Giá tôm nguyên liệu ở Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) đang cao chót vót; nông dân có tôm thu hoạch thời điểm này được ví như người trúng số. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia ngành thủy sản lại lo bất ổn đang trực chờ.
Không chỉ thương lái lùng sục đầm tôm mà các công ty chế biến tôm cũng cho nhân viên xuống tận vùng nuôi để thương lượng giá với nông dân khi nguồn nguyên liệu khan hiếm trầm trọng.
Đẩy giá cao để thu gom
Từ mấy tháng nay, giá các loại tôm sú, tôm thẻ chân trắng ở ĐBSCL liên tục lập các đỉnh mới. Theo bà Trần Thị Hà, chủ cơ sở thu mua tôm Hải Hà (Gò Công Tây, Tiền Giang), tôm sú loại 20 con một kg hiện có giá 280.000 - 290.000 đồng, loại 30 con là 220.000 - 230.000 đồng, 40 con giá 200.000 - 210.000 đồng một kg. Còn tôm thẻ chân trắng loại 100 con mỗi kg có giá 90.000 - 95.000 đồng, mức giá này cao chưa từng có trước đây. Giá tôm nguyên liệu cũng tăng 30 - 50% so với đầu năm. Ông Nguyễn Văn Hai, xã Phú Tân (huyện Tân Phú Đông, Tiền Giang), phấn khởi: “Tôi vừa thu hoạch ao tôm 6.000 m2 được hơn 3 tấn loại 30 con một kg. Trừ chi phí còn lãi gần 400 triệu đồng, mức lãi “khủng” nhất mà nhiều năm nuôi tôm tôi không dám mơ”.
Giá tôm cao là do các hộ nuôi tôm ở ĐBSCL đồng loạt ngắt vụ cải tạo ao, đầm sau vụ tôm 2010, đến nay chưa thu hoạch trở lại. Một nguyên nhân quan trọng khác là tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi ở ĐBSCL diễn biến phức tạp và có chiều hướng lan rộng khiến tình trạng khan hiếm nguyên liệu ngày càng trầm trọng hơn. Theo ông Ngô Thiện Tâm, Trưởng trạm Thủy sản số 3 (huyện Tân Phú Đông, Tiền Giang), hiện nhiều công ty cử người xuống vùng nuôi tôm để thu mua và liên tục đẩy giá lên cao để gom cho đủ số lượng. Điều này khiến những thương lái lâu năm trong vùng cũng phải chào thua trong cuộc chạy đua giá.
Cần chính sách hài hòa
Theo các chuyên gia ngành thủy sản, xét trên phương diện chung thì ngành tôm đang chứa đựng nhiều điều chưa bền vững. Bởi do giá cao, người nuôi lãi lớn nên ồ ạt thả giống để kịp giá mà không quan tâm nhiều đến kỹ thuật, chất lượng. Nhu cầu tôm giống tăng cao và đồng loạt khiến cho cung không đáp ứng cầu, con giống khan hiếm, khó kiểm soát chất lượng, khiến dịch bệnh phát triển. Bên cạnh đó, nhiều nông dân ham lợi, sẵn sàng nuôi trái vụ bất chấp lịch thời vụ, làm môi trường ngày càng xấu đi, mầm bệnh nhiều, dẫn đến rủi ro trong nuôi tôm ngày càng cao.
Theo số liệu chưa đầy đủ, tỉnh Tiền Giang hiện có 1.239 ha thả nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh, thì có 251 ha bị thiệt hại. Diện tích nuôi tôm quảng canh 1.686 ha cũng có 310,5 ha thiệt hại. Tại các tỉnh được xem là thủ phủ của nghề nuôi tôm như Sóc Trăng, Bạc Liêu… thiệt hại do dịch bệnh còn nặng nề hơn. Tỉnh Sóc Trang có 13.000 ha tôm sú chết (chiếm hơn 50% diện tích thả nuôi), Bạc Liêu có 3.495ha tôm chết (hơn 30% diện tích thả nuôi).
Các chuyên gia kiến nghị, để giải quyết bất ổn, cần có chính sách hài hòa giữa mối quan hệ từ sản xuất vật tư nuôi trồng, con giống đến người nuôi tôm, doanh nghiệp thu mua, chế biến xuất khẩu. Đặc biệt, phải xem biện pháp quy hoạch như là một công cụ đắc lực cho bình ổn nguyên liệu, ổn định giá cả, tránh trường hợp thấy giá cao thì nuôi ồ ạt, khi giá thấp thì bỏ ao, gây ra biến động mạnh nguồn nguyên liệu như hiện nay.
(Báo Đất Việt)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com