Tính đến 15/3/2010, VN đã xuất khẩu được trên 15.200 tấn cá ngừ các loại, trị giá xấp xỉ 67,2 triệu USD |
VN có kế hoạch xuất khẩu thủy hải sản đạt giá trị khoảng 4,5-4,7 tỷ USD trong năm 2010. Trong kế hoạch này, cá ngừ có một vai trò quan trọng, do được sử dụng phổ biến trong ngành chế biến đồ hộp, chủ yếu tập trung vào cá ngừ vây vàng và cá ngừ vằn.
Xu hướng đi ngược
Theo Hệ thống phân tích Vebimo, giai đoạn 2005-2010, giá xuất khẩu cá ngừ vàng nằm trong xu hướng tăng khá mạnh. Đây là xu hướng ngược những năm đầu thế kỷ XXI, khi mà giá liên tục giảm, do nguyên nhân nguồn cung từ vùng Ấn Ðộ Dương và Tây Thái Bình Dương đạt mức cao. Năm 1998, giá cá ngừ vây vàng đạt mức đỉnh là 2.000 USD/tấn, sau đó sụt xuống còn 1.000 USD/tấn vào giữa năm 2000.
Ðến tháng 3/2007 giá cá lên đến mức tương đối cao là 2.200 USD/tấn, nhưng điều đáng chú ý là mức giá dao động lên xuống khá ổn định xoay quanh trục 1.500 USD/tấn. Giá thăn cá ngừ vây vàng đang tăng lên theo xu hướng của cá ngừ vây vàng nguyên con, đến tháng 2/2007 giá thăn cá ngừ này ở Italia đã đạt mức trên 4,6 EUR/kg. Nguyên nhân tăng giá là do tình hình sản lượng khai thác thấp dần.
Tăng giá do hẹp nguồn cung
Các chủng loại cá ngừ được đánh bắt ở VN chủ yếu: Cá ngừ vây vàng (Yellow-fin Tuna); Cá ngừ mắt to (Bigeye Tuna); Cá ngừ vây dài (Albacore Tuna); Cá ngừ vằn (Skipjack Tuna).
Cá ngừ đại dương được ngành thủy sản chọn là đối tượng mục tiêu để phát triển nghề đánh bắt cá xa bờ. Từ năm 2000 tới nay, hoạt động khai thác phát triển mạnh hơn trước, tập trung chủ yếu vào các tỉnh Phú Yên, Bình Ðịnh, Khánh Hòa. Đội tàu đánh bắt của VN có khoảng 2.000 tàu câu cá, với ngư cụ chính là câu vàng, rê và đăng (rất đơn giản). Mùa vụ đánh bắt cá ngừ của VN kéo dài quanh năm. Thời vụ đánh bắt kéo dài là điều kiện thuận lợi cho việc duy trì nguồn cung ứng xuất khẩu.
Giá xuất khẩu trung bình của cá ngừ VN giữ mức ổn định trong giai đoạn 2005-2009. Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản ước tính đến 15/3/2010, VN đã xuất khẩu được trên 15.200 tấn cá ngừ các loại, trị giá xấp xỉ 67,2 triệu USD, tăng 109,5% về lượng và 166,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2009.
Giá xuất khẩu năm 2010 cũng có xu hướng tăng, nhất là sản phẩm xuất vào thị trường Mỹ, Nhật Bản, Canada, đạt mức trung bình 3,83 USD/kg. Mỹ và Canada đại diện cho thị trường nhập khẩu cá ngừ lớn nhất của VN chiếm 61,5% tổng kim ngạch xuất khẩu. Theo Tổng cục Hải quan, năm 2009, Mỹ nhập gần 19.000 tấn cá ngừ VN, trị giá trên 67,3 triệu USD, tăng 20,4% về lượng và 23% về giá trị so với năm 2008, chiếm 37,2% thị phần xuất khẩu cá ngừ của VN. Ngoài Mỹ, xuất khẩu sang Canada, Lebanon, Thụy Sĩ và Australia cũng tăng trưởng khả quan, từ 13% đến trên 40% về lượng (tương ứng 2,7% đến 26% về giá trị) so với năm 2008.
Tuy nhiên, xuất khẩu cá ngừ sang khối thị trường EU, Nhật Bản và Đài Loan trong năm 2009 lại giảm, trong đó xuất khẩu sang Đài Loan giảm mạnh nhất tới 50,5% về lượng và 59,5% về giá trị. Dù giá xuất khẩu cá ngừ trung bình của VN trong những tháng cuối năm 2009 tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước nhưng tổng kim ngạch xuất khẩu cá ngừ của cả nước trong năm 2009 cũng chỉ đạt gần 181 triệu USD, giảm 4,1% so với năm 2008 do xuất khẩu sang các thị trường chính như EU, Nhật Bản, Đài Loan... đồng loạt giảm.
Hệ thống phân tích Vebimo đánh giá rằng, nếu đúng như dự báo của các chuyên gia và giới quan sát về khai thác cá ngừ quốc tế rằng, cá ngừ vây xanh (loại mà Nhật Bản rất ưa chuộng và có sản lượng đánh bắt cao) được liệt kê vào Phụ lục I của Công ước về Thương mại quốc tế Cấm buôn bán Các loài Có nguy cơ tuyệt chủng (CITES) thì khả năng tăng giá cá ngừ xuất khẩu của VN sẽ rất cao. Đó là nhờ quá trình chuyển dịch nhu cầu tiêu thụ của các thị trường thế giới, đồng thời xuất hiện sốc thu hẹp nguồn cung toàn cầu.
(Theo Diễn đàn doanh nghiệp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com