VASEP cho rằng trên thế giới chưa có một sản phẩm thủy
sản có tốc độ phát triển nhanh như sản phẩm cá tra VN.
Chưa có tiền lệ trên thế giới
Hội nghị “Tổng kết công tác chỉ đạo sản xuất và tiêu thụ cá tra vùng Đồng bằng sông Cửu Long năm 2010 và bàn biện pháp triển khai nhiệm vụ năm 2011” vừa diễn ra tại thành phố Cần Thơ.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, trong vòng 10 năm qua, sản lượng cá tra của Việt Nam đã tăng 50 lần, giá trị xuất khẩu tăng 65 lần và hiện đang chiếm tới 99,9% thị phần thế giới.
VASEP cho rằng trên thế giới chưa có một sản phẩm thủy sản nào chỉ trong một thời gian ngắn mà được nhiều thị trường chấp nhận, ưa chuộng và có tốc độ phát triển nhanh như sản phẩm cá tra Việt Nam.
Mục tiêu trong năm 2011, tổng sản lượng cá giống sản xuất toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt sản lượng từ 2,5 - 2,6 tỷ con giống các loại, diện tích nuôi đạt 6.300ha, sản lượng ước đạt từ 1,2 đến 1,3 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt từ 1,45 đến 1,55 tỷ USD, 60% cơ sở nuôi cá tra được đánh số, đăng ký nuôi cá tra có điều kiện và thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Theo quy hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến năm 2020, diện tích nuôi cá tra có thể đạt 13.000ha (gấp đôi hiện nay), sản lượng xấp xỉ 2 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu hơn 2 tỉ USD. Trong kế hoạch dự kiến này, các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Bến Tre, Cần Thơ… vẫn là những địa phương chủ lực trong việc sản xuất và tiêu thụ cá tra.
Hiện tại, EU là thị trường nhập khẩu cá tra Việt Nam lớn nhất chiếm 36% tổng kim ngạch xuất khẩu, tiếp đó là thị trường Mỹ, Mexico, và Nga chiếm 21,6%.
Để sản xuất và tiêu thụ cá tra ổn định và bền vững
Tuy nhiên, từ trước đến nay việc quản lý nghề nuôi và chế biến cá tra gần như “bỏ ngỏ”. Diện tích ao nuôi được mở rộng đến đâu thì nhà máy chế biến mọc lên đến đó.
Mặc dù VASEP đã có nhiều đề xuất tập hợp doanh nghiệp chế biến lại song cho đến nay, mối liên kết giữa các doanh nghiệp vẫn còn khá lỏng lẻo, mạnh ai nấy làm. Tình trạng tự phá giá lẫn nhau đã gây thiệt hại và làm giảm uy tín thương hiệu cá tra, basa Việt Nam.
Bên cạnh đó, mối liên kết trong chuỗi giá trị sản xuất rất rời rạc, lợi nhuận sản xuất phân bố không hợp lý cũng tạo nên sự bất ổn.
Để sản xuất và tiêu thụ cá tra ổn định và bền vững, giải pháp trước mắt mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra là bám sát thị trường tiêu thụ sản phẩm ngoài nước, chú trọng thị trường trong nước, tổ chức tốt mối liên kết giữa nhà chế biến xuất khẩu và người nuôi cá tra, hỗ trợ lẫn nhau trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp đồng chia sẻ rủi ro và lợi nhuận, cùng tồn tại và phát triển; áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến, bảo vệ môi trường vùng nuôi; nâng cao chất lượng con giống, tăng chất lượng sản phẩm; giảm chi phí đầu vào.
Ngoài ra, nhiều chuyên gia cũng lưu ý đến việc xây dựng tiêu chuẩn cho những con cá vốn đã chịu nhiều “lận đận” khi thị trường xuất khẩu ngày một mở rộng cùng với việc Việt Nam trở thành thành viên WTO.
Chúng ta đã nhiều phen phải đấu tranh pháp lý từ áp tên gọi để đánh thuế chống bán phá giá; rào cản kỹ thuật về tiêu chuẩn từ vùng nuôi, thức ăn, nguồn nước...
Khi Quỹ quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) liệt cá tra Việt Nam vào "danh sách đỏ" hạn chế sử dụng và ngay sau đó, khi chúng ta đấu tranh mạnh mẽ đã đưa cá tra Việt Nam ra khỏi danh sách này.
Đây cũng là lúc chúng ta nhìn nhận thật nghiêm túc về định hướng phát triển nghề nuôi, chế biến cá tra, ba sa xuất khẩu với những tiêu chuẩn cụ thể để cá tra Việt Nam ngày càng phát triển bền vững, vươn mạnh ra biển lớn.
(Theo Công Trí/chinhphu.vn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com