Theo TS. Lê Doãn Diên, Chủ tịch Hội Khoa học và Công nghệ lương thực thực phẩm Việt Nam (VAFoST), thời điểm này, VAFoST đang phối hợp cùng các tổ chức khác nghiên cứu và sản xuất các kít dùng để chẩn đoán nhanh ion nitrate, các kim loại nặng, các vi sinh vật gây bệnh trong rau quả, trong thực phẩm... phục vụ người tiêu dùng trong cả nước.
Việc bảo vệ người tiêu dùng cho đến thời điểm này vẫn là công việc không mang tính thường xuyên của cộng đồng DN-Ảnh: Hoài Nam |
“VAFoST sẽ phối hợp với Hội Các phòng thử nghiệm Việt Nam, Hội Hoá sinh Việt Nam, Hội Hoá học Việt Nam để nghiên cứu và sản xuất sản phẩm này. Nhưng vấn đề mà chúng tôi đang vướng là thiếu kinh phí. Thế nên, chúng tôi rất mong nhận được nhà tài trợ của các tổ chức, cơ quan nhà nước để sản xuất ra sản phẩm có giá cả phù hợp với người tiêu dùng”, TS. Diên nói.
Sở dĩ VAFoST phải đứng ra “cáng đáng” nhiệm vụ tưởng chừng rất đơn giản đối với một cơ quan quản lý hay DN sản xuất này là bởi tình hình ngộ độc thực phẩm trong những năm qua hết sức lo ngại. Điều này được thể hiện qua những con số mà Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm (Bộ Y tế) công bố.
Theo đó, chỉ tính riêng trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua (tổng hợp số liệu từ 48 tỉnh, thành phố gửi về), khi kiểm tra 59.000 cơ sở sản xuất - kinh doanh thực phẩm, cơ quan chức năng phát hiện 16% cơ sở có vi phạm. Trong đó, nhiều DN phạm các lỗi cơ bản như: điều kiện vệ sinh không đáp ứng yêu cầu, không công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, sai phạm trong ghi nhãn mác...
Với thống kê chưa đầy đủ, Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm cũng công bố, từ ngày 1/1 đến 15/2/2009, cả nước xảy ra 7 vụ ngộ độc thực phẩm với 194 người bị mắc ngộ độc. Còn theo Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm, Việt Nam có hơn 3 triệu trường hợp nhiễm độc, gây thiệt hại khoảng 3.400 tỷ đồng.
Trên đây chỉ là thống kê liên quan tới thiệt hại của người tiêu dùng xung quanh vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Còn rất nhiều khía cạnh khác trong công tác bảo vệ người tiêu dùng liên quan tới chất lượng sản phẩm, giá cả hàng hoá và quyền lợi khác của người tiêu dùng.
Ông Vương Tiến Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho rằng: “Việc bảo vệ người tiêu dùng cho đến thời điểm này vẫn là công việc không mang tính thường xuyên của cộng đồng DN cũng như cơ quan quản lý. Bên cạnh đó, số người làm trong các tổ chức bảo vệ người tiêu dùng còn ít và có cách hoạt động không giống nhau, nên hiệu quả của công tác này còn rất thấp”, ông Dũng nói.
Một trong những giải pháp có thể giải quyết tốt tình trạng người tiêu dùng bị vi phạm quyền lợi là cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý và các DN. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đây là hoạt động còn rất yếu tại Việt Nam. “Rất khó có thể kêu gọi các DN tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nếu không có các chế tài đủ mạnh. Một DN vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm mà chỉ bị phạt có 2 triệu đồng thì họ chẳng có gì phải ngại cả. Các thủ tục tiến hành bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trước vi phạm của DN vẫn còn phức tạp, gây phiền hà cho người tiêu dùng”, TS Diên nói.
Ông Dũng dẫn thêm những nguyên nhân khiến cho DN chưa “mặn mà” với nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là cơ quan chức năng chưa có hướng dẫn quy trình chuẩn, cũng như đầu mối thống nhất xử lý những khiếu nại của người tiêu dùng khi quyền lợi bị vi phạm.
Trong thực tế, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng còn rất... hình thức. Đơn cử, trong buổi toạï đàm được Cục Quản lý cạnh tranh tổ chức hôm đầu tuần tại Hà Nội, ngoài đại diện của một số hiệp hội và các nhà báo, không có một bài tham luận hay phát biểu nào của DN liên quan tới công tác này. Với một buổi lễ được tổ chức vội vàng cùng vài chục người tham gia, rõ ràng sức tác động cũng như các vấn đề có liên quan tới bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng vẫn đang chỉ dừng lại ở các... cuộc họp.
Thế nên, TS. Diên vẫn có lời khuyên “kinh điển” với “người tiêu dùng thông thái” rằng: “Hãy mua rau khi lá có... sâu. Tốt nhất, người tiêu dùng nên vào siêu thị có uy tín, mua hàng rõ nguồn gốc và hạn sử dụng”.
( Theo báo Đầu tư )
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com