“Việc ngư dân tự lập thành các nhóm, tổ đội tàu hỗ trợ nhau ra khơi, hay sáng kiến lập quỹ hỗ trợ ngư dân là rất tốt. Bộ NN&PTNT đã trình Chính phủ chính sách hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ, trong đó làm sao hỗ trợ tối đa cho ngư dân yên tâm ra khơi”, Phó Tổng cục trưởng Thủy sản (Bộ NN&PTNT) Chu Tiến Vĩnh trả lời phỏng vấn.
Ông Vĩnh cho biết, Tổng cục Thủy sản cũng đang có chủ trương thành lập các tổ đội sản xuất, khai thác (khoảng 5-7 tàu), trên tinh thần tự nguyện, giúp đỡ nhau khi có rủi ro.
Mặt khác, khi đánh bắt theo tổ đội, Nhà nước sẽ hỗ trợ về máy đàm thoại từ xa (mỗi tổ 1 chiếc, khoảng 20 triệu đồng/chiếc), được ưu tiên gắn các thiết bị quan sát, theo dõi, tìm kiếm bằng công nghệ vệ tinh trên tàu, hỗ trợ về vật tư, tiêu thụ sản phẩm… Hoạt động theo tổ nhóm sẽ tiết kiệm cho ngư dân, hoạt động đánh bắt có hiệu quả, thuận tiện cho cơ quan nhà nước về mặt quản lý.
Khuyến khích việc lập quỹ hỗ trợ ngư dân
Vừa qua, một số tỉnh miền Trung như Quảng Ngãi có đề xuất lập quỹ hỗ trợ ngư dân, ông thấy cách làm này thế nào?
Các tỉnh trong điều kiện của mình chủ động lập quỹ giúp ngư dân là rất tốt và chúng tôi hoàn toàn ủng hộ. T.Ư sẽ hỗ trợ nhưng ở mức khác, trên tinh thần làm sao để ngư dân ra khơi được thuận lợi nhất.
Kinh phí xây dựng quỹ có thể do các ngư dân tự nguyện đóng góp, từ ngân sách (thu được từ xuất khẩu thủy sản), ngân sách khuyến ngư, huy động nguồn hỗ trợ của các tổ chức nước ngoài, tổ chức phi chính phủ… Ở đây, nguồn quỹ này địa phương nên trực tiếp quản lý vì chính họ hiểu ngư dân của mình đang cần gì.
Việc lập quỹ có nên kêu gọi các doanh nghiệp đóng góp?
Nghề cá của ta hiện nay chủ yếu nhân dân khai thác là chính, không tồn tại doanh nghiệp nhà nước khai thác. Trước đây, một số doanh nghiệp lớn như Tổng Cty thủy sản Hạ Long, Tổng Cty thủy sản Biển Đông đều có đội khai thác, nhưng hiện nay đã giải thể và hiện họ chưa làm đúng chức năng là đơn vị của Nhà nước lập ra để hỗ trợ ngư dân.
Trong chiến lược phát triển nghề cá sắp tới, chúng tôi đề xuất thành lập cơ quan cấp quốc gia (giống như các tổng Cty) để hỗ trợ ngư dân như: bảo vệ ngư dân trên biển, cung cấp xăng dầu, tiêu thụ hải sản cho ngư dân. Thời gian qua, chúng ta đã thả lỏng vấn đề này.
Việc lập tổ, nhóm ra khơi sẽ giúp ngư dân chống chọi tốt hơn khi gặp rủi ro. |
Thêm nhiều chính sách hỗ trợ ngư dân
Trong văn bản Bộ vừa trình Chính phủ đề xuất chính sách hỗ trợ cho ngư dân đánh bắt xa bờ, cụ thể là thế nào, thưa ông?
Nhiều nội dung được đề cập, chẳng hạn như xây các khu dịch vụ hậu cần trên các đảo lớn, xa bờ, thậm chí ở một số đảo trong quần đảo Trường Sa. Khi lưu trú vào các khu trên, tàu của ngư dân được miễn phí sửa chữa (trừ vật tư thay thế ngư dân phải trả tiền), cấp nước ngọt miễn phí; mua nước đá và bán thủy sản bằng giá trên bờ.
Riêng ngư dân khai thác ở vùng biển chiến lược, Nhà nước có chính sách hỗ trợ mua dầu máy. Ngoài ra, ngư dân sẽ được hỗ trợ về đảm bảo an toàn trên biển, được cung cấp các dịch vụ về nghề cá, mua bảo hiểm thuyền viên, cứu nạn cứu hộ...
Còn vấn đề hỗ trợ ngư dân vay vốn ngân hàng phục vụ nghề đi biển thì sao?
Trước đây, chúng ta có chính sách cho ngư dân vay vốn ưu đãi để đóng tàu khai thác xa bờ. Tuy nhiên, lúc đó việc cho vay vốn tràn lan, không có chính sách thế chấp, tín chấp, không đầu tư tập trung… nên ngư dân sử dụng vốn không hiệu quả, để lại những hệ lụy không nhỏ.
Trong văn bản trình Chính phủ, chúng tôi đề xuất cho ngư dân vay vốn ưu đãi để đóng tàu mới, đóng vỏ mới, sắm sửa ngư cụ với thời gian dài hơn, trong 5 năm hoặc 10 năm. Vì thực tế, nghề cá bấp bênh, năm thất bát, năm được mùa; nếu cho vay khoảng 3 năm, mà mất mùa liên tục, ngư dân dễ bỏ nghề.
(Theo Tienphong Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com