Cơ quan Thú Y và kiểm dịch Ai Cập khẳng định, Cá ba sa Việt Nam xuất sang Ai Cập an toàn cho người sử dụng. |
Đại sứ quán Ai Cập tại Hà Nội ngày 2/4 đã có công hàm chính thức gửi Bộ Công Thương, theo đó phía Ai Cập đã khôi phục lại hoàn toàn việc chứng nhận chứng từ xuất khẩu hải sản của Việt Nam sang Ai Cập.
Như vậy, mặt hàng thủy sản của Việt Nam chính thức được khôi phục xuất khẩu trở lại thị trường Ai Cập, sau một tuần Đại sứ quán Ai Cập tại Việt Nam ký ngày 26/3/2009, cho biết các cơ quan chức năng của Ai Cập đã ra lệnh tạm ngừng các hoạt động nhập khẩu mặt hàng cá tra, basa Việt Nam sang nước này.
Vụ việc trên bắt đầu từ một số tờ báo lớn của Ai Cập, trong thời gian qua đã đăng tải thông tin sai lệch về cá basa của Việt Nam, cho rằng cá basa nhập khẩu từ Việt Nam được nuôi trong điều kiện nguồn nước tù đọng, ô nhiễm ở Việt Nam, có dư lượng kháng sinh cao, có chứa chất gây hiệu ứng phụ,… gây nguy hiểm cho sức khoẻ người tiêu dùng Ai Cập.
Những thông tin trên các tờ báo này đã tác động tiêu cực, tạo sức ép của công luận trong nước, vì thế, Đại sứ quán Ai Cập tại Hà Nội đã có thông báo quyết định tạm thời ngừng cấp chứng nhận các chứng từ xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Ai Cập.
Về phía Việt Nam, sau khi nhận được thông tin trên từ Đại sứ quán và Thương vụ Việt Nam tại Ai Cập, Bộ Công Thương đã gửi công hàm tới Đại sứ quán Ai Cập tại Hà Nội yêu cầu hủy bỏ ngay việc tạm ngừng cấp chứng thư nói trên, vì theo Bộ, việc đăng tải những thông tin về cá basa của Việt Nam trên một số tờ báo của Ai Cập là thiếu khách quan và khoa học.
Theo tin từ Bộ này, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng gửi thư tới Bộ trưởng Hợp tác quốc tế (đồng chủ tịch phân ban Ủy ban hỗn hợp hai nước) và Bộ trưởng Công Thương Ai Cập về việc không nhất trí của Việt Nam trước quyết định của phía Ai Cập.
Đồng thời, Bộ Công Thương cũng đã đề nghị các cơ quan hữu quan phối hợp cung cấp các thông tin cần thiết và tài liệu liên quan về cá basa cho Đại sứ quán và Thương vụ Việt Nam tại Ai Cập để làm sáng tỏ với báo giới và các cơ quan chức năng của Ai Cập.
Trước những kiến nghị và chứng minh chất lượng sản phẩm cá basa Việt Nam, Đại sứ quán Ai Cập tại Hà Nội đã quyết định khôi phục lại hoàn toàn việc chứng nhận chứng từ xuất khẩu hải sản của Việt Nam sang Ai Cập.
Như vậy, với việc Đại sứ quán Ai Cập tại Hà Nội quyết định khôi phục lại hoàn toàn việc chứng nhận chứng từ xuất khẩu hải sản của Việt Nam sang Ai Cập đã thể hiện sự hợp tác của phía Ai Cập trong việc giải quyết vấn đề.
Được biết, theo phân tích của Cục Chế biến thương mại Nông lâm thủy sản và nghề muối cùng với Cục Quản lý chất lượng Nông lâm thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), nguyên nhân dẫn đến sự kiện trên là do việc xuất khẩu các tra, basa Việt Nam sang Ai Cập từ đầu năm đến nay quá ồ ạt, gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc tiêu thụ hàng thuỷ sản nội địa của nước này (chủ yếu là cá rô phi đỏ). Chính vì thế, phía Ai Cập tìm cách gây khó dễ với cá tra, ba sa Việt Nam, nhằm mục đích bảo hộ thuỷ sản của nước họ.
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp, năm 2008, mặt hàng thủy sản nước ta xuất khẩu vào thị trường nước Cộng hoà Ai Cập tăng đột biến, cao gấp 3 lần so với năm 2007. Trong đó, cá tra và basa chiếm 87% kim ngạch thủy sản Việt Nam xuất vào Ai Cập.
* Phát biểu với báo giới Ai Cập, Chủ tịch Cơ quan Thú y và Kiểm dịch Ai Cập, ông Youssef Mamdouh khẳng định, kể từ tháng Một đến nay, nước này đã nhập khẩu 265 lô hàng cá basa với tổng số 29.000 tấn trong đó chỉ có 9 lô hàng bị trả lại vì không đạt tiêu chuẩn chất lượng. Điều này là bình thường và có thể xảy ra với sản phẩm khác như bò, gà đông lạnh...
Một số tờ báo Việt Nam đưa tin, sau khi các cơ quan chức năng làm việc với Đại sứ quán Ai Cập tại Việt Nam, phía nhà nhập khẩu nước này đã mở cửa trở lại để "đón" cá basa Việt Nam, các tàu cá cập cảng tại đây đang được hoàn tất thủ tục để thông quan. Các nước Trung Đông cũng đồng ý làm thủ tục để cá basa Việt Nam có thể tiếp tục nhập khẩu và tiêu thụ ngay từ ngày 2/4/2009.
( Theo VnEconomy )
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com