứng trước những khó khăn của các làng nghề hiện nay, Hiệp hội Mây tre đan xuất khẩu Hà Tây đã khuyến cáo các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cần nghĩ đến thị trường trong nước, làm sản phẩm bán ở trong nước theo thị hiếu của người Việt, mặc dù vẫn lấy xuất khẩu là chủ lực. Theo ông Khánh, đối với những mặt hàng đang bị rớt giá và khó xuất khẩu thì có thể tạm dừng sản xuất để tập trung phân tích, tìm hiểu những mặt hàng mới. “Thị trường cũng như cơ thể người, lúc khỏe dùng một món, lúc yếu dùng món khác. Khi thị trường đang ốm yếu thì chúng ta phải chuyển sang đồ tre để duy trì sản xuất”, ông Khánh ví von.
Để tự cứu mình, nhiều doanh nghiệp cho biết họ đang tìm cách liên kết lại với nhau để có thể nâng cao chất lượng sản xuất, tìm kiếm hợp đồng và tiết kiệm nguồn nguyên liệu đang khan hiếm. Tuy nhiên, vấn đề mà các doanh nghiệp mây tre đan đang gặp phải đó là tiếp cận nguồn vốn khá khó khăn vì các ngân hàng ngày càng thắt chặt điều kiện cho vay. Do đó nhiều doanh nghiệp ở đây buộc phải tìm đến tín dụng “đen” với mức lãi cao để đảo nợ, tránh tình cảnh bị siết nợ tài sản.
Nhiều giải pháp cho làng nghề mây tre đan nói riêng và làng nghề thủ công của Việt Nam nói chung đã được Cục Hợp tác xã và Phát triển Nông thôn đưa ra nhưng dường như vẫn chưa giải quyết được những vấn đề cấp thiết nhất của các doanh nghiệp. Vẫn chỉ là những giải pháp chung chung, nặng về lý giải nguyên nhân…
Thiết nghĩ, đã đến lúc chúng ta không thể chậm trễ hơn nữa, bởi theo tâm sự của nhiều chủ doanh nghiệp mây tre đan, nếu không có sự hỗ trợ kịp thời, chỉ trong năm 2009 thôi, rất nhiều đơn vị sẽ phải phá sản. Và khi đó thì hậu quả không chỉ được tính bằng tiền!
(Theo báo Diễn đàn doanh nghiệp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com