Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

85% giá trị thị phần sữa bột thuộc về các hãng sữa ngoại !

Hiện tại trên 85% giá trị của thị trường sữa bột, đặc biệt là sữa bột dành cho trẻ em thuộc về các hãng sữa ngoại.

 

Hiện nay nguồn sữa nguyên liệu trong nước chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu để sản xuất các loại sữa đặc, sữa tươi và sữa chua, còn nguyên liệu để sản xuất sữa bột phải nhập khẩu 100%.

Các sản phẩm sữa bột do các doanh nghiệp trong nước như công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk), công ty CP Dinh dưỡng Đồng Tâm (Nutifood), công ty TNHH FrieslandCampina… sản xuất đều từ nguồn sữa bột nguyên liệu nhập ngoại.

Khái niệm sữa nội, sữa ngoại: chưa chính xác

Hầu như các doanh nghiệp này chỉ thực hiện khâu cuối cùng của quá trình sản xuất là bổ sung các vi chất, sấy, phun, phối trộn, đóng gói bao bì…Vì vậy có nhiều chuyên gia cho rằng việc người tiêu dùng hiện nay đang dùng các khái niệm “sữa nội” để chỉ các sản phẩm sữa bột do các công ty sữa trong nước sản xuất, và “sữa ngoại” để chỉ các sản phẩm sữa bột nguyên hộp nhập khẩu là chưa chính xác[1].

Theo đánh giá của các công ty sữa, các chuyên gia marketing và chuyên gia thị trường thì hiện tại trên 85% giá trị của thị trường sữa bột, đặc biệt là sữa bột dành cho trẻ em thuộc về các hãng sữa ngoại.

Trong đó dẫn đầu là các hãng Abbott, Mead Johnson, và FrieslandCampina chiếm thị phần lần lượt vào khoảng 26,8%, 13,9%, và 26,7%. Tiếp sau đó là các hãng sữa ngoại khác như Dumex, Nestlé…

 
Đại diện cho doanh nghiệp sữa trong nước có Vinamilk chiếm thị phần khoảng 12,6%. Theo nhóm thực hiện báo cáo thì những con số này chưa chính xác vì trên thị trường ngoài các hãng, doanh nghiệp lớn kể trên có sự góp mặt của một số hãng sữa khác cả trong và ngoài nước tuy rằng thị phần không lớn.
 
Biểu đồ 1: Thị phần của một số hãng sữa lớn trên thị trường sữa bột[2]
([2]Thông tin ghi nhận từ các buổi trao đổi, phỏng vấn với đại diện công ty Vinamilk do Cục QLCT tổ chức.)

Chất lượng sữa: chưa đủ trình độ kiểm tra

Xét dưới góc độ chất lượng thì hiện nay các công ty, hãng sữa khi sản xuất các sản phẩm của mình đều thực hiện việc ghi chi tiết thành phần, hàm lượng các chất dinh dưỡng có trong sản phẩm như hàm lượng đạm, hàm lượng chất béo, hàm lượng các chất vitamin… trên các bao bì đóng gói.

Tuy nhiên, trên thực tế theo như lời một đại điện của Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm – bộ Y tế thì việc kiểm tra chất lượng thực sự, nhất là thành phần và hàm lượng các chất dinh dưỡng trong sữa có đúng như đã ghi ngoài bao bì hay không là rất khó khăn. Việc này cần phải có những phòng phân tích, hóa nghiệm lớn với đầu tư trang thiết bị khoa học kỹ thuật hiện đại mà hiện nay ở Việt Nam chúng ta chưa có điều kiện đáp ứng.

Theo đánh giá của một số chuyên gia ngành sữa và các chuyên gia dinh dưỡng, chất lượng của các sản phẩm sữa bột nguyên hộp nhập khẩu và chất lượng sản phẩm sữa bột thành phẩm do một số doanh nghiệp lớn trong nước sản xuất về cơ bản là tương đương. Các sản phẩm này đều đáp ứng được yêu cầu về các chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển bình thường của trẻ.

Chỉ có một số sản phẩm sữa bột do các doanh nghiệp hay các cơ sở tư nhân nhỏ lẻ đóng gói thì chưa đạt yêu cầu về chất lượng. Đã có thực trạng thành phần và hàm lượng các chất dinh dưỡng thực tế có trong các sản phẩm sữa bột do các doanh nghiệp, cơ sở này sản xuất nhỏ hơn so với hàm lượng đã ghi trên nhãn mác và không đảm bảo yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm[3].

([3]Xem danh sách các sản phẩm sữa bột của các doanh nghiệp trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh có hàm lượng các chất dinh dưỡng kiểm nghiệm thấp hơn hàm lượng đã ghi trên bao bì – Viện vệ sinh Y tế công cộng TP. Hồ Chí Minh kiểm nghiệm và công bố danh sách trên các phương tiện thông tin đại chúng.)

Bảng 2: Thị phần của một số hãng sữa theo giá trị và sản lượng bán tại 6 thành phố lớn trong tháng 9 năm 2009 [4]

([4]Thông tin do các doanh nghiệp sữa cung cấp tại các buổi trao đổi, làm việc do Cục QLCT tổ chức.)

Theo nhận định của các chuyên gia marketing và chuyên gia thị trường ngành sữa thì hiện nay các sản phẩm sữa bột trên phân đoạn thị trường sữa bột cao cấp không nhiều, tập trung chủ yếu trên các phân đoạn thị trường trung cấp và bình dân. Và mức giá bán hiện tại giữa các nhóm sản phẩm sữa bột trên các phân đoạn thị trường này chênh lệch nhau vào khoảng 20% hoặc hơn[5].

([5]Ý kiến thu thập được trong quá trình trao đổi, phỏng vấn giữa nhóm nghiên cứu với các chuyên gia marketing, chuyên gia phát triển thị trường tại các hãng sữa.)

Giá sữa biến động nhanh

Mức giá bình quân trên toàn thị trường của nhóm sản phẩm sữa bột, đặc biệt là sữa bột dành cho trẻ em liên tục tăng trong thời gian qua. Năm 2007, mức giá bình quân chung của nhóm sản phẩm sữa bột trên thị trường là 155,729 triệu đồng/tấn. Năm 2008 mức giá này tăng lên 187,956 triệu đồng/tấn, tăng 20,7% so với năm 2007. Trong 8 tháng đầu năm 2008, mức giá bình quân của nhóm sản phẩm sữa bột trên thị trường là 197,065 triệu đồng/tấn, tăng 4,8% so với năm 2008 và 26,5% so với năm 2007.

Như vậy chỉ sau hai năm mức giá bình quân chung của nhóm sản phẩm sữa bột đã tăng gần 30%.

Đồ thị 1: Đường trung bình giá của nhóm sản phẩm sữa bột trên thị trường các năm[6]

([6]Xử lý thông tin về giá bán các mặt hàng sữa bột do các hãng, doanh nghiệp sữa cung cấp)

Gần 230 doanh nghiệp nhập khẩu sữa

Theo báo cáo kim ngạch nhập khẩu sữa của Tổng cục Hải quan, mặt hàng sữa nguyên liệu và sữa thành phẩm nhập khẩu trong các năm 2007, 2008 và 8 tháng đầu năm 2009 gồm hai mã chính là 0401 và 0402. Xem xét giá trị nhập khẩu, có thể thấy nhập khẩu sữa tăng mạnh từ 2007 đến 2008. Nếu chỉ tính riêng cho sữa và sản phẩm từ sữa thuộc hai mã nêu trên năm 2007 đạt 291.191.521 USD, năm 2008 đạt 322.045.443 USD (tăng 10,6% so với năm 2007)[7].

([7]Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan)

Hiện nay, ngoài các các doanh nghiệp trực tiếp sản xuất, chế biến sữa, các công ty sữa trực tiếp nhập khẩu các loại nguyên liệu phục vụ cho việc sản xuất, chế biến của mình, còn có nhiều doanh nghiệp không trực tiếp sản xuất, chế biến các sản phẩm sữa cũng tham gia nhập khẩu các loại nguyên liệu sữa để bán lại hoặc làm phụ gia cho việc sản xuất các loại sản phẩm khác không phải là sữa.

Theo thống kê của của Tổng cục Hải quan, trong giai đoạn 2007 – 2009 có gần 230 doanh nghiệp tham gia nhập khẩu sữa nguyên liệu và sữa thành phẩm. Trong số này, tổng số các doanh nghiệp nhập khẩu các sản phẩm sữa thành phẩm và sữa nguyên liệu để phục vụ sản xuất chỉ chiếm khoảng 50%. Còn lại là các doanh nghiệp nhập khẩu sữa nguyên liệu để bán lại.

Biểu đồ 1: Kim ngạch nhập khẩu của top 10 nước xuất khẩu sữa nhiều nhất vào Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2009[8].

([8]Báo cáo ngành hàng Việt Nam: Sữa – quý 1/2009, Trung tâm thông tin phát triển NNNT – Bộ NN&PTNT.)

Trong hai tháng đầu năm 2009, tổng kim ngạch xuất khẩu sữa của Hà Lan vào Việt Nam là 9,43 triệu USD, chiếm 21,27% tổng kim nhập khẩu sữa của Việt Nam từ thế giới. Thứ hai trong số này là New Zealand với kim ngạch 7,8 triệu USD.

Tuy nhiên hai nước này lại có kim ngạch xuất khẩu sữa vào Việt Nam trong hai tháng đầu năm 2009 giảm so với hai tháng đầu năm 2008, mức giảm lần lượt vào khoảng 7-10% đối với Hà Lan, 78,42% với New Zealand. Ngoài ra còn có Úc giảm 0,59%, Ba Lan giảm 70,34%, và Pháp giảm 36,94% so cùng kỳ năm 2008[9].

([9]Báo cáo ngành hàng Việt Nam: Sữa – quý 1/2009, Trung tâm thông tin phát triển NNNT – Bộ NN&PTNT)

Nguyên nhân của sự sụt giảm này một phần là do khủng khoảng kinh tế năm 2008, bên cạnh đó còn do ảnh hưởng của thông tin về sữa nhiễm melamine ảnh hưởng đến tâm lý người tiêu dùng, làm cho nhu cầu tiêu dùng của người dân có dấu hiệu chững lại và sụt giảm nên các doanh nghiệp nhập khẩu đã hạn chế nhập khẩu cả các sản phẩm sữa thành phẩm và sữa nguyên liệu.

Bảng 3: Danh sách và tỉ lệ phần trăm về sản lượng nhập khẩu mặt hàng sữa bột nguyên liệu của một số doanh nghiệp các năm 2007, 2008 và 8 tháng đầu năm 2009 [10] .

([10]Thống kê và xử lý theo số liệu của Tổng cục Hải Quan.)

Sữa bột cho trẻ em

Riêng đối với bột sữa nguyên liệu để sản xuất sữa bột, đặc biệt là sữa bột cho trẻ em hiện nay trên thế giới không phải nước nào cũng có thể sản xuất được. Theo các chuyên gia ngành sữa thì hầu hết các doanh nghiệp sản xuất sữa bột trong nước cũng như các công ty sữa trên thế giới có sản xuất các sản phẩm sữa bột đều sản xuất các sản phẩm sữa bột trên cơ sở sữa bột nền có pha trộn thêm các vi chất có lợi cho sức khỏe và sự phát triển của cơ thể như chất béo, DHA, ARA, v.v.

Công thức pha trộn về số lượng và hàm lượng các vi chất có pha trộn vào các dòng sản phẩm sữa bột của cùng một hãng là khác nhau, và của các hãng sữa cũng khác nhau tùy thuộc vào các nghiên cứu riêng rẽ của từng hãng.

Còn đối với sữa bột nền thì số lượng và hàm lượng các chất dinh dưỡng là tương đối giống nhau, dựa trên các nghiên cứu cơ bản của nhiều hãng sữa, các tổ chức về bảo vệ, chăm sóc sức khỏe con người trên thế giới như WHO, FAO…

 
Hiện nay chỉ một số ít các nước trên thế giới có thể sản xuất được sữa bột nền có chất lượng, trong đó có thể kể đến là Mỹ, Úc, New Zealand, Hà Lan. Các doanh nghiệp sản xuất sữa bột của Việt Nam cũng chủ yếu nhập khẩu sữa bột nền từ các quốc gia này để làm nguyên liệu phục vụ cho việc sản xuất các sản phẩm sữa bột của mình[11].
 
([11]Ý kiến ghi nhận từ các cuộc trao đổi, phỏng vấn với chuyên gia ngành sữa do Cục QLCT thực hiện.)
 
Doanh thu ngành sữa

Doanh thu ngành sữa năm 2007 tăng 3,18 lần so với năm 2000, từ 4.194,6 tỉ đồng lên 13.361,7 tỉ đồng, giai đoạn 2001 – 2007 tăng bình quân 18%/năm. Trong giai đoạn 2001 – 2007, doanh thu của khối doanh nghiệp ngoài nhà nước đạt mức tăng trưởng cao, bình quân 57,15%/năm. Doanh thu của khối doanh nghiệp nhà nước năm 2007 giảm rõ rệt so với năm 2006 là do sự chuyển đổi sở hữu của công ty cổ phần sữa Việt Nam.

Bảng 4: Doanh thu và tốc độ tăng trưởng doanh thu của ngành sữa theo thành phần kinh tế giai đoạn 2000 - 20007 begin_of_the_skype_highlighting 2000 - 20007 end_of_the_skype_highlighting [12] (đơn vị tỉ đồng)

([12]Xử lý theo số liệu điều tra doanh nghiệp năm 2000, 2005, 2006 và 2007 của Tổng cục Thống kê)

Tóm lại, trong giai đoạn 2000–2007 toàn ngành sữa doanh thu tăng bình quân 18%/năm, nộp ngân sách tăng bình quân 15,69%/năm, lợi nhuận tăng bình quân 21,4%/năm. Ngoài ra, sự phát triển của ngành sữa còn góp phần thúc đẩy sự phát triển của các ngành khác như cơ khí, chăn nuôi, sản xuất bao bì v.v.

Trong thời gian qua, cùng với sự tăng trưởng của nền kinh tế, đời sống nhân dân được cải thiện đã thúc đẩy thị trường sữa trong nước có sự tăng trưởng cao, với tốc độ bình quân khoảng 9,06%/năm từ năm 2000 đến nay. Tiêu thụ sữa bình quân đầu người tăng bình quân 7,85%/năm, từ 8,09 lít/người năm 2000 lên 14,81 lít/người năm 2008.

Bảng 5: Mức tiêu thụ sữa trong nước trong một số năm [13].

([13]Xử lý theo số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê, Tổng cục Hải quan)

Bảng 6: Mức tăng trưởng tiêu thụ sữa trong nước các giai đoạn [14]

([14]Xử lý theo số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê, Tổng cục Hải quan)

Thị trường Việt Nam với hơn 86 triệu dân, tỉ lệ tăng hàng năm vào khoảng 1,2% nên mỗi năm có khoảng hơn 1 triệu trẻ em ra đời, với mức tăng GDP khoảng 6-8% mỗi năm và tỉ lệ trẻ suy dinh dưỡng còn ở mức tương đối cao (khoảng 20%) sẽ là một thị trường tiềm năng để phát triển ngành sữa.

Hơn nữa, như thống kê ở bảng trên, mức tiêu thụ sữa bình quân đầu người tại Việt Nam năm 2008 là 14,8 lít/người/năm, còn ở mức rất thấp so với các nước và vùng lãnh thổ khác trong khu vực và trên thế giới như Thuỵ Sỹ 140 lít/người/năm, Hà Lan 120 lít/người/năm, Úc 110 lít/người/năm, Đài Loan 40 lít/người/năm… nên nhu cầu về sữa và tiềm năng của thị trường sữa còn rất lớn.

Sữa hiện nay được tiêu thụ chủ yếu tại các thành phố lớn, khu vực thành thị có kinh tế phát triển, còn tại các vùng nông thôn thì rất thấp. Theo số liệu thống kê của Viện Dinh dưỡng thì người dân thành thị sử dụng lượng sữa bình quân hàng năm nhiều gấp 4 lần người dân nông thôn.

Các vùng nông thôn càng nghèo, càng xa thì cơ hội được dùng các sản phẩm sữa càng ít. Ngay ở các vùng nông thôn thì mức tiêu thụ sữa của các xã nghèo chỉ bằng một phần năm mức tiêu thụ sữa ở xã không nghèo. Trong tương lai khi mức thu nhập bình quân tăng lên thì mức tiêu thụ sữa cũng sẽ gia tăng cả ở khu vực thành thị và nông thôn.

Cơ cấu tiêu dùng đang có nhiều thay đổi. Năm 2002 sữa bột chiếm khoảng 25% tổng khối lượng sữa tiêu thụ trong nước, nay chỉ còn khoảng 21%. Trong khi sữa thanh trùng, tiệt trùng gồm các loại sữa dinh dưỡng, sữa tươi, sữa tiệt trùng, sữa chua…đang tăng mạnh. Sữa tươi tiệt trùng và sữa chua là hai ngành hàng có số người sử dụng cao nhất do giá rẻ, phù hợp với nhiều đối tượng và nhiều lứa tuổi khác nhau. Hiện nay trên thị trường Việt Nam có tới hơn 300 loại sản phẩm sữa do các công ty trong nước sản xuất và nhập khẩu, cạnh tranh nhau khá gay gắt. Các loại sản phẩm sữa có giá bán đắt nhất và cũng là các loại sữa được tiêu thụ mạnh nhất là sữa cho trẻ em, người lớn tuổi và phụ nữ mang thai.

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học cũng như từ lời khuyên của các nhà dinh dưỡng, bác sĩ cho thấy nhóm trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ phải được dùng sữa mẹ hoặc sữa công nghiệp sản xuất riêng cho nhóm tuổi này mà không nên thay thế bằng các loại sữa khác. Ví dụ, trẻ sơ sinh chỉ nên dùng sữa bột công thức dành cho trẻ từ sơ sinh đến 12 tháng tuổi mà không nên uống trực tiếp sữa tươi, vì sữa bò tươi không giàu các vi chất dinh dưỡng như sữa mẹ hay sữa bột. Vì thế nếu cho trẻ chuyển sang dùng sữa tươi sớm, cơ thể trẻ sẽ nhanh chóng bị thiếu hụt những vi chất cần thiết, giúp phát triển thể chất như sắt.

Bên cạnh đó hàm lượng sắt và phốtpho trong thành phần sữa tươi không thích hợp với hệ tiêu hóa còn non của trẻ sơ sinh. Mặt khác, trong giai đoạn tiến tới 12 tháng tuổi, bộ máy tiêu hóa của trẻ vẫn chưa đủ men để chuyển hóa các loại protein phức hợp có trong sữa bò tươi. Khi đó, chúng không chỉ gây “quá tải” cho dạ dày của trẻ mà nghiên cứu còn cho thấy chúng làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường (đặc biệt là trong những gia đình có tiền sử mắc bệnh này) đồng thời trẻ cũng dễ mắc các bệnh dị ứng như eczema và hen.

Theo Sài Gòn Tiếp thị

  • Ngành sữa tăng trưởng cao
  • Gạo Việt đang bị ép giá
  • Thành “sản phẩm dinh dưỡng”, sữa tha hồ tăng giá
  • Thị trường “ngả nghiêng” vì rượu rởm
  • Bi kịch đường và muối: Sắp hết thời 'tự sướng'
  • Thị trường sữa tươi:Cơ hội cho doanh nghiệp nội tự khẳng định
  • Nhiều sản phẩm sữa đã tăng giá gần 20%
  • Phấn đấu sản xuất 1 tỷ lít sữa tươi vào năm 2020
  • 1,2 tỷ USD phát triển dự án sản xuất sữa
  • Sữa “đắng”
  • Sản xuất nước giải khát Việt Nam: Nâng cao giá trị của thiên nhiên
  • Vinamilk tăng doanh thu 33%
  • Năm 2015, sản lượng sữa Ba Vi sẽ đạt 20.000 tấn/năm
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Phân tích ngành than và điện năm 2010
  • Xuất khẩu Dệt May năm 2010 : Mục tiêu 10,5 tỷ USD
  • Năm 2010, xuất khẩu gỗ đạt 3 tỷ USD?
  • Phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD
  • Bàn về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020
  • "Đường đi" của giá vật liệu xây dựng sẽ ra sao?
  • Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ: Cơ hội đã đến
  • Phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam: Bài học đắt giá
  • Giải pháp hợp lý để phát triển khu kinh tế miền trung
  • Ngành gốm sứ: Công nghiệp phát triển, thủ công lu mờ
  • Còn chỗ cho đầu tư bia, nước giải khát
  • Top 15 hãng tàu container