Sự khủng hoảng về nhu cầu tiêu thụ cá ngừ tại các quốc gia nhập khẩu lớn đã khiến các nhà xuất khẩu cá ngừ Việt Nam phải chuyển hướng liên tục. Ngoài Ixrael, Li Băng, Angiêri… một tháng trở lại đây, Canađa xuất hiện một cách nổi bật và làm thay đổi vị trí của một số thị trường tiềm năng của cá ngừ Việt Nam.
Tính đến hết tháng 8/2009, xuất khẩu cá ngừ Việt Nam vẫn chỉ ở mức tăng trưởng âm so với cùng kỳ năm ngoái, không khí xuất khẩu vẫn ở trạng thái trầm lắng. Cũng trong thời gian này, trên bức tranh thị trường nhập khẩu chính của cá ngừ Việt Nam, các khách hàng lớn vẫn tiếp đà giảm sút, riêng thị trường nhập khẩu “mờ nhạt” như Canađa lại nổi lên như một điểm sáng, trong khi thị trường quen thuộc và nhiều biến động – Croátia lại vắng mặt trong tốp thị trường nhập khẩu chính cá ngừ Việt Nam.
Bắt đầu từ nửa đầu tháng 6/2009, Canađa thu hút sự chú ý trên bức tranh xuất khẩu cá ngừ Việt Nam khi tăng 384,5% về khối lượng và 107,4% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Nửa đầu tháng 7/2009, nhập khẩu cá ngừ vào quốc gia này tiếp tục tăng trưởng ba con số 191,9% về khối lượng và 140% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Tháng 8/2009, xuất khẩu cá ngừ Việt Nam sang Canađa lại tăng 83,2% về khối lượng và 48,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2008. Sức bật này khiến Canađa từ một quốc gia nhập khẩu không tên trong danh sách các thị trường nhập khẩu chính cá ngừ Việt Nam nửa đầu năm 2009 trở thành sức thu hút mới của các nhà xuất khẩu cá ngừ Việt Nam. Từ vị trí thứ 7 trong bảng tổng sắp các thị trường nhập khẩu cá ngừ chính từ Việt Nam nửa đầu tháng 7/2009, đến cuối tháng 8/2009, Canađa vươn lên vị trí thứ 5 (sau Mỹ, EU, Nhật Bản và Ixrael) đẩy Li Băng và Angiêri xuống vị trí thứ 6 và thứ 7.
Như vậy, tháng 8/2009, khi hầu hết các thị trường nhập khẩu lớn đều “giậm chân” ở mức tăng trưởng âm liên tiếp thì Canađa và Thụy Sỹ lại tăng trưởng tích cực cả về khối lượng và giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, 8 tháng đầu năm 2009, cả nước xuất khẩu được 34,3 nghìn tấn cá ngừ với tổng trị giá 111,5 triệu USD, giảm 7,8% về khối lượng và 16,1% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, chỉ có Mỹ, Li Băng, Ôxtrâylia và Thụy Sỹ tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái, các nước khác vẫn giảm 26,3% về khối lượng và 39,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2008.
Lẽ ra, tại thời điểm này của năm 2008, xuất khẩu cá ngừ đã tăng trưởng rất mạnh (đặc biệt ở các quốc gia lớn như: Mỹ, EU, Nhật Bản) do các kỳ lễ lớn đang đến gần. Nhưng đến hết tháng 8/2009, tình hình xuất khẩu cá ngừ sang những thị trường này vẫn chưa có chuyển biến tích cực. Nhiều doanh nghiệp cá ngừ lo lắng, có thể năm nay, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng hải sản cao cấp này không đạt kế hoạch đề ra do gặp nhiều khó khăn trong nước, các rào cản thương mại, sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường quốc tế.
Tính đến hết tháng 8/2009, trong bảng sắp xếp các công ty lớn xuất khẩu cá ngừ Việt Nam: Havuco, Seaspimex, Alphasea Co.,Ltd… bị tụt hạng so với năm ngoái. Ngoài Công ty TNHH Foodtech, Highland Dragon, Yueh Chyang Co… Công ty TNHH Thủy sản Hải Long Nha Trang đã chứng tỏ được sự nỗ lực trong kinh doanh để giữ vững thứ hạng trong danh sách các doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ hàng đầu Việt Nam, từ vị trí thứ 15 trong tháng 2/2009 lên vị trí thứ 1 trong tháng 6/2009 và giữ vị trí thứ 2 liên tiếp (sau Công ty TNHH Foodtech) đến hết tháng 8/2009.
(Tin tham khảo)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com