Hiện Cục khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản đang làm việc với Bộ Tài chính để thống nhất ban hành mức lệ phí chứng nhận thủy sản khai thác sau hơn 1 năm miễn phí. Trong ảnh: Tàu cá tại vịnh Vĩnh Hy (Ninh Thuận) neo bến sau một chuyến đánh bắt xa bờ. Ảnh: Ngọc Hùng |
Đã hơn một năm thực hiện quy chế "truy xuất nguồn gốc thủy sản đánh bắt (IUU)" nhưng hiện vẫn còn nhiều chủ tàu cá chưa quen với việc ghi nhật ký đánh bắt và điều đó gây khó cho việc chứng nhận thủy sản khai thác của doanh nghiệp.
Tại hội nghị triển khai thông tư quy định việc chứng nhận, xác nhận nguồn gốc thủy sản khai thác xuất khẩu vào thị trường châu Âu do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức ngày 22-4, tại TPHCM, Tổng cục thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã lưu ý tình trạng đó và yêu cầu phải có biện pháp chấn chỉnh để không ảnh hưởng xấu đến hoạt động xuất khẩu thủy sản vào thị trường châu Âu.
Ông Lê Trần Nguyên Hùng, Trưởng phòng khai thác thủy sản, Cục khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho biết, nguyên nhân là do thói quen của bà con ngư dân, và việc kiểm tra tại nhiều địa phương vẫn chưa đảm bảo đủ căn cứ cấp giấy chứng nhận.
Theo Cục khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, do số lượng tàu thuyền nhiều, ngư trường đánh bắt rộng, nhiều loại hải sản được đánh bắt trong một chuyến đánh bắt lớn nên nhiều chủ tàu cá “lười” không ghi chép nhật ký đầy đủ.
Một nguyên nhân nữa khiến ngư dân không có thói quen ghi nhật ký khai thác là để tiết kiệm nhiên liệu chạy tàu, họ thường bán cá trên biển cho các tàu thu mua dịch vụ, sau đó tiếp tục đánh bắt dài ngày thay vì chạy vào cảng đến bán. Số lượng tàu bán thủy sản ngay tại ngư trường càng ngày càng nhiều khi giá xăng tăng cao kể từ đầu tháng 4 đến nay.
Cục khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sớm hoàn thiện hệ thống kiểm ngư từ trung ương đến địa phương nhằm ngăn ngừa và hạn chế những hoạt động đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định IUU.
Nhiều khả năng Cục này sẽ ra quy định bắt buộc tàu cá đánh bắt ở những ngư trường nào phải cập những cảng cá cụ thể gần ngư trường đó để thực hiện chứng nhận khai thác thủy sản. Đây là một giải pháp nằm trong kế hoạch hành động quốc gia thực hiện các quy định về truy xuất nguồn gốc thủy sản mà Cục khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản sẽ trình lên Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phê duyệt.
Theo Cục khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản hiện có 23/28 tỉnh ven biển thực hiện chứng nhận khai thác xuất khẩu vào châu Âu cho các loại thủy sản như mực, bạch tuộc, tôm, cua ghẹ, cá ngừ… Những tỉnh có lượng giấy phép được chứng nhận IUU nhiều nhất là Kiên Giang, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Thuận. |
(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com