Hội đồng Khoa học tỉnh Tiền Giang đã nghiệm thu và xếp loại A cho đề tài khoa học “Chương trình hỗ trợ áp dụng tiêu chuẩn SQF 1000 ( là chữ viết tắt tiếng Anh: Safe Quality Food - Thực phẩm An toàn & Chất lượng) cho vùng nuôi cá tra tỉnh Tiền Giang”.
Mục tiêu đề tài nhằm áp dụng tiêu chuẩn SQF 1000 để xây dựng mô hình nuôi cá tra an toàn tại cồn Cổ Lịch thuộc xã Hòa Hưng và Hòa Khánh (Cái Bè) trên diện tích khoảng 18 ha bảo đảm nguồn nguyên liệu an toàn vệ sinh thực phẩm để chế biến xuất khẩu, phù hợp tiêu chí khắt khe của các thị trường nhập khẩu sản phẩm cá tra Việt Nam đặc biệt trong vấn đề truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Mặt khác, tránh thiệt hại cho người nuôi và nhà sản xuất do sản phẩm có chứa dư lượng các chất độc hại vượt quá giới hạn cho phép gắn với quản lý chặt chẽ vùng nuôi đồng thời cấp chứng nhận sản phẩm cá tra đạt tiêu chuẩn SQF 1000 cho người nuôi hoặc nhóm hộ trong vùng nuôi.
Thông qua triển khai đề tài khoa học, công ty SGS Việt Nam đã cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn SQF 1000 cho hợp tác xã Hòa Hưng và trại nuôi cá Mỹ Thuận (Công ty Cổ phần Hùng Vương) với tổng diện tích 25,41 ha. Để được cấp giấy chứng nhận, các hộ nuôi phải tuân thủ qui trình thực hành nuôi tốt, qui trình quản lý con giống, quản lý thuốc, hóa chất, sức khỏe công nhân, ghi nhật ký ao, thực hiện bảng biểu theo yêu cầu hệ thống...làm cơ sở truy xuất nguồn gốc khi cần thiết. Ngoài ra, Chương trình còn đào tạo 16 chuyên viên thực hành SQF 1000, 6 đánh giá viên nội bộ, 57 nông dân được tập huấn kiến thức về an toàn chất lượng và thực hành nuôi cá tra tốt đồng thời biên soạn hệ thống tài liệu làm kim chỉ nam cho người nuôi cá tra xuất khẩu. Đó là các tài liệu: HACCP cá tra nuôi ao, chính sách chất lượng, sổ tay chất lượng, Quy tắc hành xử, Qui trình thực hành nuôi tốt (GAP) đối với nuôi cá tra trong ao, 31 biểu mẫu ghi chép tại hộ nuôi...làm cơ sở để người nuôi tiếp cận và thực hành nuôi theo tiêu chuẩn SQF 1000.
Theo Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Tiền Giang: Được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn SQF 1000 giúp người nuôi cá tra có nhiều thuận lợi trong việc vượt qua những rào cản kỹ thuật thương trường, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm cá da trơn và tăng kim ngạch xuất khẩu - một thế mạnh kinh tế của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Tại Tiền Giang, diện tích nuôi cá da trơn đạt trên 120 ha cho sản lượng hàng năm khoảng 45.000 tấn. Tỉnh phấn đấu đến 2015 mở rộng diện tích nuôi cá da trơn thâm canh lên 600 ha và 2020 đạt 700 ha./.
(Vinanet)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com