Chế biên tôm xuất khẩu- Ảnh:TL. |
Các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu tôm ở ĐBSCL đang đứng giữa hai dòng nước, nếu chỉ dùng toàn tôm sạch thì không đủ tôm cho chế biến, còn mua cả tôm bơm tạp chất thì khó xuất khẩu sản phẩm và vi phạm cam kết "Nói không với tôm bơm tạp chất".
Sau khi thông qua cam kết "Nói không với tôm bơm tạp chất", trung bình mỗi ngày Công ty cổ phần chế biến thủy sản Minh Hải (Cà Mau) chỉ mua được 1 tấn tôm nguyên liệu, đủ cho nhà máy chế biến hoạt động 20% công suất. Trong khi đó, tôm bơm tạp chất được các đại lý bán rất nhiều nhưng công ty không thể mua vì đã ký cam kết trước đó.
Ông Huỳnh Văn Thiệu, Phó phòng kinh doanh công ty Minh Hải cho biết, nếu muốn tăng công suất chế biến lên trên 20%, công ty buộc phải mua tôm từ các đại lý trung gian, mà đa phần các đại lý này ít nhiều đều bơm tạp chất như agar vào tôm để tăng trọng lượng tôm trước khi bán cho các nhà máy chế biến tôm xuất khẩu.
Do vậy công ty đang rơi vào trường hợp khó xử: nếu làm đúng với cam kết "Nói không với tôm bơm tạm chất" thì nhà máy phải hoạt động cầm chừng; còn muốn nâng công suất thì chỉ còn cách mua tôm có bơm tạp chất từ các đại lý trung gian.
Cùng một hoàn cảnh tương tự, ông Tô Tần Hoài, Phó giám đốc Công ty cổ phẩn Thủy sản Cà Mau cho hay, nhà máy của ông cần 20 tấn tôm nguyên liệu/ngày nhưng thực tế chỉ mua được 4-5 tấn tôm nguyên liệu sạch mỗi ngày. Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài thì không biết nhà máy sẽ hoạt động như thế nào vì tôm nguyên liệu thì nhiều nhưng không thể mua về chế biến vì đã cam kết nói không với tôm bơm tạp chất.
Ông Trường Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết, câu chuyện về tôm bơm tạp chất là một chuyện dài không biết khi nào có hồi kết. Về cơ bản, nhiều doanh nghiệp đang đứng giữa hai lựa chọn: hoặc tuân thủ cam kết không mua tôm bơm tạp chất, hoặc duy trì lợi nhuận của công ty, quan trọng hơn là đảm bảo công việc cho người lao động.
“Trước áp lực kinh doanh sẽ có nhiều công ty buộc phải “xé rào” với nhiều lý do khác nhau để biện hộ. Để chương trình 'Nói không với tôm bơm tạp chất' được thực thi nghiêm chỉnh như cam kết, chúng ta chỉ biết trông chờ vào ý thức của các nhà sản xuất”, ông Hòe cho hay.
Theo ông Hoài, do địa bàn nuôi tôm của người dân Cà Mau trải rộng ở nhiều nơi nên các công ty không có đủ nhân lực và phương tiện đến từng trại tôm mà phải mua tôm thông qua đại lý nên mới có tình trạng đáng buồn này. "Khó có thể kêu gọi các đại lý đừng bơm tạp chất vào tôm bằng những khẩu hiệu chung chung, mà phải có sự tham gia tích cực và quyết liệt của cơ quan quản lý thị trường, thanh tra của các sở nông nghiệp và phát triển nông thôn địa phương cùng những hình phạt mạnh tay thì mới có thể giảm được tình trạng này”, ông Hoài nói.
Theo hai công ty nói trên, khó khăn của họ còn ở chỗ, ngoài việc chưa xây đựng được vùng nguyên liệu cho nhà máy thì mối quan hệ giữa công ty với các chủ trại nuôi tôm chưa được cả 2 bên quan tâm đúng mức. Vì vậy, cho dù công ty Minh Hải đã cho nhân viên đến từng trại nuôi tôm nhưng vẫn không mua được đủ số tôm nguyên liệu như mong muốn vì không xây dựng được mối quan hệ lâu dài như mối quan hệ giữa chủ trại và đại lý mua bán tôm.
Một lý do khác để các công ty chế biến thủy sản không mua được tôm nguyên liệu trực tiếp từ các trại nuôi là khi khó khăn về vốn, các chủ trại thường vay tiền của các đại lý sau đó trả lại bằng tôm nguyên liệu. Còn các công ty chế biến thủy sản lâu nay không có mối quan hệ ràng buộc tài chính như vậy nên yếu thế hơn đại lý, thương lái thu mua tôm của nông dân.
Theo trang chủ của Cục quản lý chất lượng Nông lâm thủy sản ( www.nafiqad.gov.vn ), các công ty chế biến thủy sản vi phạm lần đầu về kiểm soát tạp chất trong tôm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Trong trường hợp các công ty nói trên vẫn tiếp tục tái phạm sẽ bị xử phạt theo Nghị định số 31/2010/NĐ-CP ngày 29-3-2010 của Chính phủ về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản. |
(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com