Kể từ ngày IUU có hiệu lực, cánh cửa vào thị trường Châu Âu của các doanh nghiệp xuất khẩu hải sản đã hẹp dần. Sắp tới, những quy định của Thông tư 25/2010/TT-BNNPTNT về kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm đối với hàng hóa có nguồn gốc động vật nhập khẩu sẽ bịt cả “đầu vào” của doanh nghiệp… Hiện nay, nguồn nguyên liệu trong nước (đặc biệt là hải sản) lại đang thiếu hụt nghiêm trọng.
Theo Sở NN&PTNT Quảng Ninh, hiện nay biển miền Bắc đang chuyển từ vụ cá Bắc sang vụ cá Nam. Thời tiết nắng nóng kéo dài cộng với việc Trung Quốc tuyên bố áp dụng lệnh cấm đánh bắt cá hàng năm tại Biển Đông (hiệu lực từ 16/5-1/8/2010) tại một số vùng biển nhằm bảo vệ nguồn tài nguyên cá trong vùng đặc quyền kinh tế khiến sản lượng hải sản khai thác tại địa phương giảm sút đáng kể. Theo thống kê, 6 tháng đầu năm 2010, sản lượng hải sản khai thác của toàn tỉnh ước đạt trên 23,8 nghìn tấn, đạt hơn 50% kế hoạch và bằng 89% so với cùng kỳ năm ngoái, sản lượng nuôi trồng đạt hơn 12,6 nghìn tấn, đạt 43,7% so với kế hoạch.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp chế biến hải sản tại Quảng Ninh buộc phải gia công cho các đơn vị khác hoặc phải nỗ lực nhập khẩu và gom nguyên liệu tại các tỉnh lân cận.
Còn tại miền Trung và Nam Trung Bộ, phần lớn doanh nghiệp chế biến hải sản lỗ hoặc không có lời. Họ không mua được nguyên liệu, giá tôm nguyên liệu tăng từ 15 - 35% so với trước do không cạnh tranh được với thương lái Trung Quốc. Có mặt thường xuyên tại các bến tàu, thương lái Trung Quốc đang giành giật từng kilôgam nguyên liệu với các đại lý thu mua mà không phải chịu bất cứ sự kiểm soát nào của cơ quan chức năng.
Một số doanh nghiệp tại Kiên Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu còn phản ánh rằng, hiện nay, tàu khai thác vào bờ rất chậm, giá nguyên liệu tăng trung bình từ 10 - 20% so với những tháng đầu năm. Doanh nghiệp buộc phải mua hàng với giá cao để đúng hẹn đơn hàng. Số lượng đơn hàng tăng cao nhưng họ luôn lo lắng và đắn đo do thiếu nguyên liệu.
Theo Sở NN&PTNT Cà Mau thì hiện nay, địa phương này đang phải “gánh” nguyên liệu cho cả vùng ĐBSCL, 6 tháng đầu năm 2010, sản lượng thủy sản toàn tỉnh ước đạt 191,6 nghìn tấn, đạt 49% so với kế hoạch, trong đó, sản lượng tôm đạt trên 61,4 nghìn tấn, đạt 53% so với kế hoạch.
Tại Bạc Liêu và Sóc Trăng, doanh nghiệp xuất khẩu tôm đang thiếu nguyên liệu trầm trọng. Thời gian qua, Bạc Liêu thiếu nước mặn khiến trên 8.500 ha nuôi tôm bị thiệt hại. Tại Sóc Trăng, nhiều nhà máy chỉ chạy 10-20% công suất do thiếu nguyên liệu.
Để nhà máy được chạy đủ công suất, tạo công ăn việc làm ổn định cho người lao động, doanh nghiệp đang phải nỗ lực thu mua nguyên liệu trong nước và tìm cách nhập khẩu giảm sức ép về sự khan hiếm nguyên liệu, tăng kim ngạch xuất khẩu.
Nhưng ngay cả việc nhập khẩu thủy sản để gia công và chế biến biến hàng xuất khẩu không cũng dễ dàng gì khi cùng lúc doanh nghiệp phải chịu nhiều thủ tục kiểm soát đồng thời của 4 văn bản hiện hành của Bộ NN&PTNT: Quyết định 118/2008, Thông tư 78/2009, Thông tư 06/2010 và Thông tư 25/2010.
Kể từ ngày IUU có hiệu lực, cánh cửa vào thị trường Châu Âu của các doanh nghiệp xuất khẩu hải sản đã hẹp dần. Sắp tới, những quy định của Thông tư 25/2010/TT-BNNPTNT về kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm đối với hàng hóa có nguồn gốc động vật nhập khẩu sẽ bịt cả “đầu vào” của doanh nghiệp… Cộng đồng doanh nghiệp thủy sản đang trông mong vào sự cân nhắc, suy xét từ các cơ quan chức năng để những văn bản này không trở thành rào cản thương mại đối với doanh nghiệp trong nước.
(vasep)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com