Đã vào chính vụ thả nuôi tôm sú ở ĐBSCL nhưng tôm giống đang khan hiếm và giá cao.
Một cơ sở tôm giống ở xã Long Toàn (Duyên Hải, Trà Vinh) không đủ tôm giống chất lượng để bán. Ảnh: Diệu Hiền. |
Giống thiếu, giá tăng
Ông Nguyễn Văn Quẩn ở ấp Năm, xã Mỹ Long Nam (Cầu Ngang, Trà Vinh) cho biết: "Đầu tháng 4 năm trước, tôm nuôi đã phát triển tốt, nhưng năm nay tôi cải tạo xong 8.000 m2 để nuôi công nghiệp lại không có giống để thả. Ao đã lấy nước vào mà không thả giống, phải tốn chi phí xử lý lại".
Ông Huỳnh Văn Tuấn ở ấp Giồng Dài, xã Hiệp Mỹ Tây (Cầu Ngang), kể: "Tôi vừa cải tạo xong 3 ha (5 ao), mấy ngày qua xuống huyện Duyên Hải tìm các trại giống có uy tín đặt mua, thì được biết, do thời tiết không thích hợp và nguồn tôm mẹ chất lượng thấp nên các trại chưa có giống".
Kỹ sư Trần Duy Phong, phụ trách nuôi trồng thủy sản ở xã Mỹ Long Nam, đánh giá: "Vụ nuôi tôm năm 2010 toàn xã có 620 ha nuôi công nghiệp và bán công nghiệp đều trúng lớn. Năm 2011 mở rộng lên 720 ha nhưng đến thời điểm này, mới thả giống được khoảng 15% diện tích".
Ông Dương Hùng, chủ doanh nghiệp tư nhân Dương Hùng ở ấp Bình Điền, xã Long Điền Tây (Đông Hải, Bạc Liêu) chuyên sản xuất giống tôm sạch theo quy trình sinh học, cho biết: "Năm 2010, doanh nghiệp tôi cung cấp hơn 1 tỷ con tôm sú giống. Năm 2011, số người hỏi mua nhiều hơn, nhưng tháng nay sản xuất không kịp để giao cho khách hàng. Người nuôi ở các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang, Sóc Trăng, Bến Tre, Trà Vinh vẫn điện thoại liên tục để đặt tôm giống".
Giống khan hiếm, giá lại tăng. Theo Giám đốc Trung tâm Giống thủy sản tỉnh Trà Vinh, Trần Văn Dũng, giá tôm sú giống sản xuất tại địa phương đã tăng lên 50 - 65 đồng/con (tùy kích cỡ). Giá tôm sú mẹ (tôm biển) có nguồn gốc Cà Mau trọng lượng 180-220gam giá 3-3,5 triệu đồng/con; loại tôm mẹ tốt giá 4,5-5 triệu đồng/con nhưng nguồn cung cũng rất hạn chế.
Tại tỉnh Cà Mau, Chi cục Nuôi trồng Thủy sản cho biết, giá tôm giống sản xuất tại chỗ tăng 30% so cùng kỳ năm trước.
Chất lượng thấp
Theo kế hoạch năm 2011 ở ĐBSCL, hơn 1.200 trại tôm giống chỉ đáp ứng khoảng 45 - 50% nhu cầu, còn lại phải nhập từ các tỉnh miền Trung và miền Đông Nam Bộ.
Thạc sĩ Lê Vũ Phương, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Duyên Hải (Trà Vinh), cho biết: "Năm 2011, Duyên Hải có kế hoạch thả nuôi 12.000 ha mặt nước, nhu cầu trên 1,2 tỷ con tôm giống. Huyện có 80 trại giống và cơ sở sản xuất đáp ứng khoảng 40% nhu cầu, nhưng chất lượng giống không đảm bảo".
Ông Võ Hồng Ngoãn, vua nuôi tôm sạch ở Bạc Liêu, nhận định: "Đây là thời điểm khó khăn nhất cho người nuôi. Thông thường, khi sốt tôm giống thì người nuôi sẽ chịu thiệt vì chất lượng kiểm dịch không chặt chẽ. Người nuôi lo tìm mua giống thì phải xao nhãng việc cải tạo ao nuôi".
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Kiên Giang, tính đến nay, nông dân thả nuôi được hơn 55.900 ha. Trong đó, hơn 6.600 ha tôm nuôi bị thiệt hại, phần lớn là do chất lượng giống, tôm bị bệnh đốm trắng, đỏ thân và các bệnh chưa rõ nguyên nhân cùng thời tiết bất thường. Thả nuôi công nghiệp và bán công nghiệp còn kéo dài đến tháng 5 nên căng thẳng về tôm sú giống chưa dừng lại.
(Theo Tienphong Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com