Đã hơn nửa tháng, kể từ ngày cá chết nổi trắng sông Vàm Cỏ Đông (địa phận Tây Ninh), các cơ quan hữu quan vẫn chưa tìm ra nguyên nhân.
Nhưng không chỉ lần này chưa tìm ra thủ phạm, mà trong sáu năm qua, đã nhiều lần tình trạng cá chết tái diễn nhưng cơ quan chức năng vẫn chưa biết ai là thủ phạm.
Cá chết dài 50 cây số
Những ngày cuối tháng tư, cư dân sống ven bờ sông Vàm Cỏ Đông bỗng thấy cá chết trôi trắng sông, bắt đầu từ đoạn sông Tây Ninh, chảy vào sông Vàm Cỏ (huyện Châu Thành, Tây Ninh). Ông Nguyễn Văn Phát, người chăn vịt trên sông Tây Ninh kể: cá lăng, leo, ngạnh… chết nổi đặc sông trong khi nước sông màu vàng nâu và thối nồng nặc. Dân chài vớt khẳm xuồng, lựa con mới chết bán. Có người vớt được cả tấn cá. “Vịt của tôi uống phải nước thối cũng lăn ra chết chục con”, ông Phát nói.
Nguồn nước ô nhiễm khiến cá thiên nhiên lẫn cá nuôi bè đều chết, kéo dài hơn 50 cây số. Đi dọc sông Vàm Cỏ tại xã An Thạnh, huyện Bến Cầu, chúng tôi chứng kiến hàng chục hộ nuôi cá bè đang mếu máo vì mất của. Chín lồng cá của ông Lê Tấn Tới ở ấp Chánh nay chỉ còn một lồng cá thát lát đang ngắc ngoải, tám lồng kia sạch trơn. Đã sáu bảy năm nay ông phải đối phó với ô nhiễm, riêng trong năm 2007 chỉ trong một đêm ông mất trắng hơn tỉ đồng, và vụ này bị mất gần trăm triệu. Cá chết vớt lên bờ đổ như đống khoai lang.
Kế hộ ông Tới, các hộ nuôi cá khác như ông Phong, Mèo, Năm Rô… cũng chịu chung thảm cảnh. Có hộ chôn không kịp cá phải thuê cần cuốc đào lỗ chôn. Trong khi đó phía ngoài bè, vợ chồng ngư phủ Ba Đông vẫn đang tranh thủ chèo ghe thả lưới, mót ít cá đang ngáp chết. Ông Đông kiếm tiền triệu nhờ vớt cá giãy chết bán chợ.
Ông Tới nói khi thấy cá chết, ông điện thoại báo chính quyền, họ xuống đi ghe ra sông truy những người vớt cá chết để tìm xem ai thả thuốc độc hoặc chích điện làm chết cá. Sau khi lấy mẫu nước, chính quyền quay về và không có hồi âm cho đến nay.
Từ lâu, trung tâm quốc gia Quan trắc, cảnh báo môi trường và viện Nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản II đã kết luận: trong củ mì tươi dùng để chế biến bột mì có hàm lượng cyanua rất cao, khả năng cá chết do chất độc cyanua có trong nước thải của các cơ sở tinh chế bột mì. |
Tất cả nước thải đổ vào sông
Hỏi chuyện một vị cán bộ xã của huyện Bến Cầu được biết, vừa qua sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Tây Ninh đã xuống khảo sát khu vực cá chết để đánh giá tình hình. Nhưng ông không biết kết quả “đánh giá tình hình” ra sao. Tương tự, phòng Tài nguyên và môi trường huyện Châu Thành cũng đang xét nghiệm mẫu nước nhằm xác định mức độ ô nhiễm và ô nhiễm vì chất gì.
Ai cũng biết, trên địa bàn các huyện Hoà Thành, Tân Châu, Dương Minh Châu – nơi có con sông Tây Ninh chảy ngang và đổ vào thượng nguồn sông Vàm Cỏ – tập trung 89 nhà máy, cơ sở tinh chế bột khoai mì (nguyên liệu làm bột ngọt). Có điểm tinh chế 600 tấn bột mì mỗi ngày – tương đương hơn 2.000 tấn mì củ – nhưng hầu hết các điểm tinh chế không có hệ thống xử lý nước thải, tất cả đổ ra sông rạch thượng nguồn Vàm Cỏ.
Nhiều năm nay, theo phòng Nông nghiệp thuộc sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Tây Ninh, khoai mì là loại cây trồng chủ lực của tỉnh. Năm 2009, 89 cơ sở tinh chế “nuốt” gần 2 triệu tấn củ, để cho ra khoảng 500.000 tấn bột. Lượng khoai trồng không đủ, tỉnh phải mua thêm nguyên liệu ở Campuchia và các vùng lân cận. Chế biến lớn nhanh nhưng khâu kiểm tra giám sát nước thải gần như bị buông lỏng. Và cũng nhiều năm nay, hàng ngàn mét khối nước thải đổ ra sông mỗi ngày. Nay, sau nhiều kêu ca của dân, sở đã đề nghị tỉnh tạm đình chỉ hơn chục cơ sở nhưng mới chỉ là đề nghị.
Nói về thủ phạm gây ô nhiễm, cả hai vị trưởng hai phòng Nông nghiệp và phòng Quản lý chất lượng nông lâm thuỷ sản (sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn) đều chung một câu kết: biết quy ai khi cả khoai mì, cao su, mía đường đều đổ thừa qua lại.
(Theo Nguyễn Trọng Tín – Doãn Khởi // SGTT Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com