Nuôi mỗi ký cá tra, nông dân lỗ từ 300 – 500 đồng. Nhiều doanh nghiệp bắt chẹt nông dân
Chất lượng con giống thoái hóa; thức ăn thủy sản bị thả nổi; nông dân thiếu vốn sản xuất; không tạo được liên kết giữa sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu... là những bài toán khó đặt ra tại hội thảo “Thủy sản Việt Nam: Tiềm năng – phát triển và hội nhập” trong khuôn khổ Festival Thủy sản VN 2010 tại TP Cần Thơ. Đây là những bài toán đặt ra nhiều năm nhưng đến nay vẫn chưa có lời giải.
Sản lượng cao, chất lượng tốt nhưng người nuôi cá tra vẫn gặp khó khăn
Chất lượng con giống ngày càng thấp
Theo báo cáo của Cục Nuôi trồng thủy sản, diện tích nuôi trồng thủy sản của các tỉnh phía Nam (tính từ Đà Nẵng trở vào) trong năm 2009 khoảng 926.000 ha, sản lượng hơn 2,1 triệu tấn, chiếm khoảng 80% tổng sản lượng và diện tích cả nước. Trong đó, tôm sú chiếm 653.374 ha, cá tra có 6.800 ha là những mặt hàng xuất khẩu chiến lược.
Theo tiến sĩ Nguyễn Thanh Tùng, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản, năm 2001 chỉ có 82 cơ sở sản xuất con giống, đến năm 2007 đã lên đến hơn 5.170 cơ sở, tăng gấp 63 lần. Chỉ riêng năm 2009, các cơ sở sản xuất đã đưa ra thị trường 2 tỉ con giống cá tra. Tuy nhiên, chất lượng con giống lại rất thấp bởi chất lượng đàn cá bố mẹ kém. Một chuyên gia về giống thủy sản phân tích: “Trước đây, cá giống lấy từ môi trường tự nhiên nuôi khoảng 3 năm, trọng lượng khoảng 5 kg mới bắt đầu cho sinh sản. Những năm gần đây, để giảm chi phí mà vẫn thu được sản lượng cá bột cao, nhiều trại giống giảm đàn cá bố mẹ, giảm lượng thức ăn nhưng cho sinh sản nhiều lứa mỗi năm bằng cách lạm dụng kích dục tố”.
Tương tự, nhu cầu giống đối với tôm sú khoảng 25 tỉ con, tôm thẻ chân trắng khoảng 20 tỉ con nhưng chi phí kiểm dịch quá cao nên nhiều cơ sở không khai báo khiến lượng con giống trôi nổi trên thị trường khá lớn. Cục Nuôi trồng thủy sản khẳng định hoạt động này đang bị thả nổi.
Nông dân khó trăm bề
Tại hội thảo đã có nhiều tham luận được trình bày nhưng nhiều nội dung không bám vào khó khăn thực tế. Thậm chí có đơn vị tài trợ là một ngân hàng đã tham gia đóng góp bằng những “chiêu” quảng bá thương hiệu cho đơn vị mình với những vấn đề chẳng dính dáng đến ngành thủy sản.
Ông Võ Lý, người nuôi cá tra ở quận Thốt Nốt - TP Cần Thơ, chỉ ra bất cập hiện nay giữa “4 nhà” là tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”. Theo ông Lý, việc liên kết giữa nhà nông, Nhà nước, doanh nghiệp (DN) chỉ có thể thực hiện được trên... diễn đàn. Thực tế, DN chỉ vì lợi ích của chính mình, tìm đủ cách bắt chẹt nông dân. “Tôi nuôi cá tra theo quy trình GAP, chi phí cao hơn nuôi đại trà nhưng khi bán thì giá như các loại khác. Khi mua cá, DN ký hợp đồng hẳn hoi, hẹn thời gian cụ thể trả tiền. Đến hẹn, họ không trả, nông dân cũng không làm gì được họ. Đó là hình thức chiếm dụng vốn của nông dân nhưng phải chấp nhận” - ông Lý bộc bạch.
Ông Huỳnh Văn Óc, ở huyện Vĩnh Thạnh - TP Cần Thơ, bức xúc: Cá giống bị thoái hóa khiến người nuôi phải tốn chi phí cao nhưng vẫn không đạt chất lượng theo yêu cầu. Hơn nữa, giá thức ăn của cá tra hiện nay tăng vô tội vạ (khoảng 8.300 - 8.500 đồng/kg thức ăn nổi) nhưng độ đạm, dinh dưỡng lại giảm. Trước đây chỉ tốn khoảng 1,6 kg thức ăn đã đạt được 1 kg cá thịt nhưng hiện nay phải tốn từ 1,8 – 2 kg thức ăn. “Vốn đầu tư 1 kg cá tra thịt hiện nay khoảng 16.500 đồng nhưng giá cá tra nguyên liệu thì thấp hơn vốn 300 đồng/kg, nhiều nơi lỗ đến 500 đồng/kg” - ông Óc nói. Để giảm chi phí, nhiều người nuôi chọn cách tự chế biến thức ăn chìm nuôi cá nhưng không được cơ quan về môi trường cho phép.
Nông dân thiếu vốn Hiện nay diện tích nuôi cá tra liên tục giảm là do nông dân thiếu vốn đầu tư. Nhiều người cho biết với tổng vốn nuôi một vụ cá khoảng 1 tỉ đồng thì họ chỉ được vay thế chấp giá trị đất với ngân hàng khoảng 20%. Phần lớn người nuôi cá vay bên ngoài với lãi suất cao. |
(Bài và ảnh: QUỐC DŨNG // Nguoilaodong Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com