Trong khi doanh nghiệp chế biến đang kêu trời vì tình trạng thiếu cá tra nguyên liệu, thì VASEP và ngành nông nghiệp các tỉnh ĐBSCL, vựa cá tra của cả nước, lại cho rằng đây là… cơ hội tốt để tổ chức lại vùng nuôi.
Năm 2011, sản lượng cá tra nguyên liệu của ĐBSCL ước chỉ khoảng 800.000 - 1.000.000 tấn (kế hoạch Tổng Cục thủy sản là 1,2 - 1,3 triệu tấn). Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn phân bổ sản lượng cho từng tỉnh, dựa trên giấy phép nuôi trồng làm cơ sở dự báo xuất khẩu.
Thiếu nguyên liệu trong hai năm nữa
Đầu năm 2010, nguồn cung cá tra nguyên liệu dồi dào, do các doanh nghiệp sử dụng nguồn nguyên liệu của năm 2009, khiến giá cá giảm thê thảm. Người nuôi thua lỗ ngay lập tức “treo ao” và hệ lụy là cuối năm, các nhà máy thiếu nguyên liệu trầm trọng. Theo ông Dương Ngọc Minh, Phó Chủ tịch VASEP, thiếu cá tra nguyên liệu sẽ kéo dài trong hai năm nữa (năm 2011 - 2012).
Tuy nhiên, thiếu cá nguyên liệu lại có những dấu hiệu đáng mừng. Ông Minh dẫn chứng, ngày 19/9/2010, VASEP thông báo tình trạng thiếu nguyên liệu và tăng giá xuất khẩu, thì thị trường có phản ứng tích cực. Bằng chứng là tại thị trường châu Âu, đầu tháng 1/2011, giá đã tăng 20%. Mới đây nhất, các nhà nhập khẩu châu Âu đã chấp nhận mức giá sàn 3 USD một kg cá tra phi lê thịt trắng. Các thị trường khác, giá cá tra phi lê từ 1,5 USD một kg cũng đã tăng lên 2 USD. Giá bán cá tra ra thị trường thế giới càng cao thì hàng rào kỹ thuật càng thấp, và ngược lại. “Thiếu nguyên liệu (do diện tích nuôi giảm) hiện nay sẽ rất tốt cho ngành nuôi, xuất khẩu cá trong những năm tới phát triển bền vững”, ông Minh khẳng định.
“Qua những khó khăn của cá tra thời gian qua, đây là lúc tổ chức sản xuất theo qui hoạch, theo tiêu chuẩn, an toàn vệ sinh thực phẩm... Không làm theo kiểu ăn xổi ở thì nữa”, ông Liêu Cẩm Hiền, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn Vĩnh Long, nói. Và để khắc phục tình trạng thiếu nguyên liệu hiện nay, các địa phương cần ngồi lại với nhau, mà VASEP, Hội nghề cá và Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn phải làm “chủ xị”, để bàn về quy hoạch, sản xuất, chế biến, xuất khẩu cho tương đồng; giá cả thích hợp...
Cần bộ tiêu chuẩn Việt Nam
Đã đến lúc ĐBSCL phải hạn chế phát triển diện tích nuôi, mà chú trọng vào chuỗi liên kết giá trị. Bà Phạm Thị Hòa, Phó Giám đốc Nông nghiệp – Phát triển nông thôn An Giang cho biết, đang thí điểm mô hình liên kết chuỗi. Nông dân nuôi, doanh nghiệp làm trung tâm sản xuất và tiêu thụ, ngành nông nghiệp hỗ trợ kỹ thuật cho nông dân, thủ tục cho doanh nghiệp. Bà Hòa đề xuất Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn sớm có bộ tiêu chuẩn cho con cá tra Việt Nam, để liên thông các tiêu chuẩn quốc tế, xuất khẩu sang thị trường nào thì liên thông theo tiêu chuẩn của họ. Ông Hiền cũng cho hay, người nuôi đang rất vất vả chạy theo các tiêu chuẩn, khi thì SQF khi thì HACCP... mà các nhà nhập khẩu đưa ra. Cần có tiêu chuẩn của Việt Nam, để khẳng định cá tra Việt Nam với chất lượng nhất định. Đồng thời chấm dứt chuyện giá cá chạy theo giá thị trường.
Tổng kết sản xuất, tiêu thụ cá tra ĐBSCL năm 2010, triển khai kế hoạch 2011 tại thành phố Cần Thơ hôm qua, Thứ trưởng Nông nghiệp – Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám khẳng định, sẽ căn cứ vào tín hiệu của thị trường để xác định sản lượng cá tra năm 2011. Trao đổi với Đất Việt, ông Tám cho biết, năm nay, Bộ sẽ điều chỉnh quy hoạch phát triển cá tra chi tiết ở ĐBSCL theo định hướng của Chính phủ, ban hành quy chuẩn quy trình nuôi cá tra (VietGAP). Đây là nền tảng để đưa ra quy chuẩn xây dựng con cá tra Việt Nam đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Đồng thời, trước năm 2015, thay toàn bộ giống cá tra bằng giống chất lượng cao và sạch bệnh.
(Báo Đại Đoàn Kết)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com